Đau đầu nhũ hoa khi mang thai-đây là vấn đề nhiều mẹ bầu băn khoăn trong suốt quá trình 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau. Việc đau phần nhạy cảm này của cơ thể có thể là bình thường hoặc nguy hiểm tuỳ triệu chứng đi kèm. Chị em cần nhận biết những triệu chứng đó để giúp cho quá trình mang thai trở nên dễ chịu hơn.
Tại sao mẹ bầu bị đau đầu nhũ hoa khi mang thai?
Nhũ hoa của mẹ bầu có thể bị đau khi mang thai do các yếu tố sau:
Thay đổi nội tiết tố
Khi mang thai, hormone estrogen và progesterone trong cơ thể người phụ nữ tăng lên, kích thích tuyến vú phát triển. Sự kích thích này khiến ngực và núm vú lớn lên về kích thước, chuẩn bị cho quá trình tiết sữa để nuôi dưỡng em bé. Bầu ngực của mẹ lúc này trở nên nhạy cảm hơn và có thể đau cứng khi chạm phải, đặc biệt ở phần nhũ hoa.
Căng cơ và dây chằng ở ngực
Do ngực lớn lên khá nhiều so với trước khi mang thai, phần cơ và dây chằng ở ngực căng hơn và chịu nhiều sức ép. Lý do này có thể khiến một số chị em cảm thấy đau ngực và núm vú.
Áo lót quá chật
Một số mẹ bầu không kịp tăng size áo ngực kịp với sự phát triển của bầu ngực khi mang thai, dẫn tới phần vú và núm vú bị bó sát quá mức, dẫn đến cảm giác đau.
Nhiễm trùng, chàm, viêm da, ung thư vú và một số lý do khác
Đây là một số bệnh lý liên quan khiến mẹ bầu đau đầu nhũ hoa khi mang thai. Tuy nhiên, những bệnh này thường đi kèm với những triệu chứng bất thường khác tại vùng nhũ hoa nói riêng, và cơ thể nói chung. Nếu chỉ cảm thấy đau đầu nhũ hoa, mẹ không cần quá lo lắng nhé!
Triệu chứng đau đầu nhũ hoa khi mang thai
- Mẹ bầu đau đầu nhũ hoa khi mang thai thường sẽ cảm thấy hiện tượng này bắt đầu từ tuần thứ 4 cho đến tuần thứ 6 của thai kỳ
- Cảm giác đau nhức kéo dài trong 3 tháng đầu khi mang thai và giảm dần khi mẹ bước sang tháng thứ 4
- Đau đầu nhũ hoa có thể sẽ trở lại trước khi sinh
- Mỗi mẹ bầu sẽ có một biểu hiện đau nhũ hoa khác nhau, tuỳ cơ địa từng người. Có người khó chịu, chạm nhẹ cũng thấy đau; có người đau nhưng rất nhẹ, hoàn toàn không gây phiền phức gì
- Đi kèm với đau đầu ngực, mẹ có thể thấy: quầng vú to hơn, đầu vú to hơn, sẫm màu hơn, thậm chí một số mẹ còn bị rạn da phần ngực. Núm vú có thể rỉ sữa non kể từ tuần 16 của thai kỳ. Đây là những dấu hiệu hết sức bình thường
Mẹ nên đi khám nếu gặp những triệu chứng bất thường kèm theo
Ngoài cảm thấy đau núm vú, nếu bạn thấy những biểu hiện bất thường sau thì bạn nên đi gặp bác sĩ:
- Đầu nhũ hoa bị nứt
- Cảm thấy đột ngột đau ngực kèm ho và khó thở
- Đau ngực sau đó lan xuống cả hai cánh tay
- Bạn bị đau ngực kèm theo hiện tượng sốt
- Vừa đau ngực vừa chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi bất thường
- Cơn đau ngực kéo dài qua cả 3 tháng đầu thai kỳ, đau một bên ngực và sốt
Những điều trên biểu hiện sức khoẻ của mẹ bầu có vấn đề, mẹ không nên chủ quan nhé.
