Dù không mong muốn nhưng nhiều mẹ sau khi sinh bụng vẫn rất to, nhiều người thậm chí không khác lúc mang bầu 4 5 tháng là mấy. Vậy đâu là nguyên nhân làm bụng mẹ to sau sinh?
Sự tăng cân của mẹ trong suốt thai kỳ
Để đảm bảo sự phát triển của thai nhi, hầu hết các mẹ bầu đều tăng cân với mức tăng trung bình từ 8 – 15kg. Sau khi sinh, cân nặng của mẹ sẽ giảm ngay khoảng 5 kg (trọng lượng thai nhi cộng với nước ối) và số cân nặng còn lại sẽ không thể giảm xuống ngay lập tức nên bụng mẹ chưa thể nhỏ lại ngay được.
Mặt khác tử cung cần thời gian để co hồi về kích thước ban đầu nên bụng mẹ vẫn sẽ to 1 thời gian sau.
Cơ bụng của mẹ bị thay đổi
Kích thước vòng bụng lớn lên trong suốt thai kỳ để đảm bảo không gian cho thai nhi phát triển.Nhiều mẹ gặp phải tình trạng 2 búi cơ bụng bị tách đôi trong quá trình mang bầu.
Vùng bụng có hai búi cơ xếp dọc hai bên thành bụng. Bình thường, 2 búi cơ dọc bụng nằm bên trái và bên phải được níu giữ với nhau bằng các mô và chịu trách nhiệm giữ vững nội tạng nằm yên ở vị trí định sẵn trong khoang bụng. Ở mẹ mang thai, các búi cơ này sẽ bị kéo quá căng về phía trước khiến cho hai búi cơ trái và phải tách nhau ra gây ra hiện tượng xổ bụng. Các cơ quan nội tạng nhân cơ hội này gây áp lực lên thành bụng trước khiến bụng càng ngày càng to.
Hiệu ứng phụ của việc sổ bụng là cơ thể mất cân đối do nội tạng dồn lên phía trước, xương sống sẽ bị đau. Quá trình sổ bụng ở phụ nữ sinh nở diễn ra nhanh nên xương sống càng khó thích ứng kịp, đó là lý do tại sao chị em sinh xong dễ bị đau lưng.
Không phải mẹ bầu nào cũng gặp phải tình trạng này. Những chị em có hệ cơ khỏe, thể trạng cao lớn hoặc mang bầu nhỏ so với vóc dáng cơ thể sẽ ít bị rách cơ dẫn đến xổ bụng. Bụng các mẹ bầu nằm trong số này có thể thu gọn lại khá nhanh. Ngược lại, những mẹ vóc dáng nhỏ lại mang bầu lớn sẽ rất dễ bị tách cơ bụng, rất khó co hồi vùng bụng, thậm chí không bao giờ co hồi nếu không sử dụng đúng phương pháp hỗ trợ.
Sự thay đổi nội tiết là nguyên nhân bụng to sau sinh ở các mẹ
Sự suy giảm estrogen do hormone prolactin tăng lên để kích thích sữa mẹ được cho là nguyên nhân chính làm bụng mẹ vẫn to sau 1 thời gian từ khi sinh xong. Estrogen giảm gây hiện tượng tích mỡ, các mô mỡ được lưu trữ nhiều ở vùng bụng và đùi.
Bên cạnh việc ảnh hưởng vóc dáng làm bụng mẹ bị to, hormone thay đổi còn khiến chị em gặp phải hàng loạt rắc rối khác như da dẻ bị sạm nám, nhiều mụn, rụng tóc, ham muốn tình dục suy giảm…
Căng thẳng, mệt mỏi
Căng thẳng mệt mỏi là tác nhân không ngờ có thể khiến bụng chị em mãi to sau sinh. Khi mẹ bị căng thẳng, cơ thể sẽ sản xuất ra 1 lượng lớn cortisol để chống lại sự căng thẳng đó. Hàm lượng cortisol quá cao sẽ làm cơ thể sinh ra phản ứng và điều hướng lưu trữ các mô mỡ tập trung ở vùng bụng.
