Khám thai lần đầu là mốc quan trọng nhất của một quá trình thai kỳ. Bác sĩ sẽ kiểm tra các bước về tiền sử bệnh cũng như xác nhận sự mang thai của mẹ bầu. Để chuẩn bị cho điều này, mẹ bầu cần biết cụ thể về 5 trình tự sau.
Đi Khám Thai Lần Đầu – 5 trình tự căn bản không thể thiếu
Khám thai lần đầu tiên, bước khởi đầu quan trọng nhất trong suốt 9 tháng mang nặng đẻ đau. Với những ai mới làm mẹ sẽ không khỏi bỡ ngỡ và lo lắng cho “lần đầu” này. Thông thường các bác sĩ sẽ kiểm tra chi tiết tiền sử sức khỏe của bệnh nhân, kiểm tra tình hình sức khỏe hiện tại và làm các xét nghiệm cần thiết. Quá trình này có thể khác nhau ở mỗi bác sĩ nhưng về cơ bản, khám thai lần đầu bao giờ các gồm 5 trình tự cơ bản và cần thiết như sau.
Xác nhận mẹ bầu mang thai – Bước kiểm tra không thể bỏ qua của khám thai lần đầu tiên
Bác sĩ cần thiết phải kiểm tra để xác nhận tình trạng mang thai của mẹ thông qua các câu hỏi như: lần cuối cùng mẹ có kinh nguyệt là khi nào? Các biểu hiện có thai của mẹ bầu là gì? Sau đó bác sĩ kiểm tra cổ tử cung và đo kích thước của tử cung. Điều này sẽ giúp bác sĩ so sánh tuổi thai nhi, dự đoán ngày sinh. Nếu cần thiết, mẹ bầu sẽ được kiểm tra nước tiểu thêm một lần nữa. Do đó, mẹ cần ăn mặc sao cho các bước kiểm tra này diễn ra thuận tiện và dễ dàng hơn.
Hỏi – Đáp tiền sử bệnh và sức khỏe của mẹ bầu
Nhằm đạt hiệu quả tốt nhất cho khám thai lần đầu cũng như ở các lần khám tiếp theo, mẹ bầu cần phải cung cấp thật chi tiết tiền sử bệnh cũng như sức khỏe của mình để bác sĩ nắm được rõ ràng nhất. Với bước này, mẹ bầu cần trả lời câu hỏi cho các vấn đề sau:
- Tiền sử đau ốm của mẹ
- Bệnh mãn tính mà mẹ bầu bị
- Các loại thuốc mẹ bầu sử dụng thường xuyên
- Mẹ đã từng phẫu thuật chưa và vào lúc nào?
- Tiền sử dị ứng có không?
- Mẹ bầu có gặp vấn đề gì về sinh sản hay bệnh di truyền của gia đình không?
- Thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng trước đây và hiện tại của mẹ bầu như thế nào?
- Các chất gây nghiện và kích thích mà mẹ bầu có thể đang sử dụng như cà phê, thuốc lá, rượu bia?
- Tiền sử mang thai những lần trước đó
Đây là các thông tin cần thiết và hữu ích cho việc đánh giá, kiểm tra sức khỏe cũng như dự đoán các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai của mẹ bầu. Do đó, mẹ nhớ mang theo sổ khám bệnh cũng như chuẩn bị trước câu trả lời cho các vấn đề nêu trên khi đi khám thai lần đầu.
Khám chi tiết về tình trạng sức khỏe hiện tại – Nền tảng của khám thai lần đầu tiên cho một thời kỳ mang thai an toàn và khỏe mạnh
Trong lần khám thai quan trọng này, các bác sĩ sẽ kiểm tra tình hình sức khỏe của mẹ bầu, cụ thể là các yếu tố sau:
- Kiểm tra hệ tim mạch
- Hô hấp của mẹ bầu
- Bầu ngực và khoang bụng
- Đo huyết áp, dùng làm cơ sở để so sánh với các lần khám thai tiếp theo.
- Kiểm tra cân nặng, chiều cao của mẹ bầu
- Trong một vài trường hợp đặc biệt, mẹ bầu sẽ được kiểm tra kĩ lưỡng hơn về cơ quan sinh sản và vùng xương chậu.
Các xét nghiệm cần thiết mẹ bầu phải thực hiện trong khám thai lần đầu tiên
Tùy thuộc vào phòng khám hoặc bệnh viện mà mẹ có thể phải thực hiện các xét nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, các xét nghiệm căn bản của một thai phụ trong lần khám thai đầu bao giờ cũng gồm một hoặc nhiều trong số sau:
(1) Xét nghiệm nhóm máu và mức độ thiếu máu của mẹ bầu.
(2) Xét nghiệm nước tiểu bằng kính hiển vi. Kiểm tra số lượng bạch cầu, hồng cầu cũng như lượng đường trong nước tiểu.
(3) Kiểm tra khả năng lây nhiễm của bệnh sởi thông qua xét nghiệm máu.
(4) Xét nghiệm để kiểm tra về khả năng mức độ lây nhiễm của các căn bệnh về đường tình dục như AIDS, viêm gan B, …
(5) Kiểm tra và phát hiện về vấn đề ung thư tử cung giai đoạn đầu
(6) Với các thai phụ có nguy cơ bị tiểu đường hoặc đang mắc bệnh này sẽ phải xét nghiệm thêm về tiểu đường
Thắc mắc của mẹ bầu và giải đáp từ bác sĩ – Mẹ hãy chủ động để thêm phần yên tâm khi đi khám thai lần đầu
Khám thai chính là cơ hội để các mẹ được trò chuyện cũng như tư vấn về mọi vấn đề lo lắng và thắc mắc với bác sĩ của mình. Do đó, mẹ hãy ghi lại các câu hỏi, hiện tượng, những băn khoăn trong suốt quá trình mang thai để được chính bác sĩ của mình giải đáp. Điều này sẽ giúp mẹ yên tâm và không bị căng thẳng trong suốt 9 tháng thai kỳ.
Nguồn ảnh: Thaihealthlife
Mời bạn đọc xem thêm các bài viết về chủ đề Khám thai cho mẹ bầu:
- 8 lần khám thai quan trọng mẹ bầu phải đi
- 14 lần khám thai, siêu âm, uống thuốc theo hướng dẫn bác sỹ suốt thai kỳ
- Ngứa khi mang thai, mẹ bầu nên cẩn trọng – có thể là ứ mật thai kỳ!