Trẻ sơ sinh hay khóc đòi bế xuất phát từ nhiều nguyên nhân tùy vào từng giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ. Bố mẹ có thể tìm hiểu những lý do khiến trẻ khó chịu trong bài viết dưới đây để có phương pháp cải thiện tình trạng này.
- Mẹ có biết em bé khóc nhiều có thể không vì lý do gì cả
- Trẻ sơ sinh hay khóc đòi bế vì cảm thấy khó chịu trong người
- Trẻ sơ sinh hay khóc đòi bế vì con đang sợ hãi điều gì đó
- Nếu không bế, mẹ sẽ thấy trẻ sơ sinh khóc nhiều hơn
- Trẻ khóc đêm – Nỗi khổ sở của mẹ khi không có một giấc trọn vẹn từ ngày sinh con
- Em bé khóc nhiều đơn giản vì con không vừa ý với tất cả mọi thứ mà thôi
Mẹ có biết em bé khóc nhiều có thể không vì lý do gì cả
Lúc mới sinh, em bé khóc nhiều có ảnh hưởng gì không? Thật ra, đây là hiện tượng phổ biến đối với bé từ 0-3 tháng tuổi. Các bé khóc mà dù làm đủ mọi cách và giải mã đúng như kiểu các chuyên gia gợi ý thì mẹ vẫn “chịu chết” không rõ con khóc vì cần gì. Nhiều mẹ cảm thấy bất lực và thâm tâm nhìn con khóc chỉ muốn khóc theo.
Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long cho biết “Việc trẻ sơ sinh quấy khóc là điều bình thường đối với mọi đứa trẻ. Vì thế, bố mẹ không nên quá lo lắng mà phải cố gắng giữ bình tĩnh khi đối mặt với trạng thái gào khóc của con. Điều này giúp bố mẹ dễ dàng nhận biết được những thông điệp mà trẻ muốn nói thông qua tiếng khóc, rồi sau đó nhẹ nhàng dỗ dành, xoa dịu trẻ”.
Giải pháp: Các ông bố bà mẹ cần hết sức kiên nhẫn với thời điểm này và cố gắng hiểu rằng “bé sơ sinh là như vậy đó”.
Bác sĩ nhi gợi ý: Con khóc nhiều mà không rõ lý do có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí là cả tháng. Thời điểm vất vả nhất với các ông bố bà mẹ chính là tháng đầu tiên vì hầu hết chưa hiểu rõ thói quen, tính nết của con. Do vậy, ở bên vỗ về và đồng cảm với bé là cách tốt nhất để bố mẹ không bị xì trét vì nghe con khóc.
Mẹ có thể quan tâm:
Bé sơ sinh khóc – Giải mã 6 tiếng khóc thường xuyên của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh hay khóc đòi bế vì cảm thấy khó chịu trong người
Tiếng khóc này sẽ thể hiện rõ rệt ở giai đoạn 0-3 tháng. Em bé khóc nhiều có ảnh hưởng gì không? Thật ra, tiếng khóc đơn giản là lời thông báo rằng: bé đói, bỉm ướt, buồn ngủ, nóng, đầy bụng,… Do đó, mẹ sẽ thấy em bé mới sinh khóc nhiều.
Giải pháp: Rất đơn giản. Đáp ứng nhu cầu của trẻ là con sẽ nín khóc. Thay tã khô ráo, cho bé ăn no, đưa con đi ngủ trước khi có cơn gắt ngủ, ợ hơi cho trẻ, … Khi đó bé sẽ thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
Trẻ sơ sinh hay khóc đòi bế vì con đang sợ hãi điều gì đó
Bắt đầu từ thời điểm 6 tháng, khi tiếp xúc với người lạ hoặc phải đến một môi trường không quen thuộc, trẻ con mới sinh khóc nhiều một cách bất bình thường. Trong giai đoạn này em bé khóc nhiều có sao không? Tuy các mẹ cảm thấy lo lắng nhưng với trẻ đây lại là một mốc phát triển mới trong kĩ năng xã hội của bé. Con đã bắt đầu phân biệt được giữa người thân và người xa lạ.
Nếu bé có hiện tượng này, mẹ đừng vội vàng bắt ép con làm quen ngay với những thứ mới mẻ. Thay vào đó hãy vỗ về và bế trẻ. Điều này sẽ giúp con cảm thấy an toàn hơn cho đến thời điểm con tự mình quyết đình “thích nghi”.
