Đẻ xong thấy tan hoang xơ xác. Có cách nào sớm lấy lại tự tin với chính mình và ông xã những lúc tranh thủ được bên nhau mỗi khi con ngủ? The Asianparent Việt Nam sẽ bật mí cho mẹ 8 cách thức phục hồi vùng kín sau sinh hiệu nghiệm này.
- VÙNG KÍN ĐEN SẠM SAU SINH – Các mẹo để khắc phục vô cùng hiệu quả
- 7 điều bạn nên biết về vùng kín sau khi sanh em bé
8 tuyệt chiêu đơn giản giúp mẹ phục hồi vùng kín sau sinh
Nhiều mẹ than, tôi còn ở cữ, chăm con, kiêng kị đủ thứ, làm gì còn thời gian đâu mà lo mấy chuyện làm đẹp.
Nhưng mẹ hãy tưởng tượng xem, khoa học ngày càng hiện đại đã cho thấy những quan niệm kiêng cữ lạc hậu như bắt nằm than và ăn toàn thịt nạc với móng giò chỉ khiến mẹ sau sinh xì trét, thêm một rổ bụng mỡ và thậm chí còn khiến bé bú mẹ dễ bị táo bón.
Bé trong tháng phần lớn là ăn với ngủ nên mẹ cần cố gắng tranh thủ thời gian này, sắp xếp cữ ăn, ngủ nghỉ và chăm sóc bản thân mình tốt nhất. Mình có tự tin với chính bản thân mình thì sẽ càng thoải mái nhiều sữa cho con bú mà cân nặng cũng giảm nhanh hơn.
Do đó, mẹ cần chú ý 8 điều sau đây.
1. Ngủ và nghỉ ngơi thật nhiều
Con ngủ mẹ cũng cố làm một giấc hoặc nhờ người thân, ông xã chăm con cho mình để tranh thủ ngủ được càng nhiều càng tốt.
Giấc ngủ là liều thuốc và kem dưỡng da thần kỳ giúp các tế bào của cơ thể, hệ tuần hoàn, cơ xương được hồi phục nhanh chóng nhất. Nhờ vậy mà vùng kín cũng sớm được khỏe mạnh như xưa.
2. Thư giãn bằng nước ấm
Nếu có bồn tắm thì ngâm mình còn không mẹ có thể để mình được tận hưởng cảm giác dễ chịu dưới làn nước ấm của vòi hoa sen.
Đây cũng là cách rất tốt giúp lưu thông huyết mạch, giảm cảm giác đau lưng cũng như khó chịu vì vết rạch tầng sinh môn.
Lưu ý: Mẹ sinh mổ chỉ nên ngâm mình trong nước ấm sau khi vết thương đã lành.
3. Chườm lạnh
Vùng kín của mẹ sau sinh phần lớn thường phải trải qua quá trình thực hiện thủ thuật rạch và khâu tầng sinh môn. Do đó ở thời kỳ hậu sản, vết thương có thể sưng và tê nhức.
Một gợi ý cho mẹ là sử dụng túi chườm đá (có thể bọc một lớp khăn bên ngoài) cho vùng sưng tấy này hoặc khu vực xung quanh vùng kín.
Chườm lạnh có tác dụng rất tốt để giảm sưng tấy. Sau 2-3 ngày về nhà, tranh thủ những lúc được tắm rửa, mẹ hãy chườm lạnh giúp vùng kín hồi phục nhanh hơn.
4. Chuẩn bị băng vệ sinh chuyên dụng cỡ lớn
Ngay sau sinh, sản dịch sẽ chảy ra một cách tự nhiên và kéo dài từ 2-6 tuần. Do đó, để giữ gìn vệ sinh vùng kín, tránh viêm nhiễm và tỏa mùi thì mẹ cần dự trữ băng vệ sinh thấm hút tốt.
Mẹ đừng quên thay băng từ 2-3 tiếng chứ không nên chờ đến khi đầy rồi mới thay.
5. Bài tập cho “cô bé” của mẹ sau sinh
Một động tác đơn giản nhưng mang lại hiệu quả không ngờ cho người phụ nữ bị “nhão” ở vùng kín.
Sau khi vết khâu tầng sinh môn đã lành lặn và được cắt chỉ, mẹ chịu khó mỗi khi ngủ dậy hoặc những lúc cho con bú, tranh thủ một vài phút nghỉ ngơi buổi trưa để tập thể dục cho vùng kín của mình.
Hãy tập từ ít đến nhiều. Ban đầu có thể 20 cái rồi dần dần tăng lên. Độ dẻo dai, săn chắc của vùng kín sẽ sớm phục hồi như xưa nếu mẹ thường xuyên thực hiện bài tập này.
Đọc thêm bài: Hướng dẫn tập thể dục vùng kín cho chị em
6. Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn thật cẩn thận
Trong thời gian hậu sản, việc chăm sóc vết khâu là điều vô cùng quan trọng. Mẹ cần cẩn trọng để vết thương luôn sạch sẽ, không nhiễm trùng, sưng tấy quá mức hoặc rách vết thương.
Bác sĩ cho phép mẹ được tắm rửa nhưng không được chà sát quá mạnh vùng kín trong lúc tắm.
Sau khi tắm rửa sạch sẽ mẹ chỉ cần thấm khô bằng khăn bông và tuyệt đối không bôi kem dưỡng xung quanh vùng vết thương.
7. Xử lý trĩ sau sinh
Táo bón, trĩ sau sinh là điều đau đầu với không ít các mẹ. Sau sinh, vì sợ mỗi lần đi nặng mà rặn mạnh, rách vết thương nên đã ảnh hưởng đến quá trình làm việc của hệ bài tiết. Vì thế mà nhiều mẹ gặp phải vấn đề trĩ.
Gợi ý cho mẹ:
- Buổi sáng thức dậy uống một cốc nước ấm và cố gắng đi vệ sinh vào một giờ cố định (càng sáng sớm sẽ càng tốt).
- Tăng cường ăn rau, canh, hoa quả nhiều chất xơ.
- Uống thật nhiều nước trong ngày.
8. Chú ý cẩn trọng với chuyện quan hệ sau sinh
Làm chuyện ấy quá sớm có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho vùng kín sau sinh. Nhiễm khuẩn, vết khâu rách toạc hay tâm lý khiếp đảm về cơn đau để lại sau khi quan hệ.
Nếu không muốn đối mặt với điều ấy và để “cô bé” sớm xinh đẹp như xưa thì mẹ nên nói chuyện cùng ông xã và chờ đợi cho đến khi việc khám hậu sản sau sinh hoàn thành.
Theo The Asianparent