Mang thai tháng thứ 7 cần chú ý những gì? Nhiều thai phụ sẽ trăn trở với câu hỏi đó khi sắp bước vào giai đoạn tam nguyệt cá cuối cùng. Điều mà các bà bầu cần lưu ý chính là những triệu chứng sau cũng như cách khắc phục nó:
- Cơ thể sưng phù
- Đói bụng cồn cào
- Đi tiểu nhiều lần, són tiểu
- Mất ngủ
- Mệt mỏi và lười vận động
Mang thai tháng thứ 7 cần chú ý những gì và tại sao lại là tháng thứ 7? Tháng thứ 7 là tháng đầu tiên của giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba của quá trình mang thai. Trong giai đoạn này, mẹ bầu sẽ bắt đầu cảm thấy nặng nề và mệt mỏi. Để chuẩn bị cho giai đoạn nước rút này, mẹ bầu cần chú ý những biểu hiện thay đổi của bản thân khi bước vào tháng thứ 7 để có những sự chuẩn bị kịp thời cho kì vượt cạn. Dưới đây là những triệu chứng được đúc kết từ bác sĩ Christopher Chong, chuyên gia kiêm cố vấn sản-phụ khoa, bệnh viện Gleneagles, Singapore cũng như các lời khuyên hữu ích để khắc phục những triệu chứng này.
1. Cơ thể sưng phù
Để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển thai nhi, lượng máu và các chất lỏng khác sẽ tăng đáng kể trong giai đoạn này. Do đó, bắt đầu từ tháng thứ 7 cơ thể người mẹ sẽ có dấu hiệu sưng phù ở các bộ phận mắt cá chân, bàn chân, thậm chí là xung quanh mặt và bàn tay. Bầu ngực của mẹ tất nhiên là bộ phận phát triển nhất để luôn sẵn sàng lượng sữa cho thai nhi khi ra đời. Tuy nhiên nếu phù nề quá mức thì thai phụ nên cẩn thận vì đó có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản giật khá nghiêm trọng.
(Nguồn: Freepik)
Dấu hiệu sưng phù cơ thể cần được theo dõi kĩ. Để giảm đau nhức, mẹ bầu nên kê chân cao nếu phải ngồi làm việc trong thời gian dài, tập thể dục nhẹ nhàng để lưu thông máu, mặc áo ngực giãn để không tạo áp lực lên vùng lưng cho tăng cân.
Xem thêm:
Uống thuốc bắc để nhanh có thai – sự thật hay chỉ là lời đồn đại?
2. Đói bụng cồn cào
Bầu tháng thứ 7 cần lưu ý gì? Quan trọng nhất chính là lưu ý chế độ dinh dưỡng. Vào tháng thứ 7, em bé trong bụng ngày một lớn với nhu cầu dinh dưỡng ngày một cao. Việc thay đổi hocmone làm thai phụ có cảm giác thèm ăn và đói bụng liên tục. Mẹ bầu cần chú ý kĩ hơn nữa chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này. Tốt nhất nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn thay vì chỉ ăn 3 bữa như thường lệ. Điều này giúp xua đi cảm giác đói bụng thường xuyên đồng thời tránh cho dạ dày bị quá tải sau một bữa ăn.
(Nguồn: Freepik)
3. Đi tiểu nhiều lần, són tiểu
Những lưu ý khi mang thai tháng thứ 7 bao gồm cả việc lưu ý về việc bài tiết của mẹ bầu. Bước vào giai đoạn tam cá nguyệt cuối cùng, tử cung tạo ra áp lực rất lớn lên bàng quang cũng như trọng lượng của em bé tăng lên, di chuyển xuống vùng xương chậu khiến cho mẹ bầu đi tiểu nhiều hơn. Một vài trường hợp không kiểm soát được tiểu tiện nên bị són tiểu. Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ khuyên thai phụ mang thai tháng 7 cần bổ sung đủ lượng nước trong ngày, ăn nhiều chất xơ, tránh cafein, trà, nước ngọt…
(Nguồn: Freepik)
Xem thêm:
Bà bầu són tiểu: Vấn đề bình thường, hay là bất thường với thai nhi?
4. Mất ngủ
Việc thay đổi hocmone trong cơ thể tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể dẫn đến đến hiện tượng mất ngủ của bà bầu bắt đầu từ tháng thứ 7. Ngoài ra phải kể đến nguyên nhân do căng thẳng, lo lắng trước khi sinh ảnh hưởng đến tâm lý làm cho bà bầu thường xuyên bị mất ngủ. Mẹ bầu nên thực hiện nhiều động tác thiền để giúp giảm cảm giác đau nhức và dễ ngủ hơn. Nếu cảm thấy khó ngồi thẳng thì có thể nằm ngửa, nhắm mắt và hít thở sâu. Mẹ bầu cũng cần đảm bảo loại bỏ các yếu tố có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ trong phòng. Trước khi ngủ, việc nghe những bản nhạc êm dịu hoặc sử dụng tiếng ồn trắng cũng có tác dụng giúp cho mẹ bầu có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
5. Mệt mỏi và lười vận động
Bước vào tháng đầu tiên của giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba, người mẹ sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn vì nhiều lý do: Trọng lượng tăng đáng kể tạo áp lực lên lưng, cổ, vai đồng thời việc mất ngủ liên tục cũng khiến cho mẹ bầu không tái tạo đủ năng lượng cho bản thân gây ra mệt mỏi. Việc tích nước cũng làm cho tình trạng sưng đau khớp nghiêm trọng hơn gây ra việc đau nhức khắp cơ thể. Đi kèm với cảm giác mệt mỏi, đau nhức toàn thân chắc chắn sẽ là trạng thái thiếu sức sống và lười vận động của mẹ bầu.
Dù tình trạng cơ thể không ổn định nhưng lời khuyên của bác sĩ là bà bầu nên tận dụng nhiều khoảng thời gian nhất có thể để vận động. Trừ các trường hợp bệnh lý, bắt buộc phải nằm nghỉ thì việc mẹ bầu nên làm là tranh thủ ra ngoài vận động, hít thở không khí trong lành và tập các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp. Mẹ bầu có thể nhờ người thân mát xa thư giãn, cải thiện giấc ngủ. Đồng thời để cải thiện tinh thần, thêm sức sống thì việc giao lưu gặp gỡ với nhiều người cũng rất quan trọng. Làm những việc mình yêu thích như đi chơi cùng bạn bè, đi mua sắm sẽ giúp quá trình mang thai vui vẻ và tích cực hơn.
Mang thai tháng thứ 7 cần chú ý những gì? Bác sĩ Chong đã cho các mẹ bầu lời khuyên hữu ích để khắc phục các triệu chứng gặp phải trong giai đoạn quan trọng này. Các mẹ hãy chủ động giữ gìn sức khỏe để sẵn sàng đến ngày đón con yêu chào đời nhé.
Nguồn thông tin: 6 triệu chứng khó chịu nhất trong tam cá nguyệt thứ 3 và lời khuyên của chuyên gia dành cho mẹ bầu – afamily.vn
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!