Đau lưng dưới gần mông ở phụ nữ là cơn đau khiến chị em rất khó chịu và xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân nào gây nên tình trạng này? Có thể điều trị tại nhà không?
Các nguyên nhân đau lưng dưới gần mông ở phụ nữ
Đau lưng dưới gần mông ở phụ nữ khi gần đến ngày hành kinh
Hội chứng tiền kinh nguyệt bao gồm các triệu chứng mà phụ nữ phải trải qua, thường bắt đầu từ vài ngày trước mỗi kỳ kinh và kết thúc trong vòng 1-2 ngày sau khi ngày kinh bắt đầu. Tuỳ vào cơ thể của từng người, phụ nữ có thể gặp một vài hay toàn bộ những triệu chứng khó chịu sau:
- Đau lưng dưới gần mông ở phụ nữ
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Đầy hơi khó tiêu
- Cảm xúc và hành vi thất thường như thay đổi tâm trạng đột ngột, thèm ăn, lo lắng,…
Một tình trạng tệ hơn của hội chứng tiền kinh nguyệt là rối loạn tiền kinh nguyệt. Trong đó các triệu chứng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ. Phụ nữ có nguy cơ rơi vào tình trạng này thường có tiền sử bị trầm cảm hay rối loạn tâm trạng.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các tế bào nội mạc tử cung (hay màng trong tử cung, là loại mô hình thành nên lớp niêm mạc tử cung) được tìm thấy bên ngoài tử cung của phụ nữ.
Và đau lưng dưới gần mông ở phụ nữ cũng là một triệu chứng phổ biến của căn bệnh này. Ngoài ra, phụ nữ bị tình trạng bệnh lý này còn phải chịu đựng những cơn đau khác, bao gồm:
- Khi hành kinh thì bụng rất đau; ngoài ra tình trạng đau cũng gặp khi đi ngoài hoặc đi tiểu
- Bị đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
- Đau vùng chậu
Lạc nội mạc tử cung là một trong những lý do khiến chị em phụ nữ khó mang thai. Việc điều trị sẽ tuỳ thuộc vào ức độ nặng nhẹ và quyết định của người bệnh.
Những lý do đau lưng dưới gần mông ở phụ nữ và cả đàn ông
Căng cơ
Căng cơ hoặc dây chằng là tình trạng xảy ra khi các thớ cơ bị căng giãn hơn mức bình thường và vượt quá mức giới hạn chịu đựng của cơ. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau lưng dưới gần mông ở phụ nữ và đấng mày râu.
Đau thần kinh toạ
Đây là một hội chứng thần kinh có đặc điểm đau dọc theo lộ trình dây thần kinh tọa (hay còn gọi là dây hông to) và các nhánh của nó. Nguyên nhân thường do bệnh lý đĩa đệm chèn ép vào rễ dây thần kinh tọa, chiếm khoảng 80% trường hợp.
Đau dây thần kinh tọa gây ra cảm giác đau rát hoặc đau như có một luồng điện giật ở thắt lưng. Nó thường đột ngột xuất hiện và lan dọc xuống chi dưới theo đường đi của dây tọa. Những cơn đau lưng dưới gần mông có xu hướng tệ hơn khi bệnh nhân gắng sức, thay đổi tư thế, ho hoặc hắt hơi.
Biện pháp cải thiện tình trạng đau thắt lưng tại nhà
- Dùng miếng dán hay chườm nóng vào vùng lưng dưới gần mông khi bị đau. Nhiệt lượng sẽ khiến cơ vùng lưng được thư giãn và làm tăng lưu lượng máu đến cột sống, giúp cơn đau dịu lại.
- Chườm lạnh cũng phát huy rất tốt công dụng giảm đau lưng.
- Duy trì tập luyện thể dục thể thao có thể cải thiện tuần hoàn và làm dịu cơ bắp, giảm đau lưng. Khi đi tập, nên ưu tiên thực hiện các bài tập dành riêng cho cột sống và thắt lưng.
- Đứng lên thực hiện những động tác kéo căng cơ thể khi ngồi lâu làm việc.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh giúp cơ thể không những khoẻ mạnh mà còn có hệ xương khớp chắc khoẻ. Tăng cường các thực phẩm bổ sung canxi, omega-3, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Kê một chiếc gối giữa hai đầu gối khi ngủ nằm nghiêng hoặc kê dưới đầu gối nếu nằm ngửa.
Khi nào phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức?
Trong một số trường hợp, phụ nữ cần sắp xếp đi khám bác sĩ hay tại trung tâm y tế càng sớm càng tốt để được chẩn đoán đúng nguyên nhân, từ đó có phác đồ điều trị đúng đắn.
Hãy nhanh chóng nhờ y tế can thiệp khi:
- Không thể đứng hoặc đi bộ
- Tình trạng đau lưng dưới gần mông ở phụ nữ kèm theo sốt; đau bụng dữ dội
- Bị đau, tê hoặc ngứa ran ở chân
- Cơn đau lan xuống đến phần chân dưới
- Tình trạng đau nặng đến nỗi ảnh hưởng nghiêm trọng và cản trở cuộc sống hàng ngày
- Nếu đang mang thai mà đi đau lưng dưới gần mông kèm theo chảy máu âm đạo, sốt hoặc đau khi đi tiểu
- Không có cải thiện nào về cơn đau sau một tuần chăm sóc tại nhà
Những triệu chứng, khó chịu nhỏ của cơ thể có thể là một dấu hiệu cho thấy một bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Đừng quá chủ quan nhưng cũng không nên lo lắng thái quá. Hãy hiểu cơ thể, quan tâm đủ để bình tĩnh giải quyết các bạn nhé.
Xem thêm:
- 6 nguyên nhân chậm kinh mà không có thai xảy ra ở chị em phụ nữ
- Ung thư vú ở phụ nữ – Những dấu hiệu chị em nhất định phải để ý
- Chị em có biết sữa đậu nành là một trong những “thủ phạm” làm giảm ham muốn ở phụ nữ?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!