Điều trị tiền sử thai lưu – Những điều mẹ cần biết

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Thai lưu là biến chứng không mong muốn có thể xảy ra vào bất kì thời điểm nào trong thai kỳ. Sự cố đáng tiếc này là mất mát to lớn, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động xấu đến tâm lý mẹ bầu. Vì vậy, trước khi muốn có tin vui trở lại, chị em cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và điều trị tiền sử thai lưu, nhằm giảm thiểu những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này trong lần mang thai tiếp theo.

Hiểu đúng về tình trạng thai lưu

Thai lưu được định nghĩa là tất cả các trường hợp thai ngừng phát triển, qua siêu âm, thăm khám không còn dấu hiệu sinh tồn. Thông thường, thai chết lưu sẽ nằm lại trong tử cung 48 giờ sau đó mới tống xuất ra ngoài. Hầu hết các trường hợp thai chết lưu xảy ra trước thời điểm sinh nhưng 1 số ít sẽ phát sinh ngay trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.

1 số quan điểm y khoa khác coi thai lưu là trường hợp thai bị chết sau tuần thai thứ 20 và có trọng lượng trên 400 gram để phân biệt với biến chứng sảy thai xảy ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Đặc điểm cơ bản của những trường hợp thai lưu là hoàn toàn vô khuẩn khi thai vẫn còn lưu lại trong dạ con do được nút nhầy bịt kín nên mầm bệnh từ môi trường bên ngoài không thể xâm nhập vào bên trong được. Cho đến khi thai lưu xổ ra ngoài, tình trạng nhiễm khuẩn có thể xảy ra rất nhanh và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không được xử lý kịp thời.

Những lưu ý quan trọng trong điều trị tiền sử thai lưu

Để điều trị tiền sử thai lưu có hiệu quả, điều quan trọng trước hết là các thai phụ phải được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để xác định đúng nguyên nhân dẫn đến rủi ro này. Thực tế cho thấy, có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng thai chết lưu, thậm chí có khoảng 20 – 50% các trường hợp không tìm được chính xác nguyên nhân. Dựa trên số liệu thống kê, bác sĩ chuyên khoa đã chỉ rõ những yếu tố phổ biến làm gia tăng nguy cơ khởi phát tình trạng thai lưu. Trong đó nguyên nhân có thể xuất phát từ cả phía mẹ hay thai nhi hoặc từ những bất thường trong phần phụ của thai bao gồm bánh nhau, dây rốn, nước ối…

Các chuyên gia sinh sản cũng đều cảnh báo rằng khi đã từng bị thai lưu, không có gì chắc chắn rằng rủi ro này sẽ không xảy ra ở lần mang thai tiếp theo, đặc biệt là những trường hợp không tìm được nguyên nhân và những đối tượng có nguy cơ cao. Vì vậy, nếu muốn có 1 thai kỳ an toàn và khỏe mạnh, tốt nhất các chị em phụ nữ cần được điều trị tiền sử thai lưu theo đúng phác đồ đã được tư vấn.

Xét nghiệm sàng lọc trước khi có thai lại

Để lần mang thai tiếp theo được an toàn, các chuyên gia y tế khuyên những thai phụ đã có tiền sử thai lưu nên đi khám chuyên khoa tại các bệnh viện trước khi quyết định có thai trở lại. Các xét nghiệm sàng lọc cần thiết gồm:

  • Xét nghiệm hội chứng antiphotpholipid trước 2 tuần sau khi hút thai
  • Xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục (giang mai)
  • Làm nhiễm sắc thể đồ tìm nhiễm sắc thể bất thường ở cả bố và mẹ
  • Xét nghiệm phát hiện bất đồng nhóm máu Rh.

Dựa trên những kết quả thăm khám này, việc tư vấn trước khi mang thai là hết sức quan trọng và cần thiết, giúp cho các cặp vợ chồng từng có biến cố trong những lần mang thai trước giảm thiểu tối đa tình trạng tương tự có thể xảy ra. Trong trường hợp nguyên nhân lưu thai có liên quan đến sự bất thường của các NST thì việc tư vấn di truyền trước khi mang thai ​​sẽ giúp xác định các yếu tố nguy cơ và có thể can thiệp y khoa nhằm ngăn ngừa sự xuất hiện hoặc tái xuất hiện của hiện tượng thai chết lưu.

