Tôi đã từng gục ngã, đau khổ hơn bất kì người phụ nữ nào khi sự khao khát được làm mẹ trong tôi vô cùng lớn nhưng lại trở thành người mẹ Việt hai lần mất con.
Suốt quãng đường từ bệnh viện về nhà, cả ba và mẹ không nói một lời nào, ngoài ô kính xe tiếng muôn người rì rào, còn bên trong không gian này, đong đầy bất an và nỗi đau của ba mẹ, tàn tro của một hy vọng vừa tắt.
Bỗng ba con nắm lấy tay mẹ, nhưng lời đầu tiên ba nói không phải là với mẹ, mà là với con, bé con còn nằm trong bụng mẹ: “Con ơi, con đừng nghĩ những chuyện này sẽ không thay đổi điều gì. Nó vẫn có ý nghĩa đã làm ba thương con, thương mẹ con nhiều hơn bao giờ hết”.
Mẹ không thể tin được mẹ lại đánh mất con đến hai lần, con rời bỏ mẹ và mang đi một phần linh hồn mẹ.
Trở về Việt Nam là định mệnh
Chị Nguyễn Ngọc Hương Thảo, sinh năm 1980, trong một gia đình người Việt tại Úc. Sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, từng chật vật đi kiếm tiền đi học, rồi có học bổng để học hết hai bằng cử nhân, đi làm được một thời gian, chị đột ngột muốn trở về Việt Nam, theo chị, để tìm lại cái “gốc” trong người.
Sau khi trở về Việt Nam, vào một ngày nào đó chị không nhớ rõ, đang căng thẳng chuyện công việc, chị rủ cậu bạn thân đi ăn sushi. Hôm đó, cậu bạn của chị lại có hẹn với một người bạn khác để đi chơi golf, nhưng vì chị, anh hủy cuộc golf và rủ luôn người bạn kia đi cùng.
Duyên phận chợt đến qua một cuốn sách
Vì tính chị cởi mở nên cũng sẵn tiện làm quen bạn mới, câu hỏi đầu tiên mà chị dành cho người bạn mới: “Anh có đang đọc một cuốn sách nào không?”. Thầm đoán anh chàng cao to này sẽ không có thói quen đọc sách, nhưng bất ngờ anh trả lời chị: “Anh đang đọc ‘Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ’ của Khaled Hosseini”, chị bối rối, cái bối rối trộn lẫn bất ngờ, rồi từ từ lôi trong túi xách mình ra cuốn “Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ”. Thế là cả hai người như bắt được “sóng” của nhau, bắt đầu nói những câu chuyện chỉ hai người biết, cậu bạn thân của chị vô tình bị đẩy ra rìa.
Đang rôm rả, người bạn trai mới quen lôi điện thoại ra gõ phím. Chị hơi bực, nghĩ anh chàng vô duyên, rồi đột nhiên ảnh đẩy cái điện thoại sang cho chị, trên màn hình hiển thị dòng chữ “rang cua em dinh rau kia (răng của em dính rau kìa)”, chị hơi sượng vài giây rồi từ đó chị quyết tâm “cua” người này cho bằng được.
Người bạn trai đó, chính là anh, là chồng của chị sau này. Anh tên là Tony Trần, sinh năm 1980, cũng sinh ra và lớn lên ở Canada. Anh vừa về Việt Nam làm việc chỉ hai tuần trước khi gặp chị tại quán sushi. Sau này, nhiều khi, anh đùa với chị là mới về Việt Nam chưa bao lâu đã có bồ, không được tận hưởng thời gian tự do gì hết.
Tình yêu sớm đơm hoa kết trái cùng những nỗi đau của mẹ Việt hai lần mất con
Sau lần đầu tình cờ qua một tựa sách như vậy, anh chị bắt đầu hẹn hò cho đến năm 2012, anh bất ngờ cầu hôn. Sau đó vài tháng, họ tổ chức đám cưới, chính thức là một gia đình. Họ thống nhất là chưa cần có con vội, vì một khi đã có con thì cuộc sống của cả hai sẽ có sự thay đổi lớn, mà anh chị lại chưa sẵn sàng.
Nỗi đau của mẹ Việt hai lần mất con
Đến tháng 2/2016 thì chị biết mình có thai, nhưng chỉ hai tháng sau anh chị đã phải chịu nỗi đau mất con. Ngày hôm đó chị đi đám cưới của một người bạn về, hơi đau bụng nên anh dìu chị đi toilet. Khi trở ra, con họ đã đi mất.
Con mất rồi, giấc mơ của anh chị cũng vỡ tan. Nhưng không coi việc này là việc bình thường của những sự sống mong manh, anh chị mỗi người viết riêng cho con một bức thư, trong đó nói hết tâm tư của một người đang chuẩn bị làm bố, một người đã sẵn sàng để làm mẹ. Xong hai người đổi thư cho nhau rồi đọc cho con nghe, rồi đốt nó đi, để con có thể mang theo nó làm hành trang cho một chặng hành trình khác trên thiên đàng.
Con mất khi chưa biết giới tính, chưa hình thành mặt mũi nhưng chị kể, có những đêm chị như bị sốt, mồ hôi cái nối đuôi nhau tuôn xuống gối, khi đó chị nằm mơ thấy con, con là một đứa con trai. Chị không biết đó có phải là con thật hay không hay chỉ khao khát của làm mẹ chị hóa thành giấc chiêm bao, cứ đuổi theo chị suốt mấy tháng liền.
