Cho con bú khi mang thai là vấn đề làm các mẹ lo lắng vì không biết có ảnh hưởng đến nguồn sữa và thai nhi hay không. Cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Cho con bú khi mang thai liệu có an toàn?
Nhiều mẹ lo lắng hormone oxytocin tiết ra trong lúc cho con bú sẽ thúc đẩy quá trình co bóp tử cung, dẫn đến sinh non hoặc sẩy thai. Tuy nhiên, quan niệm này không hẳn là đúng.
Vì tử cung bị co thắt do nhiều yếu tố chứ không hẳn bởi oxytocin, nên mẹ hãy yên tâm duy trì nguồn sữa mẹ mát lành cho bé yêu mà không lo ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.
Có phải bé sẽ bú hết sữa non của em?
Sữa mẹ sẽ thay đổi mùi vị một chút khi mẹ mang bầu đến tháng thứ 4 hoặc thứ 5, vì lúc này cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất sữa non mới. Nếu chú ý, mẹ sẽ nhận thấy bé có phản ứng nhẹ khi sữa mẹ có vị khác. Lúc này sẽ có hai trường hợp xảy ra, một là bé tự động bỏ mẹ, hai là bé tiếp tục bú.
Tuy nhiên, mẹ có thể yên tâm về sữa non, vì nó sẽ không cạn đi mà kéo dài cho đến khi em bé thứ hai chào đời. Nếu cho bé lớn bú tiếp, bé sẽ được “hưởng ké” nguồn sữa non quý giá.
Cho con bú khi mang thai như thế nào để mẹ khỏe bé vui?
Tham khảo ý kiến bác sĩ
Nếu mẹ bầu có một trong các vấn đề sau, mẹ không nên cho bé bú tiếp:
- Mang thai sinh đôi hoặc sinh ba.
- Mẹ bị thiếu máu hoặc gặp các vấn đề sức khỏe tiền sản như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, tăng huyết áp…
- Mẹ bị xuất huyết tử cung hoặc cảm thấy đau nhiều vùng bụng dưới.
- Tuyến vú của mẹ gặp vấn đề, đang phải chữa trị.
Tốt nhất, mẹ vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định tiếp tục cho con bú khi mang thai.
Tư thế cho con bú
Khi mang thai, việc bế bé cho bú sẽ gặp khó khăn hơn khi bụng ngày càng lớn. Để khắc phục điều này, các bác sĩ khuyên rằng tư thế ngồi tựa lưng hoặc nằm sẽ thoải mái hơn khi cho con bú. Vào tam cá nguyệt thứ ba, mẹ có thể tự điều chỉnh cách cho bé bú sao cho bản thân thoải mái nhất.
Theo dõi nguồn sữa mẹ
Khi bé được tầm 4, 5 tháng tuổi, sữa mẹ có xu hướng giảm dần. Nếu giai đoạn này mẹ bắt đầu mang thai, hãy quan sát xem bé còn hứng thú với việc bú mẹ hay không. Đồng thời, đối chiếu với tiêu chuẩn cân nặng, chiều cao để đảm bảo bé đang trên đà phát triển tốt.
Chăm sóc bầu sữa
Hầu như đầu ty các mẹ đang cho con bú đều rất mẫn cảm. Kết hợp với tác động của thai kỳ sẽ làm tăng cảm giác đau nhức bầu ngực. Cách xoa dịu đơn giản mà hiệu quả là chườm ấm hoặc thoa dầu dừa.
Tăng cường chế độ dinh dưỡng
Giai đoạn mang thai và cho con bú sẽ tốn nhiều calo của mẹ, thế nên mẹ cần bù đắp năng lượng qua việc ăn uống. Mẹ có thể ăn nhiều bữa trong ngày để ăn được nhiều mà không quá no.
Bên cạnh đó, mẹ nên ăn các món ăn lành mạnh, ít dầu mỡ, giàu dinh dưỡng. Mỗi ngày, mẹ cần ăn đủ 4 nhóm thực phẩm thiết yếu: đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất để tạo sữa cho bé và nuôi thai nhi.
Ngoài ra, mẹ đừng nên bỏ qua việc bổ sung thêm các chất cần nhiều khi mang thai như sắt, axit folic, canxi, choline, men tiêu hóa. Như vậy mới đảm bảo đủ chất cho cả mẹ và bé khi nuôi bú song song.
Làm gì nếu không thể cho bé bú tiếp khi mang bầu?
Nếu tình trạng sức khỏe không cho phép mẹ tiếp tục cho bú, mẹ không nên dừng đột ngột mà hãy cai sữa từ từ, chuyển dần sang sữa công thức để bé có thời gian ‘chấp nhận sự thật’. Điều này còn giúp bé không cảm thấy ác cảm với người em sắp chào đời.
Nhìn chung, cho con bú khi mang thai là vô hại nếu mẹ có thể trạng bình thường. Nếu cảm thấy điều gì đó bất thường khi nuôi bú song song, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiếp tục cho con bú.
Xem thêm:
- Đang cho con bú ăn sầu riêng được không? Những loại quả nên tránh khi cho con bú
- Cho trẻ bú bình – những sự thật về việc cho bú bình khiến mẹ phải giật mình
- Làm thế nào để biết mẹ không nên cho con bú sữa mẹ?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!