Mở khóa đầu, một cách gọi của dân gian khi thấy trẻ có biểu hiện thóp phập phồng, sốt, ngủ li bì… nhưng theo y học đây lại là dấu hiệu trẻ đang mắc các căn bệnh nguy hiểm.
Nội dung bài viết:
- Có hay không hiện tượng mở khóa đầu ở trẻ sơ sinh?
- Mở khóa đầu là bệnh gì?
- Nên làm gì khi bé có bất thường ở não hoặc các bệnh ở não?
Có hay không bệnh mở khóa đầu?
Khoa Hồi sức cấp cứu TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã từng tiếp nhận một ca cấp cứu bệnh nhi với biểu hiện sốt, nôn, tinh thần quấy khóc, bỏ bú.
Xem thêm
Trẻ sơ sinh không thấy thóp và những bất thường ở thóp mà mẹ cần biết
Thóp trẻ sơ sinh không phập phồng có nguy hiểm không? Mẹ cần chú ý điều gì khi chăm sóc con?
Gia đình cho biết, trước đó ở nhà bé có biểu hiện bỏ bú, sốt, ngủ li bì, sờ thóp thấy có đường khớp mở rộng…, cho rằng trẻ bị mở khoá đầu theo quan niệm dân gian và mời thầy lang về đốt ngải, đắp thóp cho bé. Đến khi tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn, gia đình mới cho bé nhập viện điều trị.
Qua khám sàng lọc và hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc nhiễm khuẩn, viêm não – màng não và được chỉ định nhập Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị.
Thấy gì từ ca bệnh trên?
Mở khóa đầu là 1 cụm từ được lưu truyền trong dân gian để chỉ 1 bệnh ở trẻ sơ sinh. Đó là tình trạng trẻ mới sinh được khoảng vài ngày bỗng nhiên bỏ bú, khóc dai dẳng, ngủ li bì, phần hộp sọ có vết lõm sâu như bị tách ra. Đây là quan niệm được người dân ở vùng núi phía Bắc thuộc các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh lưu truyền. Trẻ bị bệnh thường được chữa trị theo cách dân gian như đốt lá ngải hơ vào huyệt trên cơ thể, đắp thuốc vào thóp… Việc chữa trị theo cách này rất nguy hiểm vì cơ thể trẻ sơ sinh còn rất non nớt, nếu không điều trị đúng cách rất dễ dẫn đến giãn thành mạch hay xuất huyết não nghiêm trọng.
Bác sĩ Phí Xuân Thi – Bv Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, mở khóa đầu chỉ là một quan niệm dân gian. Trên thực tế, khi ba mẹ thấy thóp trẻ có vết lõm sâu, kết hợp với các biểu hiện bất thường khác thì nên cảnh giác với các bệnh lý bất thường của trẻ hơn là tự chạy chữa vì cho rằng bé bị mở khóa đầu, dễ ảnh hưởng tới tính mạng trẻ.
Mở khóa đầu thực chất là bệnh gì?
Theo các bác sĩ nhi khoa, trẻ sơ sinh có các biểu hiện bất thường về thóp não, bỏ ăn, ngủ li bì… có thể vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như viêm não, viêm màng não hoặc các bệnh nhiễm khuẩn sơ sinh. Cụ thể các bệnh này thường có triệu chứng như sau.
Viêm màng não
Đây là bệnh do viêm lớp màng mỏng bao bọc não và hệ thần kinh cột sống. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm màng não là do vi trùng, siêu vi trùng từ nơi khác trong cơ thể qua đường máu lan vào các dịch não tủy.
Dấu hiệu điển hình cho thấy trẻ có thể bị viêm màng não gồm:
- Trẻ bị sốt cao kèm co giật
- Con thường có biểu hiện chán ăn, ăn bị nôn trớ
- Trẻ không tỉnh táo, trong trạng thái mơ màng, có dấu hiệu ngủ nhiều hơn bình thường, khó đánh thức dậy, mơ màng, lúc mơ lúc tỉnh
- Khó cử động vùng cổ, cứng cổ là dấu hiệu đặc trưng của viêm màng não ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện trẻ khó quay đầu, đau khi di chuyển cổ.
- Thóp thở phồng hơn so với bình thường. Hệ miễn dịch giảm, sức đề kháng yếu khiến trẻ yếu ớt, thiếu sức sống.
Xem thêm
Hình ảnh thóp sau của bé sơ sinh trông như thế nào? Khi nào thì thóp sau của con đóng kín?
Nhiễm khuẩn sơ sinh
Nhiễm khuẩn sơ sinh chiếm từ 10 – 20% bệnh sơ sinh. Đây là nguyên nhân gây tử vong thứ hai cho trẻ sơ sinh sau hội chứng suy hô hấp.
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ để chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, virus, và ký sinh trùng, vì vậy, trẻ sơ sinh nhạy cảm với một số bệnh nhất định hơn so với trẻ lớn và người trưởng thành.
Để sớm phát hiện nhiễm khuẩn sơ sinh, ba mẹ cần chú ý những dấu hiệu sau:
- Rối loạn tiêu hóa (bú kém, bỏ bú, bụng chướng, nôn mửa)
- Trẻ có thể bị rối loạn hô hấp (thở nhanh, khó thở, rên rỉ, có những cơn ngưng thở)
- Thờ ơ, giảm chú ý
- Trẻ bị rối loạn thân nhiệt (sốt hoặc giảm thân nhiệt)
- Phát ban bất thường hay thay đổi màu da
- Khóc dai dẳng
- Cáu gắt bất thường
- Thóp phồng, gồng cứng người
- Có sự thay đổi đáng kể trong hành vi của bé, chẳng hạn đột nhiên ngủ li bì hoặc không ngủ được, đó cũng có thể là những chỉ dấu bất thường.
Nên làm gì khi trẻ có các dấu hiệu bất thường về thóp não hoặc các bệnh về não?
Nếu mẹ thấy thóp trẻ sơ sinh phồng lên, bỏ bú, bé hay khóc bất thường, kèm theo sốt hoặc không, nôn mạnh, co giật, da xanh thì nên đưa bé tới bệnh viện ngay, vì bé có thể bị viêm não, viêm màng não, xuất huyết não-màng não hay một số bệnh lý khác gây tăng áp lực trong não.
Ngoài ra, trong giai đoạn khi thóp trẻ chưa đóng, ba mẹ nên chú ý chăm sóc vùng thóp của trẻ đúng cách như:
- Có thể dùng dầu tinh dầu tràm để giữ ấm
- Đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ để bổ sung vitamin D và canxi khi cần thiết
- Phòng chống còi xương bằng cách cho trẻ đi tắm nắng vào buổi sáng. Không tắm nắng vào thời gian từ 10 giờ – 2 giờ chiều vì sẽ gây hại làn da trẻ
- Không cho trẻ ăn dặm quá sớm, khi trẻ đến tuổi ăn dặm nên cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng
- Chú ý không để vật nhọn chạm vào thóp trẻ
Thêm vào đó, ba mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm để đảm bảo cơ thể trẻ luôn có sức đề kháng tốt nhất trước các nguy cơ viêm nhiễm ở năm đầu đời.
Xem thêm:
- Mở khóa đầu ở trẻ sơ sinh – Lợi bất cập hại
- Sờ thóp trẻ sơ sinh – Kĩ năng đọc vị sức khỏe bố mẹ nên biết khi chăm sóc bé năm đầu đời
- Trẻ sơ sinh không thấy thóp và những bất thường ở thóp mà mẹ cần biết
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!