Mẹo cho bé mọc răng không sốt luôn được các mẹ tìm hiểu khi đến giai đoạn mọc răng của bé. Vì khi mọc răng bé sẽ cảm thấy khó chịu, đau đớn, quấy khóc, đôi khi kèm theo sốt cao. Đây quả thực là khoảng thời gian khủng hoảng của cả mẹ và bé. Hãy tham khảo ngay mẹo giúp bé mọc răng không bị sốt và khoẻ mạnh mẹ nhé!
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Trẻ mọc răng khi nào?
Thông thường, khoảng 6 tháng tuổi bé sẽ mọc những cái răng đầu tiên của mình. Quá trình này kết thúc khi bé được 30 tháng tuổi. Tuy nhiên cũng có trường hợp dù đã hơn 1 tuổi, nhưng bé vẫn chưa mọc chiếc răng nào. Thực tế thời gian chênh lệch sẽ không quá 1 năm, có thể là do cấu trúc răng hoặc di truyền dẫn đến việc bé mọc chậm. Do đó, bố mẹ cũng không cần phải quá lo lắng về vấn đề thời gian mọc răng của bé.
Tuy nhiên, nếu bé đã hơn 18 tháng tuổi mà vẫn chưa có chiếc răng nào nhú lên thì đó là chậm mọc răng bất thường. Lúc này, bố mẹ nên cho bé đến khám nha sĩ để được kiểm tra và đánh giá kịp thời.
Ở một số trường hợp hiếm gặp, ngay khi chào đời bé đã có sẵn từ 1-2 chiếc răng. Hoặc mọc răng chỉ vài tuần sau khi sinh. Nếu răng cản trở bé bú hoặc có dấu hiệu lung lay khiến bé có nguy cơ nghẹt thở, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám để xử lý đúng cách. Nếu như những chiếc răng này không làm ảnh hưởng đến bé, bố mẹ cũng không cần quá lo lắng. Khi bắt đầu mọc răng, bé sẽ có các dấu hiệu khó chịu, sốt mọc răng. Vậy để giúp bé, mẹ hãy áp dụng ngay 4 mẹo giúp bé mọc răng không bị sốt dưới đây nhé.
Một số mẹo cho bé mọc răng không sốt
Vì sao bé sốt khi mọc răng? Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Khi trẻ được 4-5 tháng tuổi, trẻ thường có dấu hiệu mọc răng và đi kèm với sốt. Thường dấu hiệu sốt sẽ xuất hiện 2-3 ngày trước khi bạn thực sự nhìn thấy răng trẻ.
Mầm răng sẽ nhú cao dần, tác động lên phần nhu mô lợi khiến chúng tách ra, tạo kẽ hở cho răng mọc lên. Quá trình này sẽ gây tổn thương cho lợi, làm lợi viêm tấy đỏ lên và gây ra triệu chứng sốt. Khi răng đã mọc, thường trẻ sẽ giảm sốt dần rồi hết hẳn. Sốt do mọc răng là phản ứng viêm tại chỗ nên trẻ thường chỉ sốt nhẹ (dưới 38,5oC) và kéo dài 2-3 ngày.
Trong một số trường hợp, việc vệ sinh miệng kém, nên các loại vi khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh, xâm nhập vào phần nướu răng bị tổn thương khi răng đang mọc, làm lợi viêm tấy nặng hơn, trẻ có thể sốt cao và kéo dài hơn bình thường.
1. Rơ lá hẹ cho bé mọc răng không bị sốt
Khi bé ra đời tròn 100 ngày, các bà và các mẹ sẽ dùng lá hẹ để rơ lưỡi và nướu cho bé. Vì theo Đông Y lá hẹ có tính ấm, giúp kháng viêm diệt khuẩn. Do đó lá hẹ sẽ giúp bé không bị sốt và giảm đau, viêm sưng trong quá trình mọc răng sắp đến. Đây là mẹo dân gian được rất nhiều mẹ áp dụng và có hiệu quả cao.
Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị lá hẹ tươi và rửa sạch.(Bé trai 7 cọng, bé gái 9 cọng)
- Giã hoặc xay nhuyễn rồi vắt nước hẹ cho vào chén sạch.
- Vệ sinh khoang miệng sạch cho bé bằng băng gạc hoặc nước muối, trước khi sử dụng lá hẹ.