Sau lần ấy, chị trầm cảm nhẹ…
Mất mát và đau thương vẫn chưa buông tha cho người mẹ trẻ
Nửa năm sau, niềm hy vọng mới lại tới một lần nữa. Trong những ngày đầu đi kiểm tra thai, bác sĩ bảo không có gì đáng lo ngại, anh chị vui lắm. Nhưng đôi khi, cuộc sống lại muốn con người phải trải qua những thử thách thật khó.
Nhưng rồi vào tuần thai thứ 21, bác sĩ xác định bé gái trong bụng chị đã gặp phải sự cố rất đáng buồn, hoặc là đứa bé sẽ chết lưu trong bụng chị, hoặc là nó sẽ ra đời và chết ngay sau đó, hoặc hiếm hơn là nó sẽ sống một vài ngày, hay một vài tuần rồi cũng sẽ ra đi. Anh và chị chết lặng ngay từ khi hay tin, chị không thể tin được chuyện mình lại trở thành một người mẹ Việt hai lần mất con.
Cảm động điều anh chị làm cho con gái chưa chào đời
Chị Thảo cũng quyết định, chị sẽ giữ em bé tới khi nào em bé thực sự ra đi. Theo chị, dù chưa ra đời nhưng con vẫn đang sống trong bụng chị. Chị muốn anh chị và con, cả ba sẽ cùng nhau sống mỗi ngày, cùng nhau làm những việc ý nghĩa và tận hưởng sự có mặt của nhau đến chừng nào còn có thể. Vậy là chị cùng anh đặt tên cho bé là Angie Mai Khiêm, cái tên mang trong nó một phần tên của con đường nơi hạnh phúc của cả ba người bắt đầu. Rồi cả ba cùng nhau đi du lịch, cùng nhau đi khám phá những miền đất mới.
Chị mua một cái máy kiểm tra tim thai mang theo để có thể cảm nhận sự sống của con, nếu phát hiện tim con ngừng đập chị sẽ đi đến bệnh viện để sinh con ra. May mắn là suốt thời gian đi chơi, con không hề có diễn biến nào xấu đi, và cả anh và chị, và đứa bé đều có một khoảng thời gian vui vẻ, đúng nghĩa du lịch gia đình.
Cái kết buồn nhưng đầy ý nghĩa
Anh chị lập nên một nhóm kín trên mạng xã hội với cái tên “Baby Angie’s Register of Kindness” và “Angel Babies Vietnam”, nơi mà những người bạn của chị, hoặc những người xa lạ biết chuyện của chị và Angie sẽ nhân rộng những hành động tốt đẹp nhân danh cô bé, để Angie có thể tự hào vì cha mẹ em đã làm cho cuộc đời ngắn ngủi của em thật ý nghĩa. Hoặc dành cho những ai cũng đã và đang lâm vào hoàn cảnh như chị để có thể trải lòng mình ra.
Mỗi ngày thức dậy, chị thấy tên con gái mình được nhắc đến lúc khi họ quyên góp cho một tổ chức tít tận Kenya, trồng một cái cây ở Bangladesh, và một người bạn của anh chị sau khi nghe câu chuyện của Angie, đã ủng hộ phí phẫu thuật cho một đứa trẻ nghèo ở Việt Nam.
Ngày 4/3/2017, Angie đã không còn bên anh chị. Chị Thảo bước vào phòng sinh, kiên nhẫn ở trong đó 20 tiếng để đưa em bé ra ngoài. Sau bao vất vả, anh chị được ôm con, được ngắm con trong giây lát, rồi người ta ôm bé khỏi vòng tay họ.
Chị mới chỉ kịp nhìn thấy bàn chân con thuôn dài giống anh, đôi chân mày của con thật đẹp…
Và rồi, ba người vẫn phải chính thức nói lời tạm biệt.
Con gái chưa ra đời là một Diva
Anh chị muốn chào tạm biệt Angie trong tiếng nhạc của những Diva hàng đầu. Vì với hai người, Angie là Diva, là người truyền cảm hứng cho chặng đường khó khăn vừa qua của họ.
Giải thích cho điều này, chị nói con gái của chị là một chiến binh, một Diva thực thụ vì chưa kịp chào đời, chưa sống những phút giây nào bên ngoài bụng mẹ mà đã “làm” được nhiều việc tốt, được mọi người từ khắp nơi trên thế giới nhắc đến tên trong những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.
Ngày tạm biệt Angie, anh chị đã in hơn 200 những công việc thiện lành mà những người trong nhóm “Baby Angie’s Register of Kindness” đã làm. Tên con đã đi đến những miền xa cùng những điều thật tốt đẹp.
Em đến với thế giới rồi ra đi, nhưng câu chuyện về sinh mệnh ngắn ngủi, hạnh phúc và bình yên của em đã góp phần xoa dịu bao nỗi đau của những người đang sống. Ba mẹ sẽ luôn nhớ và yêu em!
Trải qua những nỗi đau tưởng như khó có thể chịu đựng của chị Thảo, mẹ Việt hai lần mất con, chị và chồng vẫn đang đợi một ngày, những đứa trẻ sẽ đến với mình, vào một dịp không xa…
Xem thêm
- Sảy thai sớm có ảnh hưởng gì không? Bao lâu thì có thai lại?
- Sau sảy thai quan hệ bị ra máu có nguy hiểm không?
- Thai sinh hóa và những nguy cơ tiềm ẩn sảy thai sớm mẹ cần hết sức đề phòng!
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!