Rằm tháng Giêng (còn gọi là Tết Nguyên tiêu) diễn ra vào 15/1 âm lịch hàng năm là dịp lễ được nhiều người Việt chú trọng. Vì thế mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng cũng đòi hỏi sự công phu, cẩn thận.
Rằm Tháng Giêng có gì đặc biệt?
Ngày rằm tháng Giêng (15 tháng Giêng âm lịch) còn có tên gọi khác là Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng nguyên. Đây là rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt.
Vào ngày này, mọi nhà đều chuẩn bị làm lễ cúng rất tươm tất, chu đáo, với mong muốn cầu một năm mới bình an, may mắn. Ngày rằm tháng Giêng rơi vào mùa xuân, theo quan niệm dân gian, tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.
Bởi vậy, ngày này được người dân coi trọng, gửi gắm vào đó nhiều mong ước về một năm thuận hòa, sung túc.
Câu nói “cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày này. Trong sách Cơ sở văn hóa Việt Nam, GS Trần Ngọc Thêm viết không chỉ ngày đầu năm mà tháng đầu năm cũng đặc biệt quan trọng.
Theo quan niệm của người Việt, phàm làm bất kỳ điều gì hễ đầu xuôi thì đuôi lọt. Thêm vào đó, tháng Giêng công việc ít (có quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi) nên đây là tháng có nhiều Tết hơn hẳn các tháng khác (Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu).
Ý nghĩa ngày rằm tháng Giêng
Với ý nghĩa trước là để kính Phật, gia tiên, sau là để cầu mong tài lộc, rằm đầu tiên trong năm còn được nhiều người xưa quan niệm như ăn Tết lần hai.
Đây cũng là cơ hội để người đau ốm đúng dịp Tết nay đã khỏi hay gia đình có chuyện không may được ăn Tết bù. Sự quan trọng của dịp này còn được thể hiện qua câu nói: “Giỗ Tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.
Rằm tháng Giêng không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên đán trong dân gian.
Đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể người dân.
Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng cần có gì?
Trong ngày này, mâm cỗ được từng gia đình chuẩn bị theo điều kiện kinh tế, không cần quá cầu kỳ nhưng vẫn thường đảm bảo các món cơ bản. Các gia đình có thể lựa chọn ăn rằm và ngày 14/1 hoặc 15/1 âm lịch.
Đối với mâm cỗ chay cúng Phật, cần chuẩn bị hoa quả, chè xôi, rau xào chay nêm ít gia vị, canh nấm hoặc rau củ quả, các món đậu.
Một số gia đình còn bày thêm bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong một năm trôi chảy, thuận hòa. Ngoài ra, lễ vật gồm hương, hoa, đèn nến.
Màu sắc của các món ăn trên mâm cỗ chay được cho là tượng trưng cho sự hiện diện của ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ăn cơm chay cũng là cách hướng tới sự thanh thản, an nhiên trong tâm hồn.
Đối với mâm cỗ mặn cúng gia tiên, thường có 4 bát 6 đĩa tạo thành mâm cơm tươm tất, đủ đầy.
- 4 bát gồm: canh măng, canh bóng, bát miến và mọc.
- 6 đĩa gồm: thịt gà hoặc lợn luộc, giò/chả, nem, món xào, dưa hành/dưa muối, xôi hoặc bánh chưng. Ngoài ra có thêm nước chấm.
Với mâm cỗ đủ đầy, ngoài để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn gia tiên còn cầu mong một năm mới trọn vẹn, an lành, xua đi điều rủi.
Bên cạnh đó, lễ vật cũng gồm hương, hoa, đèn nến, vàng mã, trầu cau, rượu và không được để chung với lễ vật cúng Phật.
Với sự phát triển của nhịp sống hiện đại, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng cũng được nhiều gia đình biến tấu, thêm bớt món ăn hợp khẩu vị nhưng vẫn đảm bảo sự truyền thống để bày tỏ lòng thành kính.
Xem thêm:
- Cách đặt tên con sinh năm 2020 theo ngũ hành: trẻ công thành danh toại mang lại phúc khí cho gia đình
- Đặt tên con theo ngũ hành tương sinh, bố mẹ hưởng phước sung sướng cả đời!
- Tử vi cho bé gái sinh năm 2020 Canh Tý