- Quấn băng gạc tiệt trùng quanh tay rồi chấm vào chén để nước hẹ ngấm.
- Nhẹ nhàng đưa ngón tay vào miệng bé. Chà xát nhẹ nhàng vài lần vùng nướu và khoang miệng bé.
Khi thực hiện cách này, bé có thể la hét và không chịu hợp tác vì chưa quen vị cay của lá hẹ. Nhưng các mẹ có thể hoàn toàn an tâm vì lá hẹ rất lành tính và an toàn với bé.
2. Dùng đậu xanh giúp bé đánh bay cơn sốt
Đậu xanh là có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: giải độc, giảm nhiệt và kháng khuẩn. Được các chuyên gia đánh giá an toàn và tốt cho hệ miễn dịch của bé. Vì vậy đây là loại thực phẩm được các mẹ ưu tiên khi áp dụng mẹo cho bé mọc răng không sốt.
Lúc này mẹ thử lấy một ít hạt đậu xanh sạch, xay vỡ đôi. Sau đó, đun với 1 lít nước trong khoảng 15-20 phút, rồi để nguội. Tiếp đến hãy lấy nước này massage nhẹ nhàng lợi và nướu của bé, sau khi thực hiện mẹ sẽ thấy được hiểu quả rõ rệt.
3. Sử dụng quả na/quả mãng cầu ta
Quả mãng cầu ta có chứa nhiều tinh bột, vitamin B,C, axit béo, protein… với công dụng trị sưng tấy, mụn nhọt, tiêu chảy, hạ nhiệt, tiêu đờm, trị sốt cho trẻ khi mọc răng sữa.
Với cách này, mẹ hãy lấy một quả na đã chín mềm, chỉ lấy phần thịt loại bỏ hạt mang dằm nhuyễn. Cho bé ăn liên tục trong thời gian bé mọc răng sữa. Do có vị ngọt lại mềm nên có thể xoa dịu những cơn đau từ nướu vì bị sưng của trẻ. Ngoài ra, mẹ cũng có thể ép thịt quả na lấy nước cho bé uống nếu bé chưa ăn được.
4. Gặm chân gà luộc
Gặm chân gà luộc được nhiều người lớn áp dụng như mẹo cho bé mọc răng không sốt rất hiệu quả. Theo đó, mẹ hãy mua chân gà loại vừa, luộc khoảng 20 phút cho chín hoàn toàn. Cho bé gặm khoảng 15 phút, có thể gặm 1-2 lần trong tuần. Tuy nhiên, khi bé ăn món này mẹ phải đảm bảo chân gà không có xương tróc ra. Lưu ý để đảm bảo an toàn, mẹ nên là người cầm chân gà trong suốt thời gian bé gặm.
Chăm sóc trẻ sốt mọc răng thế nào? Khi nào cần đưa con đến bác sĩ vì sốt mọc răng? Theo bác sĩ Nam, khi thấy trẻ sốt, nướu răng sưng đỏ, đó có thể là dấu hiệu của sốt mọc răng. Bạn nên lau mát, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, tăng cường cử bú trong ngày và uống thêm nhiều nước nếu trẻ lớn. Nếu trẻ sốt trên 38,5oC, sốt kéo dài hơn 3 ngày, quấy khóc nhiều, bỏ bú, lừ đừ, hoặc đi kèm bất kì dấu hiệu nào như chảy mũi, tiêu phân lỏng,… bạn cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế vì có thể trẻ sốt do nguyên nhân khác, cần được thăm khám và điều trị phù hợp.
Kết luận
Mặc dù đây chỉ là mẹo cho bé mọc răng không sốt từ dân gian chưa được kiểm chứng khoa học. Nhưng hiện nay được các phụ huynh áp dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên để đạt kết quả tốt hơn, mẹ có thể kết hợp thêm những biện pháp y tế hiện đại khác để ngăn việc sốt cao khi mọc răng cho bé. Điều này sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất cho bé trong giai đoạn phát triển để bé luôn khoẻ mạnh.
Xem thêm:
- Bé mọc răng phát sốt và những điều mẹ cần lưu ý khi chăm sóc con
- Làm thế nào để biết bé đang quấy khóc vì sốt mọc răng?
- Lịch mọc răng của trẻ và lưu ý chăm sóc bé trong giai đoạn này
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!