Nếu không bế, mẹ sẽ thấy trẻ sơ sinh khóc nhiều hơn
Biểu hiện này có thể xuất hiện nhiều vào thời điểm 1-4 tháng. Hầu hết các bà mẹ bỉm sữa đều kể khổ rằng, từ tháng thứ 2 trở đi, có khi phải vừa bế con vừa làm việc nhà vì cứ đặt xuống là con lại khóc ré lên.
Giải pháp: Mẹ thích sung sướng, rảnh rang chân tay hay muốn khư khư bế con để con không khóc? Nếu mẹ chọn cái thứ 2 thì tốt nhất mua một chiếc địu, đi đâu thì cả mẹ cả con cùng đi.
Còn như mẹ muốn có thời gian làm việc nhà mà không vướng víu, lo lắng quá mức, mẹ cần chịu khó tập cho bé nằm chơi một mình và biết chờ đợi bằng cách đừng vội bế bé lên mà hãy dùng lời nói để trấn an con trước. Khi em bé quấy khóc nhiều, hãy cho bé những thứ đồ chơi nhiều màu sắc, âm thanh để con được thoải mái tự do khám phá trong lúc đợi mẹ.
Trẻ khóc đêm – Nỗi khổ sở của mẹ khi không có một giấc trọn vẹn từ ngày sinh con
Thật lạ lùng là hiện tượng khóc đêm thường kéo dài khá lâu. Nó có thể bắt đầu ngay từ lúc con lọt lòng cho đến khi thậm chí bé đã 2-3 tuổi.x
Tại sao em bé khóc nhiều? Vào giai đoạn sơ sinh, trẻ khóc đêm phần lớn vì con bị lẫn lộn ngày và đêm. Mẹ cần áp dụng các chuỗi sinh hoạt cũng như quy tắc Ban ngày nhiều ánh sáng, tiếng động lớn, ban đêm tối và yên lặng để giúp trẻ sớm phân biệt được đêm ngày.
Mẹ có thể quan tâm:
Trẻ sơ sinh ít khóc có đáng lo không, có phải con bị chậm phát triển?
Khi bé lớn dần (tầm 4 tháng trở đi), con có thể khóc đêm vì đó là chu kỳ ngủ của con nhiều hơn là vì đói. Thực tế, vào thời điểm này nếu bé được rèn nếp ngủ tốt thì con đã hoàn toàn có thể ngủ giấc dài từ 5-6 tiếng/lần. Do đó, mẹ cần quan sát dấu hiệu bé có đói thật không hay chỉ cần trợ giúp hoặc “kệ” cho bé tự nối lại giấc của mình.
Em bé khóc nhiều đơn giản vì con không vừa ý với tất cả mọi thứ mà thôi
Kiểu khóc này xuất hiện ở giai đoạn 1 tuổi trở đi và mạnh mẽ nhất ở thời điểm khủng hoảng tuổi lên 2-3.
Con muốn tự mình làm mọi thứ. Cả thế giới phải quay xung quanh trẻ. Từ “không” có vẻ như quả bom châm ngòi cho mọi cung bậc cảm xúc của bé ở thời điểm này. Đôi khi bố mẹ sẽ mệt mỏi với tiếng khóc ở giai đoạn này. Tuy vậy, điều quan trọng nhất là con khóc để khẳng định khả năng tự lập của trẻ đang dần hình thành. Một khi bố mẹ biết “buông tay” đúng lúc sẽ giúp con phát triển các kĩ năng một cách vượt bậc.
Giải pháp cho tiếng khóc của bé: Hầu hết các bố mẹ sẽ có thể nổi đóa với con nhưng điều đó thường phản tác dụng nhiều hơn là giúp trẻ trấn tĩnh. Tránh nói các từ “không được”, “không được phép”, “đừng làm như thế” sẽ giúp giảm bớt bão tố bởi cơn khóc của bé.
Nguồn tham khảo: Đoán đúng ý khi trẻ quấy khóc nhiều, bố mẹ giảm căng thẳng – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Xem thêm:
- Bé gắt ngủ đòi bế, quấy khóc – Tuyệt chiêu cho mẹ khỏi phờ phạc vì dỗ con
- TRẺ SƠ SINH KHÓC – 9 cách để đọc vị tiếng khóc của con
- Sợ nghe tiếng con khóc – Hội chứng của những bà mẹ không hiểu trẻ sơ sinh