Cho con ngủ cùng mẹ vẫn là cách được nhiều cha mẹ Việt lựa chọn bởi thói quen văn hóa cũng như niềm tin về sự gắn bó tình cảm giữa trẻ và cha mẹ.
Xu hướng học hỏi theo phương Tây đã góp phần vào việc ngày càng có nhiều bé sơ sinh được ngủ riêng ngay từ khi chào đời. Tuy vậy, với nhiều mẹ Việt, niềm tin về sự gắn bó tình cảm sâu sắc giữa trẻ và mẹ thông qua ngủ chung giường vẫn luôn mạnh mẽ.
Nhiều chuyên gia trẻ em cũng cho rằng giấc ngủ của trẻ có liên quan đến “nỗi sợ hãi” và “lo lắng” trong tiềm thức sau khi bé chào đời. Điều này khiến cho nhiều cha mẹ tin rằng cảm giác “ấm áp và an toàn” là điều quan trọng nhất với giấc ngủ của các bé.
Chính vì lý do trên mà việc cho bé ngủ cùng mẹ được xem là một phương pháp tự nhiên, phù hợp với văn hóa của người Việt cũng như bản năng tự nhiên của nhân loại.
Mẹ hãy thử tham khảo xem bé của mẹ thuộc nhóm nào dưới đây. Từ đó áp dụng các cách hợp lý để giúp cho bé ngủ ngoan hơn ngay từ khi mới cho đời cho đến tuổi chập chững.
Kiểu 1: Cho con ngủ cùng mẹ nên nhất định phải ti trẻ mới chịu ngủ
Với các bé nghiền ti mẹ và có thói quen ngậm ti, đây đã trở thành công cụ để con đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Ban đầu thì không sao nhưng về lâu về dài các mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi. Một ảnh hưởng nữa là nếu mẹ chỉ cần rút ti ra bé sẽ khóc ầm ĩ hoặc không chịu ngủ tiếp. Bởi vậy mà giấc ngủ con không thể kéo dài. Con ngủ không đủ quấy khóc mà mẹ cũng khó khăn, vất vả hơn mỗi lần cho con đi ngủ.
Giải pháp cho bé ngủ cùng mẹ “chuyên ngậm ti”
- Mẹ hãy tìm một dụng cụ để thay thế “ti mẹ” như tấm khăn mềm, con thú bông nhỏ được làm từ chất liệu mềm và an toàn. Cần chọn những đồ vật có kích thước nhỏ gọn để dễ mang ra ngoài trong trường hợp đi du lịch hoặc đi đâu đó vào đúng giờ ngủ của bé.
- Khi con bắt đầu có tín hiệu buồn ngủ, mẹ giới thiệu dụng cụ ngủ như trên và nói với bé rằng “đi ngủ thôi con nhé” hoặc vuốt ve bé nhè nhẹ để con hiểu rằng đã đến giờ đi ngủ.
- Một khi trẻ đã nhận thức và quen với công cụ ngủ rồi thì bé sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
- Mẹ đừng quên áp dụng phương pháp dụng cụ ngủ này ở cả giấc ngày lẫn giấc đêm để đảm bảo bé quen dần với việc không cần đi ti mẹ.
Kiểu 2: Một tiếng động nhẹ cũng khiến con thức giấc
Các em bé kiểu này cần một điều quan trọng đó là khoảng thời gian trấn an trước khi đi vào giấc ngủ thật tốt. Như đã nói về 30 phút trước khi con ngủ, mẹ hãy dành thật gian thật chất lượng cạnh bé. Mẹ có thể vuốt ve, mát xa nhẹ nhàng, xoa trán, v.v. để con cảm nhận được rằng “không cần lo lắng gì con nhé”.
Giấc ngủ trưa và đêm, nhiều trẻ thức giấc chỉ để chắc chắn xem mẹ có còn nằm cạnh mình hay không. Mẹ có thể ở bên cạnh bé khi bé thức cho đến khi con an tâm rằng mẹ không biến đi đâu mất.
Ngoài ra, các bé thuộc kiểu ngủ này cũng rất cần công cụ hỗ trợ ngủ như gấu bông nhỏ, khăn bông mềm. Mẹ có thể học thêm cách quấn bé trong 3 tháng đầu để bé đỡ giật mình trước các tiếng động.
Kiểu 3: Vì cho con ngủ cùng mẹ nên con tìm mọi cách để được mẹ quan tâm
Những em bé này thường muốn thu hút sự quan tâm, chú ý của mẹ trong giờ ngủ. Con sẽ trèo, nằm, sờ người mẹ, cố tìm ra trò chơi đùa với mẹ.