Căng thẳng mệt mỏi ở mẹ sau sinh là khó tránh vì mới sinh xong, cơ thể mẹ vẫn còn yếu, lại đối mặt với sự thay đổi và những vất vả khi chăm sóc con nhỏ nên tâm lý dễ bị ảnh hưởng. Những mẹ có con quấy khóc, ốm yếu hơn bình thường hay không nhận được sự quan tâm chăm sóc của người thân thì càng dễ gặp phải những ức chế về tâm lý, gây ra nhiều tác hại đến tâm thần và sức khỏe.
Chế độ ăn uống cũng là nguyên nhân khiến bụng mẹ to sau khi sinh
Nhiều mẹ sau sinh thường có tâm lý bồi bổ, ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng để mau lại sức và có sữa cho con bú nên vô tình làm bụng to sau sinh. Điều này cộng với việc ở cữ, ít vận động đi lại dẫn đến hiện tượng tích mỡ nên bụng càng to hơn.
Bên cạnh đó, mẹ ăn nhiều đồ ăn vặt, thực phẩm nhiều đường, tinh bột… cũng làm tình trạng béo bụng không những không được cải thiện mà còn tồi tệ hơn.
Yếu tố di truyền làm bụng mẹ bị to sau sinh nở
Mỗi người có khả năng lưu trữ chất béo hay mô mỡ khác nhau do đặc điểm di truyền học khác nhau. Do đó nếu gia đình có người bị béo phì thì nhiều khả năng mẹ cũng sẽ bị béo bụng sau sinh.
Làm thế nào để khắc phục tình trạng bụng to ở các mẹ sau sinh?
- Cho con bú: Cho con bú vừa cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng quý giá, vừa giúp đốt cháy calo, tiêu hao năng lượng hiệu quả, đồng thời kích thích tử cung trở lại kích thước bình thường góp phần làm bụng mẹ nhanh nhỏ lại
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Mẹ nên có chế độ ăn lành mạnh, tránh thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn liền, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhiều đường. Nên ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, trái cây…. Không ăn quá no và nên chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày
- Uống nhiều nước: Nước làm khả năng đàn hồi của da tốt hơn, nhất là nước ấm làm tăng nhiệt độ cơ thể, tăng tỉ lệ trao đổi chất và đốt nhiều calorie hơn. 1 cốc nước ấm pha chanh sẽ góp phần đánh tan các mô mỡ ở mẹ sau sinh
- Nên tập luyện hợp lý, hạn chế nằm nhiều 1 chỗ. Tập luyện đúng cách và đều đặn sẽ giúp cho cơ bụng săn chắc, cải thiện nhanh những vết rạn, sổ bụng sau sinh đồng thời giảm béo toàn thân
- Có thể sử dụng nịt bụng để góp phần làm bụng nhỏ lại, tuy nhiên không nên gen bụng sau sinh quá sớm khi cơ thể vẫn chưa hồi phục hoàn toàn
- Chườm ấm, massage bụng: Hơi nóng từ chườm ấm kích thích tiêu mỡ và đốt cháy năng lượng. Massage thúc đẩy lưu thông máu, hỗ trợ quá trình trao đổi chất diễn ra tốt hơn, đào thải mỡ và những chất dư thừa.
- Thư giãn, giữ tinh thần thoải mái, không căng thẳng, lo lắng quá mức.
Tạm kết
Bụng to sau sinh là khó tránh ở nhiều chị em và việc bụng nhỏ lại hay không phụ thuộc phần lớn và những nỗ lực của chính các mẹ. Chúc các chị em nhanh chóng lấy lại được vòng 2 mơ ước trong thời gian sớm nhất nhé!
Xem thêm
- 5 lưu ý vàng cho mẹ để nhanh phục hồi sức khỏe và sắc đẹp sau sinh
- Sau sinh bao lâu thì có thể làm đẹp để con khoẻ mẹ xinh?
- Sau sinh bao lâu thì nịt bụng để hiệu quả nhất như mẹ mong muốn?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!