Đau khớp háng khi mang thai tháng cuối là triệu chứng rất thường gặp, gây ra không ít phiền toái và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các mẹ bầu. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không gây nguy hiểm nếu chị em hiểu rõ nguyên nhân cũng như cách khắc phục.
Vào những tháng cuối của thai kỳ, cơ thể người mẹ có nhiều sự thay đổi rõ rệt để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn, chào đón bé yêu ra đời. Trong đó, đau khớp háng là tình trạng xảy ra rất phổ biến kèm theo những cơn đau nhức khó chịu. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Cách khắc phục như thế nào để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Nguyên nhân gây đau khớp háng khi mang thai
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng đau khớp háng ở các mẹ bầu trong tháng cuối thai kỳ, phổ biến có thể kể đến:
Thai nhi quay đầu, đẩy người xuống khung chậu
Vào tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ, thai nhi sẽ có sự chuyển dịch trong tử cung về phía dưới âm đạo, chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ sắp tới. Điều này khiến cho xương chậu chịu nhiều áp lực hơn, đặc biệt là những bé có trọng lượng lớn.
Cũng theo cơ chế này, cơ thể người mẹ sẽ tự tiết ra hormone relaxin, progesterone làm giãn nở các khớp vùng xương chậu nhiều hơn để sẵn sàng đón bé yêu chào đời.
Thiếu canxi
Phụ nữ mang thai cần lượng canxi rất lớn cho để đáp ứng cho cả mẹ và bé. Chính vì thế mà các chị em trong giai đoạn này rất dễ bị thiếu hụt canxi do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ.
Trong trường hợp này, bên cạnh việc thường xuyên phải đối mặt với cơn đau khớp háng khi mang thai tháng cuối, mẹ bầu còn có các triệu chứng khác như đau lưng, khô da, mất ngủ, tê tay, móng tay giòn, chuột rút cơ bắp,…
Sự chuyển động của thai nhi
Bất cứ khi nào thai nhi thay đổi vị trí, xoay người hoặc đạp, bé cũng sẽ tạo một áp lực lên các dây thần kinh của người mẹ, từ đó gây căng đau khớp háng. Tình trạng này sẽ dần trở nên khó chịu hơn trong những tuần cuối thai kỳ khi bé di chuyển xuống phần đáy tử cung.
Tăng cân đột ngột
Đây là tình trạng chung của rất nhiều chị em khi mang thai. Tuy vậy, một số trường hợp mẹ bầu tăng cân đột ngột do thai nhi phát triển nhanh hoặc do ăn uống thừa chất có thể làm tăng áp lực bất thường lên khớp háng. Khi đó, khớp háng không kịp thích nghi sẽ dẫn đến các cơn đau nhức, đặc biệt là giai đoạn cuối thai kỳ khi trọng lượng thai lớn.
Bên cạnh đó, mẹ bầu bị đau khớp háng còn có thể xuất phát từ các nguyên nhân: Thiếu magie, giãn tĩnh mạch, mang đa thai, thường xuyên đi giày cao gót, mang thai khi tuổi đã cao, đau dây chằng tròn, có tiền sử mắc các bệnh lý về xương khớp,…
Những cách giảm đau khớp háng khi mang thai tháng cuối hiệu quả
Đau khớp háng thường không gây nguy hiểm cho đến sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của người mẹ nhưng sẽ khiến các mẹ gặp khó khăn không đời sống sinh hoạt hằng ngày. Dưới đây là một số phương pháp có thể giúp mẹ bầu cảm giác dễ chịu hơn:
Thay đổi tư thế
Nằm nghiêng là tư thế được khuyến cáo hàng đầu trong suốt thai kỳ, giúp đảm bảo lưu lượng tuần hoàn đến nuôi thai nhi và tạo sự thoải mái cho người mẹ. Mặt khác khi ngồi, mẹ bầu cần lưu ý ngồi thẳng lưng có kèm gối tựa, tuyệt đối không ngồi khom lưng hoặc ngồi xổm.
Ngoài ra, phụ nữ khi mang thai không nên ngồi lâu cố định một tư thế. Theo đó, nên hạn chế các sinh hoạt trong tư thế đứng, hoặc nếu phải đứng thì không nên đứng quá lâu, cần thả lỏng hai vai và dang rộng hai chân bằng vai.
Tắm nước ấm
Đây là phương pháp rất đơn giản giúp các mẹ bầu thoát khỏi những khó chịu khi mang thai, chẳng hạn như nhức mỏi cơ thể hay căng thẳng tâm lý. Tắm bằng nước ấm còn làm giảm đau dây chằng tròn – một trong những nguyên nhân gây đau khớp háng khi mang thai tháng cuối.
Dùng dụng cụ hỗ trợ
Chị em có thể dùng các loại gối chuyên dụng dành cho bà bầu khi nằm hoặc ngồi. Loại gối này thường được thiết kế có thể điều chỉnh theo hình dạng cơ thể. Từ đó giúp làm giảm áp lực của bụng lên các cơ quan khác, đặc biệt là xương chậu. Ngoài ra, các loại đai đeo dành riêng cho bà bầu cũng có tác dụng tương tự.
Nghỉ ngơi đúng cách
Trong những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến việc cân bằng giữa nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng. Việc xây dựng một thời gian biểu hợp lý, nghỉ ngơi đúng cách sẽ giúp chị em giảm các triệu chứng đau khớp háng. Đồng thời, mẹ bầu cũng nên nghỉ ngơi ngay khi xuất hiện cơn đau.
Bên cạnh đó, mẹ có thể luyện tập những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ mang thai như Yoga để hệ cơ xương thêm chắc khỏe.
Đó là một số điều cần biết về tình trạng đau khớp háng khi mang thai tháng cuối các mẹ bầu có thể tham khảo. Mong rằng thông qua bài viết này, mẹ sẽ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe cho mình và thai nhi trong suốt thai kỳ.
Lưu ý đối với những trường hợp đau khớp háng nghiêm trọng, co thắt mạnh vùng tử cung kèm theo dịch nhờn âm đạo, mẹ cần đến bệnh viện thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân chính xác và kịp thời điều trị. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng để tránh gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé.
Xem thêm:
- Thai nhi đạp nhiều vào tháng cuối có nguy hiểm không?
- Mẹ mang thai tháng cuối có nên đi bộ hay không?
- Mẹ bầu khó thở khi mang thai tháng cuối có nguy hiểm không?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!