Bảo hiểm xã hội mang lại nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng. Và trong tháng 7 tới đây, mức hưởng bảo hiểm sẽ được điều chỉnh có lợi cho mẹ và bé.
Cha mẹ cần lưu ý quy định mới về hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 1/7/2019
Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động là được đóng bảo hiểm xã hội. Dù rằng số tiền này sẽ trích từ lương hàng tháng, song hầu như không mấy ai phàn nàn.
Vì sao?
Họ biết rằng, là con người không phải lúc nào cũng khỏe mạnh, lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”.
Từ 1/7 tới đây, người lao động sẽ được hưởng mức bảo hiểm xã hội mới.
Những điểm cha mẹ cần nắm rõ trong mức hưởng BHXH bắt buộc mới
Nhằm phù hợp với mức lương cơ sở mới tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 1-7-2019, mức hưởng các chế độ BHXH bắt buộc sẽ đồng loạt tăng.
Cha mẹ cần lưu ý những điểm sau đây:
– Trợ cấp một lần với lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi bằng 2.980.000 đồng/01 con (Mức hiện hành là 2.780.000 đồng/01 con).
– Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm thì cha được trợ cấp một lần bằng 2.980.000 đồng cho mỗi con.
– Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 447.000 đồng (mức cũ là 417.000 đồng).
– Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 447.000 đồng (mức hiện hành là 417.000 đồng);
Những mức tăng khác
Ngoài ra, mức hưởng bảo hiểm xã hội cũng còn một số những điểm đáng chú ý sau:
– Trợ cấp một lần với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%. Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 7.450.000 đồng (mức hiện hành là 6.950.000 đồng).
Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 745.000 đồng.
– Trợ cấp hằng tháng với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên. Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 447.000 đồng (mức hiện hành là 417.000 đồng). Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 29.800 đồng.
– Trợ cấp phục vụ với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần bằng 1.490.000 đồng (mức hiện hành 1.390.000 đồng).
– Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 53.640.000 đồng (mức hiện hành là 50.040.000 đồng).
– Trợ cấp mai táng bằng 14.900.000 đồng (mức hiện hành là 13.900.000 đồng).
– Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 745.000 đồng. Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 1.043.000 đồng.
Lao động là nữ nên lưu ý
– Làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
– Không xử lý kỷ luật lao động nữ trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
– Không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết.
– Nếu không cho lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày hoặc không đảm bảo việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản thì cũng bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
Theo NLD
Xem thêm:
Dự đoán 3 bệnh ở trẻ em có xu hướng gia tăng trong tháng 5/2019
10 dấu hiệu mẹ bị trầm cảm sau sinh cả nhà cần phải biết!
Du lịch khi mang thai Mẹ bầu đừng chủ quan để có kỳ nghỉ an toàn, vui vẻ