Cách có thể áp dụng với những trẻ này khi đi ngủ cùng nhau là “mẹ hãy giả vờ như đã ngủ say”. Dọn dẹp giường ngủ thật gọn gàng, thông thoáng. Đảm bảo không có một thứ đồ nguy hiểm nào trên giường ngoài chăn, gối để ngủ. Sau 30 phút yên tĩnh để đi vào giấc ngủ, mẹ có thể giả vờ ngáy thật to đế báo cho con biết rằng, mẹ đi ngủ rồi đây. Mẹ không quan tâm đến các trò chơi đùa của con nữa đâu.
Trường hợp bé thức giấc vào đêm và muốn chơi giữa đêm khuya (mà phần lớn là do ánh đèn) thì mẹ nên lắp đặt rèm và làm sao cho phòng càng tối càng tốt.
Kiểu 4: Đi ngủ thì dễ những cứ đến đêm là khóc lóc ầm ĩ (đặc biệt là với bé 2 tuổi)
Càng những bé dễ nuôi, dễ ăn ngủ thì mẹ càng cần phải dành khoảng thời gian trấn an trước giờ ngủ cho bé thật tốt. Một số trẻ thức giấc vào đêm có thể do ban ngày bé đã phải chịu đựng một điều gì đó khó chịu.
Với các bé đang trong độ tuổi chập chững, mẹ có thể áp dụng cách là bảo bé đi chúc ngủ ngon đồ chơi thân thiết của trẻ (gấu bông, đồ đạc, v.v.) rồi hãy đi ngủ. Quá trình đi tạm biệt đồ vật này bé sẽ nhận thức rằng mình đang đi ngủ rồi đây. Nhờ đó mà tình trạng mè nheo trên giường vì không muốn đi ngủ sẽ được giảm xuống.
Ngoài ra, đọc sách truyện, trò chuyện, vỗ mông, vuốt lưng hay vỗ nhè nhẹ với con cũng là cách rất tốt để bé chuẩn bị tâm lý cho việc tắt đèn đi ngủ.
Cứ nhất thiết phải bế hoặc ăn sữa thì con mới ngủ được?
Nhiều mẹ bảo rằng “con em phải bế, phải bú bình, nhét ti mẹ mới chịu ngủ”. Nhưng mẹ có biết đó hoàn toàn là lầm tưởng của mẹ mà thôi. Trên thực tế, có vô vàn cách để con đi ngủ ngoan mà mẹ không cần phải quá vất vả.
Khi con không chịu ngủ và khóc lóc không ngừng, nếu không bế lên dỗ sẽ khiến nhiều mẹ cảm thấy áy náy, có lỗi với trẻ. Và thế là vòng luẩn quẩn phải mệt mỏi bế dỗ con ngủ cứ lặp đi lặp lại một cách không cần thiết.
Cho con ngủ cùng mẹ nhưng cả mẹ và con vẫn có một giấc ngủ êm đềm không khóc lóc, mè nheo, mẹ nhớ lưu ý những điều sau:
- Chọn một cách đưa bé đi vào giấc ngủ sao cho cả mẹ và bé đều cảm thấy dễ chịu, thoải mái nhất.
- Thông báo với bé rằng chúng mình sẽ thay đổi cách đi ngủ. Dùng lời nói giải thích đơn giản để bé biết rằng mẹ đang rất cố gắng và sẽ làm được đến cùng.
- Bắt đầu áp dụng cách đưa bé đi ngủ ngay từ giấc ban ngày.
- Tuyệt đối không quay lại cách cũ ít nhất là từ 1 tuần trở lên.
- Trong tuần đầu tiên thay đổi cách cho con đi ngủ, mẹ hãy cố gắng cho con chơi và hoạt động thể chất càng nhiều càng tốt. Khi bé mệt thì sẽ dễ ngủ hơn.
- Khoảng thời gian bắt đầu tập cho con đi ngủ theo cách mới, mẹ cần dành thời gian thật chất lượng bên con trước giờ đi ngủ. Thường xuyên nói yêu thương và khen ngợi trẻ.
- Thử đưa bé đi ngủ theo cách mới tầm 15-20 phút. Nếu thấy con khóc và không có vẻ gì là sẽ ngủ thì mẹ nên thay đổi bằng cách cho trẻ chơi một thứ gì đó hoặc đi ra ngoài. Tuyệt đối không dùng lại cách cũ. Sau đó thử lại cách mới dựa vào việc quan sát mức độ buồn ngủ của trẻ.
Theo Cùng mẹ Nhật luyện con ngủ
Xem thêm:
- Vì sao bé sơ sinh hay khóc về đêm? (Cùng Mẹ Nhật luyện con ngủ)
- Lịch sinh hoạt của bé sơ sinh 3 tháng đầu đời dành cho mẹ tham khảo (Cùng mẹ Nhật luyện con ngủ)
- Làm thế nào để trẻ sơ sinh ngủ ngon? Các bước hướng dẫn chi tiết giúp con ít quấy khóc, dễ đi vào giấc
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!