Chảy sữa ở tuổi dậy thì là hiện tượng không thường gặp nhưng cũng có thể khiến ba mẹ và các bé gái lo lắng. Cùng tìm hiểu về hiện tượng này trong bài viết dưới đây
Sự phát triển của bầu ngực theo độ tuổi
Khi bước vào tuổi dậy thì, ngực của bé gái sẽ bắt đầu phát triển khi lượng hormone trong cơ thể thay đổi. Ngực được cấu tạo từ các mô mỡ và tuyến tạo sữa, gọi là tuyến vú. Vùng sẫm màu nằm quanh núm vú được gọi là quầng vú. Vào giai đoạn dậy thì, ngực bé gái bắt đầu xuất hiện 1 khối nhỏ nổi gồ lên bên dưới núm vú và quầng vú, gọi là chồi vú. Theo thời gian ngực bắt đầu phát triển khi chồi vú lớn hơn và tròn hơn.
Ngực càng phát triển thì quầng vú càng rộng và sẫm màu hơn. Quầng vú có thể có màu nâu nhạt hoặc nâu thẫm, núm vú có thể có màu từ hồng nhạt đến đỏ tía hoặc đỏ tươi tùy thuộc màu da.
Các yếu tố di truyền, dinh dưỡng, luyện tập, lối sống ảnh hưởng đến thời gian dậy thì và phát triển ngực bé gái. Đa số bé gái bắt đầu có ngực khi được 9 – 10 tuổi, 1 số có thể sớm hơn hoặc muộn hơn. Một số bé gái thường xuyên tập thể dục, nhảy múa hoặc luyện tập thể thao nhiều có thể sẽ dậy thì muộn hơn. Chủng tộc cũng có thể ảnh hưởng đến dậy thì và phát triển ngực, người châu Á có thể dậy thì sớm hơn người châu Âu và các vùng lạnh giá.
Thời gian ngực phát triển hoàn chỉnh ở mỗi người là khác nhau, trung bình là từ 3 – 5 năm.
Cơ chế tiết sữa của bầu ngực
Bên trong bầu ngực có các túi rất nhỏ gọi là nang sữa. Thường sau khi sinh con hoặc ở những tháng cuối thai kỳ, hormone trong cơ thể phát tín hiệu cho các nang này để sản xuất ra sữa. Sữa mẹ được tạo ra nhờ phản xạ tiết sữa hay còn gọi là phản xạ prolactin: hành động bú mút của bé hoặc hút sữa kích thích bài tiết prolactin từ tuyến yên trên não bộ, prolactin sẽ điều khiển nang sữa tạo ra sữa, đi qua các ống dẫn sữa đến núm vú. Đồng thời, phản xạ xuống sữa hay phản xạ oxytocin (1 loại hormon của tuyến yên) cũng diễn ra để thúc đẩy sữa từ các nang sữa về núm vú, hay còn gọi là sự xuống sữa.
Bé càng bú nhiều thì prolactin và oxytocin càng được sinh ra nhiều, từ đó càng kích thích tạo ra sữa đủ cho nhu cầu của bé. Khi ngừng cho con bú, lượng 2 hormone này giảm dần, nang sữa dần ngưng sản xuất sữa và cuối cùng là hết hẳn sữa.
Hiện tượng chảy sữa ở tuổi dậy thì
Sữa chảy ra từ ngực phụ nữ không nuôi con thì được gọi là chảy sữa. Ở tuổi dậy thì, hiện tượng này có thể xảy ra do bé gái có lượng hormone thay đổi bất thường, cụ thể cơ thể sản xuất ra quá nhiều hormone prolactin kích thích tuyến sữa.
Vì đâu bé gái có hiện tượng này?
Nguyên nhân gây chảy sữa còn có thể do sử dụng các loại thuốc tránh thai, an thần, chống trầm cảm hoặc do hạ huyết áp đột ngột. Việc xuất hiện khối u trong núi đôi hoặc vòng 1 có nhọt ở đỉnh trong ống tuyến sữa cũng có thể gây ra triệu chứng này. 1 chút dịch màu vàng cũng có thể sẽ chảy ra khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.
1 nguyên nhân khác có thể làm bé gái bị chảy sữa ở tuổi dậy thì là giãn tuyến sữa. Chứng giãn tuyến sữa xảy ra khi 1 tia sữa dưới núm vú giãn ra và chứa đầy dịch, dịch đặc và sánh lại làm tuyến sữa đầy lên và dịch tràn ra ngoài. Hiện tượng này xuất hiện khi hormone trong cơ thể thay đổi, thiếu vitamin A hoặc nhiễm trùng. Giãn tuyến sữa chỉ nguy hiểm khi kèm theo nhiễm khuẩn gây viêm và sốt, bệnh thông thường sẽ tự khỏi.
Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp lần đầu quan hệ tình dục do bị kích thích nên chảy sữa. Khi ấy, nguyên nhân thường chỉ do rối loạn nội tiết và kích thích mạnh nên bầu ngực chảy dịch và sẽ hết ngay sau đó. Trường hợp này không đáng nguy hiểm và cơ thể sẽ trở lại bình thường khi nội tiết tố được cân bằng lại.
Khi nào thì chảy sữa ở tuổi dậy thì là dấu hiệu bệnh lý đáng lo ngại?
Nếu ngực bé gái căng tròn và chỉ cần chạm nhẹ vào là đã có thể tiết ra dịch màu trắng có vị sữa thì rất có thể nguyên nhân là do có khối u/polyp nhỏ trong buồng trứng làm tăng prolactin. Khi bị kích thích, sữa càng tiết ra nhiều hơn.
Lúc này mẹ nên theo dõi mùi và thành phần dịch tiết ra từ bầu ngực bé để phân biệt sữa với dịch. Nếu sữa tiết ra có mùi lạ thì đó là dịch từ bên trong cơ thể chứ không phải là sữa do tuyến yên sản xuất ra. Mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để xác định chính xác tình trạng và xử lý kịp thời.
Trong trường hợp đã có kinh nguyệt, bé gái tiết sữa kèm theo mất kinh thì hãy nhấn mạnh điều đó với bác sỹ. 1 số xét nghiệm sẽ có thể cần được thực hiện như định lượng prolactin, xét nghiệm tế bào, nội tiết, siêu âm buồng trứng… để bác sĩ có kết luận chính xác nhất.
Vòng 1 đột nhiên chảy sữa ở tuổi dậy thì thường làm cả mẹ và các bé gái trong độ tuổi này bối rối, dù là chảy sữa bình thường hay bệnh lý thì tốt nhất phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa để được trợ giúp nhé.
Xem thêm:
- Khi con đến tuổi dậy thì – Khi nào được gọi là dậy thì sớm?
- Những điều ba mẹ cần chú ý về tuổi dậy thì của bé trai
- Phụ huynh có chắc mình hiểu rõ tâm lý con trai ở tuổi dậy thì?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!