Các lưu ý về chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai

Sau khi xử lý thai chết lưu, người phụ nữ thường bị chấn thương cả về tâm lý và sức khỏe nên cần áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt với sản phụ.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

  • Nghỉ ngơi ít nhất 1 tháng, giữ gìn vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, kiêng quan hệ cho đến khi sức khỏe hồi phục hoàn toàn.
  • Sau 3 tháng hoặc tốt nhất từ 6 – 12 tháng mới nên thụ thai lại.
  • Tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai.
  • Thai lưu không chỉ gây mất máu mà còn gây nhiều áp lực đối với các cơ quan nên chị em cần chú ý hơn về chế độ dinh dưỡng, tích cực bổ sung thêm các dưỡng chất giúp cơ thể khỏe mạnh. Ngoài 4 nhóm thực phẩm quan trọng gồm tinh bột, đạm, chất béo, vitamin, trước khi có kế hoạch mang thai khoảng 3 tháng, cả 2 vợ chồng nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu acid béo omega - 3, folic acid.
  • Những phụ nữ đang mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, hãy cung cấp thông tin cho bác sĩ về tiền sử sức khỏe của mình và tuân thủ đúng theo chỉ dẫn đã được tư vấn để không gây nguy hiểm đến thai kỳ.
  • Nếu có thể trạng dễ tăng cân hoặc đang béo phì, hãy cố gắng kiểm soát cân nặng trước khi cố gắng thụ thai để giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy đến trong quá trình mang thai.

Cần kiểm soát các thói quen sinh hoạt nếu muốn điều trị tiền sử thai lưu hiệu quả

Để giảm thiểu nguy cơ thai bị chết lưu, các cặp vợ chồng trước và trong khi mang thai cần phải kiểm soát được các thói quen sinh hoạt, xây dựng chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi khoa học và điều độ.

  • Loại bỏ ngay lập tức những thói quen có hại như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, cà phê hoặc các chất kích thích. Đây là những tác nhân nguy hiểm làm giảm khả năng thụ thai, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, gây ra những biến chứng và tổn thương nguy hiểm cho cả mẹ và bé
  • Nên nằm nghiêng trái khi ngủ trong 3 tháng cuối. Tư thế ngủ của mẹ bầu có thể là 1 trong những yếu tố gây rủi ro đối với sự an toàn của thai nhi. Những thai phụ nằm ngửa khi ngủ sau tuần 28 có nguy cơ bị lưu thai cao gần gấp 3 lần so với các mẹ bầu khác.
  • Trong thời gian mang thai nên hạn chế các hoạt động quá sức hoặc làm việc trong môi trường độc hại.
  • Ngay từ khi có tin vui trở lại, thai phụ cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ để kiểm soát sức khỏe của cả mẹ và con. Các mẹ bầu cũng nên học cách theo dõi thai máy và sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường trong cử động thai cũng như các triệu chứng khác để có hướng xử lý kịp thời.
  • Những phụ nữ trong nhóm có nguy cơ cao nên được theo dõi chặt chẽ vào những tuần thai cuối khi chức năng bánh nhau giảm để xem xét đến việc có cần gây chuyển dạ sớm hay không nhằm đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Tạm kết

Cảm xúc và tâm lý của bất kì người phụ nữ nào sau khi trải qua biến chứng thai lưu đều bị xáo trộn và ảnh hưởng rất nhiều. Đừng đổ lỗi cho chính bản thân mình khi em bé chưa thể đến bên bố mẹ. Việc thực hiện các liệu pháp tinh thần tích cực dành cho thai phụ cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng góp phần hiệu quả trong thực hiện điều trị tiền sử thai lưu. Ngoài ra, các cặp vợ chồng hãy cố gắng tầm soát sức khỏe sinh sản thật tốt để có thêm cơ hội đón nhận tin vui mới. Chẳng bao lâu nữa, con yêu sẽ chào đời an toàn trong hình hài khỏe mạnh và sự chào đón của gia đình!

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Xem thêm

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnamđể cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

ZinVi