Nằm than sau sinh đã từng là một trong những phương án khá hữu hiệu để giữ ấm cho mẹ và con. Song, việc này đã không còn phù hợp trong thời đại này.
Sau sinh là thời điểm yếu nhất của phụ nữ. Một chặng đường quá dài rồi… Từ khi mang bầu, vượt cạn thành công đến phục hồi sau sinh là cả một quá trình dài. Vậy nên, việc giữ sức khỏe cho mẹ là quan trọng.
Trong đó, việc nằm than sau sinh có thể giúp phần nào giữ ấm cơ thể cho mẹ và bé. Nhưng đồng thời cũng khiến mẹ và bé gặp nhiều rủi ro. Nếu không cẩn thận, có thể tử vong. Hãy cùng phân tích việc nằm than sau sinh.
Nằm than sau sinh và những hiểm họa khôn lường
Phải khẳng định ngay, việc nằm than sau sinh không còn phù hợp trong thời điểm này! Bên cạnh nguy cơ hỏa hoạn, nó còn phát sinh rất nhiều vấn đề khác.
Ngộ độc carbon monoxide (CO) và carbon dioxide (CO2)
Khi than được cháy lên sẽ tạo ra CO và CO2. Đặc biệt sản sinh khí carbon monoxide (CO). Đây là khí có khả năng cạnh tranh rất mạnh với Oxy trong cơ thể. Điều này dẫn đến cơ thể thiếu Oxy trầm trọng và có thể dẫn đến tử vong
Những dấu hiệu ngộ độc CO gồm có: Đau đầu âm ỉ, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, nôn khan, khó thở, lú lẫn, mắt mờ, mất ý thức. Ngộ độc carbon monoxide (CO) có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những trường hợp đang ngủ. Những người này có thể tổn thương não không hồi phục hoặc thậm chí chết trước khi có bất kì dấu hiệu nào xảy ra.
Đối với trẻ vừa mới sinh, trẻ thường thở nhanh hơn người lớn. Do đó, trẻ càng dễ ngộ độc hơn người lớn.
Nằm than sau sinh dẫn đến bị bỏng
Nhiệt độ từ bếp than thường tỏa ra không đều. Vị trí đặt bếp than thường dưới gầm giường. Do đó mẹ và bé rất dễ bị bỏng. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khiến bé bị bỏng nặng và có thể để lại nhiều di chứng về sau. Chưa kể, bếp than để lâu trong nhà có thể gây lửa bén lên chăn, gối, rèm cửa gây hỏa hoạn cho gia đình.
Làm thay đổi thân nhiệt của bé
Nhiệt độ của than không phải lúc nào cũng như nhau. Có lúc nóng hừng hực, có lúc lại nguội lạnh. Điều này không những làm cho bé dễ bị bỏng mà còn làm cho thân nhiệt của bé thay đổi thất thường, dễ bị bệnh hơn nữa.
Còn đối với mẹ, thay đổi nhiệt độ thất thường sẽ khiến cho người mẹ dễ mệt mỏi và cơ thể yếu hơn nữa.
Bệnh về da do nằm than sau sinh
Khi than bốc cháy sẽ tạo ra các muội than. Các muội than này có thể dính vào cơ thể của bé gây bít các lỗ chân lông. Điều này khiến cho bé không thoát được mồ hôi, dễ bị các bệnh về da như rôm, sẩy, thậm chí nặng có thể gây nhiễm trùng da. Nhiễm trùng ở những tháng đầu sau sinh rất dễ gây đến nhiễm trùng máu và tử vong.
Vẫn có những ý kiến trái chiều
Bên cạnh những phân tích từ khoa học, vẫn còn rất nhiều người bảo vệ việc nằm than sau sinh. Bởi nếu biết hơ than đúng cách thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn bao gồm nhanh hết sản dịch, nhanh lấy lại vóc dáng và đỡ đau nhức người.
Bà mẹ K.C chia sẻ: “Theo mình nghĩ, nếu nằm than đúng cách thì cũng tốt chứ không phải dở hơi đâu. Không được nằm quá nhiều, đốt trong phòng kín thôi. Chứ mình thấy buổi sáng hơ ém bụng cho con cũng tốt. Ở quê mình mẹ mới sinh thường còn xông hơ cửa mình sau này rất khô ráo và nhanh se khít. Bỏ các loại lá lên chõng đốt một ít than ấm nằm lên cảm thấy sảng khoái và xương cốt đỡ nhức. Biết cách làm thì vẫn tốt chứ không hề hại nhé!”.
Một bà mẹ khác tên H.T cũng cho biết: “Nếu xông hơ đúng cách sẽ giúp mặt không sưng, da dẻ hồng hào. Vùng kín không bị mùi và khô ráo. Chỉ cần tránh xông trong phòng kín và bế bé đi chỗ khác là được”.
Về phần mình, bác sĩ Anh Tiên (Khoa Sơ sinh, BV Nhi Đồng 1, TP HCM) cho rằng, đây là một trong những thói quen sai lầm nghiêm trọng, việc nằm than sau khi sinh lợi ít mà hại thì nhiều. Trẻ nhỏ có thể ngạt thở, chết não. Mẹ cũng có thể tắc hô hấp và tử vong.
Cách giữ ấm cho mẹ và bé thay vì nằm than sau sinh
Như đã nói, việc nằm than sau sinh chỉ với mục đích duy nhất là giữ ấm cho mẹ và bé. Ngày nay, có nhiều cách để làm việc này.
– Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo ấm, khăn choàng cổ. Bé đi tất, mang bao tay, nằm trong phòng kín gió. Tuy nhiên, tùy vào khí hậu và thời tiết mà các mẹ cần sử dụng đồ ấm hay không.
– Ăn uống khoa học. Bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
– Xông hơi, massage cơ thể bằng rượu gừng, rượu nghệ, dầu hoặc các sản phẩm xông tắm bà bầu.
– Sử dụng các thiết bị sưởi, máy điều hòa.
– Các chị em sau sinh cần giữ vệ sinh cơ thể chứ không phải kiêng tắm gội như quan niệm trước đây. Nên tắm gội bằng nước ấm và lau khô ngay sau khi tắm gội.
– Việc vận động sớm sau sinh cũng giúp các cơ quan hoạt động và sinh nhiệt. Từ đó cơ thể cũng ấm và máu huyết lưu thông thông tốt, cơ thể khỏe mạnh hơn.
Lời kết
Nằm thay sau sinh là một trong những hủ tục nên bỏ. Bởi lẽ, việc này hại nhiều hơn lợi. Chưa kể, những vấn đề phát sinh sau đó cũng có thể khiến các gia đình ân hận. Con có thể bị chết não, tử vong. Mẹ cũng khó giữ được tính mạng hoặc để lại di chứng lâu dài. Nên cân nhắc các mẹ nhé.
Xem thêm:
- 7 Thực đơn ở cữ sau sinh cho mẹ nhiều sữa và lấy lại vóc dáng nhanh!
- Ở cữ sau sinh bao lâu thì đủ ngày đủ tháng cho sản phụ hồi phục sức khỏe?
- Những kiêng kị phản khoa học sau sinh – “Ở cữ” sao cho đúng?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!