7 mẹo giúp chị em giảm cảm giác khó chịu khi bị đau đầu nhũ hoa
Mặc áo rộng và có độ co giãn cao
Mặc dù các loại áo có chất liệu bó sát có thể giúp bạn nhìn gọn gàng hơn nhưng lại khiến bầu ngực bị o ép. Nếu muốn giảm đau đầu ngực khi mang thai, các mẹ hãy ưu tiên cho những chiếc áo hoặc đầm có kích cỡ rộng rãi cùng chất liệu mềm mại, có độ co giãn cao.
Áo ngực thể thao có thể giúp bạn giảm đau đầu ngực
Các cử động trong ngày có thể làm mẹ bầu đau ngực, nhất là phần núm vú. Mặc một chiếc áo ngực thể thao sẽ giữ cho ngực ở đúng vị trí và ngăn chúng chuyển dịch quá nhiều. Khi ngực bắt đầu phát triển to dần, mẹ hãy mua một chiếc áo ngực lớn hơn để thoải mái hơn và nên chọn những chiếc áo không có đường may viền nhằm hạn chế ma sát.
Sử dụng miếng lót ngực để giảm đau đầu nhũ hoa khi mang thai
Trong vài tháng đầu của thai kỳ, núm vú của mẹ bầu sẽ trở nên vô cùng nhạy cảm. Do đó, miếng lót ngực có thể rất lý tưởng đối với mẹ bầu, giúp bảo vệ nhũ hoa khỏi các sự đụng chạm không cần thiết. Mặc dù miếng lót ngực thường được dùng sau khi sinh con nhưng các mẹ vẫn có thể dùng trong thời gian mang thai để hỗ trợ giảm đau đầu ngực, đặc biệt đối với những mẹ đau đầu nhũ hoa khi mang thai tháng cuối.
Dùng miếng chườm lạnh
Một mẹo nhỏ khác để giảm đau núm vú khi mang thai là áp dụng cách chườm lạnh. Đầu tiên, bạn hãy nằm xuống và đặt một chiếc khăn lên ngực, sau đó đắp một túi nước đá lớn hoặc một túi gel lạnh mềm mại lên trên phần khăn đó. Hãy nhớ chỉ chườm trong vòng 20 phút thôi nhé. Trong trường hợp bạn thấy có cảm giác da bị kích ứng hay rát, hãy dừng lại ngay.
Sử dụng kem làm dịu
Trên thị trường hiện nay, có khá nhiều loại kem có tác dụng giúp làm giảm nhẹ cảm giác khó chịu ở núm vú nhờ thành phần tự nhiên chiết xuất từ hoa cúc, mỡ cừu… Do vậy, mẹ bầu có thể cân nhắc tìm mua những sản phẩm này. Mẹ nên thoa kem sau khi tắm và trước khi mặc quần áo. Phần kem bôi sẽ bảo vệ phần núm vú của bạn khỏi ma sát và kích ứng với phần vải áo.
Tắm nước ấm để giảm đau núm vú khi mang thai
Trong thời gian bầu bí, các ống dẫn sữa dần phát triển có thể gây đau ở phần ngực. Thư giãn dưới vòi nước ấm sẽ giúp giảm căng thẳng toàn thân cũng như giảm đau núm vú khi mang thai. Nhiệt độ nước ấm có tác dụng làm giãn tạm thời các ống dẫn sữa, làm mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tắm nước ấm trong khoảng 10 – 15 phút mà thôi.
Uống nhiều nước
Khi thiếu nước, cơ thể sẽ có xu hướng giữ lại nhiều nước hơn dẫn đến hiện tượng sưng và khiến núm vú trở nên đau nhức. Do đó, mẹ bầu nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày và giảm lượng muối nạp vào cơ thể. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên hạn chế sử dụng các thức uống chứa caffeine vì chúng có xu hướng khiến mẹ đi vệ sinh nhiều hơn.
Cơ thể thay đổi và đau nhức ở nhiều bộ phận khi mang thai là những điều hầu như mẹ bầu nào cũng phải trải qua, đặc biệt ở những vùng nhạy cảm như ngực và núm vú. Mẹ bầu hãy áp dụng những mẹo trên để cảm giác đau giảm đi nhiều và đỡ mệt mỏi hơn!
Xem thêm:
- Vì sao đầu nhũ hoa có hạt trắng khi mang thai?
- Mách mẹ bầu 3 nguyên nhân và 7 cách trị tình trạng ngứa ngực khi mang thai
- Ngực căng tức sữa sau sinh có phải mẹ đã bị tắc tia sữa?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!