Bất cứ bố mẹ nào cũng mong muốn con mình được mạnh khoẻ, nhanh nhạy, thông minh. Chính vì thế, ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, bố mẹ đã đầu tư chọn phương pháp giáo dục. Vậy, phương pháp giáo dục trẻ 1-2 tuổi có gì đặc biệt?
Tại sao bố mẹ giáo dục cho trẻ ngay từ 1-2 tuổi?
Trong thời đại 4.0, việc tiếp cận công nghệ thông tin để tìm hiểu phương pháp giáo dục cho con dễ dàng hơn. Bố mẹ có thể nghiên cứu từ kênh sách báo hoặc từ các kênh điện tử. Tuy nhiên, điểm chung của các phương pháp tiếp cận đều là lấy con người làm trung tâm.
Thế giới càng phát triển, vai trò của con người càng được chú trọng. Hiểu được điều này, ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, bố mẹ quyết định sẽ giáo dục bé tốt nhất có thể.
Giáo dục từ sớm giúp ích gì cho bé?
Giai đoạn quan trọng
3 năm đầu đời có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành trí tuệ và tính cách của bé. Do đó, nếu bố mẹ quan tâm và giáo dục sớm, bé sẽ trở nên ngoan ngoãn và phát triển toàn diện hơn.
Hạn chế sai lầm
Ở độ tuổi 1-2 tuổi, bé hoàn toàn như một tờ giấy trắng. Vì thế, những gì bé học được sẽ được lưu lại rất lâu. Nếu bé tiếp nhận điều gì sai lệch, khả năng sửa lại cho đúng rất khó. Vì vậy, ngay từ đầu, bố mẹ định hướng đúng cách cho bé phát triển sẽ tốt hơn rất nhiều.
Tự tin hơn
Nếu được giáo dục từ sớm, bé sẽ lễ phép, chủ động, mạnh dạn hơn hẳn các bạn đồng trang lứa.
Phương pháp giáo dục trẻ 1-2 tuổi có gì đặc biệt?
Áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp với trẻ 1-2 tuổi
“Nói đi đôi với làm”
Bản năng của con người chính là sự bắt chước, mô phỏng hành động mình nhìn thấy. Do đó, khi thấy bố mẹ mình làm gì, bé sẽ làm theo ngay. Bố mẹ hãy tận dụng thời điểm này để tập cho bé những đức tính tốt.
Tập cho con ngồi ăn cùng bố mẹ, tập cho con vỗ tay, cùng con tập nói, … là những điều cơ bản bố mẹ cần dạy cho bé. Muốn bé làm gì, bố mẹ hãy làm trước rồi tập cho bé thực hiện theo.
Khi làm điều gì, có bố mẹ cùng làm, bé sẽ rất vui và hào hứng đấy!
Dạy bé tính chủ động
Tuy độ tuổi 1-2 còn rất nhỏ nhưng nhiều bố mẹ đã tập cho bé tính chủ động. Đứng dậy biết xếp ghế, chơi chán biết dọn dẹp đồ chơi, không vứt giày dép bừa bãi, … nên được tập từ nhỏ.
Chính những điều tưởng như vụn vặt ấy sẽ hình thành tính cách của bé sau này. Chủ động từ những việc rất nhỏ sẽ giúp bé không thụ động trước những việc lớn hơn trong cuộc sống.
Cùng con khám phá thế giới xung quanh
Thật hạnh phúc nếu như bé được cả bố lẫn mẹ cùng khám phá thế giới xung quanh.
Ở độ tuổi này, bé vẫn còn bỡ ngỡ với những gì diễn ra. Từ bình sữa, cái nôi, chiếc quạt, quyển sách, đôi giày, … đều rất mới mẻ và hấp dẫn.
Sẽ thật nhàm chán nếu như bé một mình ngồi nghịch những món đồ mà không biết tên gọi là gì. Nếu như bố mẹ cùng bé khám phá lần lượt từng đồ vật quanh mình, bé sẽ năng động, tự tin hơn. Sau này, khi bé đến trường học mẫu giáo, bé cũng sẽ ít rụt rè nhút nhát hơn.
“Tiên học lễ, hậu học văn”
Trước khi học những điều cao siêu, bé cần được bố mẹ dạy những kỹ năng giao tiếp cơ bản. Bố mẹ hãy tập cho bé “Dạ, ạ” khi gặp người lớn, “cảm ơn” khi được nhận bánh kẹo và “xin lỗi” khi làm đau bạn mình. Chỉ những từ cơ bản này thôi, bé đã đủ ngoan rồi!
À, bố mẹ đừng quên dạy bé nói: “Con yêu bố mẹ!” kèm theo ôm hôn nữa nhé. Tình cảm gia đình sẽ gắn kết sau mỗi lần bi bô của bé nhiều lắm!
Lưu ý phương pháp dạy trẻ 1-2 tuổi cho bố mẹ
Không dễ dàng thỏa hiệp cùng bé
Nhiều bậc phụ huynh vì quá cưng chiều con mà dễ dàng thoả hiệp. Khi không được như ý điều gì, chỉ cần oà khóc, bé sẽ được dỗ dành và có được cái mình muốn. Bố mẹ hãy dùng thái độ nghiêm túc dạy bé. Như vậy thì bé sẽ có ý thức hơn, không còn mè nheo nữa.
Bố mẹ cần tôn trọng con
Không nên ỷ mình là bố mẹ mà tự cho mình quyền quyết định tất cả mọi thứ. Trẻ 1-2 tuổi rất nhạy cảm, thích khám phá. Nếu bố mẹ chưa nắm được tâm lý của con, hay cản trở con, bé sẽ thấy bất mãn, thậm chí sẽ trở nên không nghe lời bố mẹ dạy.
Bố mẹ hãy lắng nghe nhiều hơn để hiểu bé hơn. Khi hiểu được ý bé rồi, bố mẹ nên tôn trọng và hỗ trợ mong muốn của bé. Tất nhiên với điều kiện đó là mong muốn hợp lý. Khi được bố mẹ ủng hộ, bé sẽ vui vẻ và phấn chấn, trở nên ngoan hơn rất nhiều.
Chúc bố mẹ sẽ tìm được phương pháp giáo dục trẻ 1-2 tuổi thật ưng ý nhé!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!