Bà bầu cần chuẩn bị những giấy tờ và cần mua những gì trước khi sinh? Nếu bạn đang mang thai và thắc mắc câu hỏi này thì hãy cùng theo dõi này viết này nhé!
Những giấy tờ cần chuẩn bị trước khi sinh
Khi đi sinh bà bầu cần chuẩn bị một số giấy tờ sau đây:
- Tất cả các loại hồ sơ, sổ khám thai, kết quả xét nghiệm, siêu âm kể từ ngày bắt đầu đi khám thai để bác sĩ có thể xem lại lịch sử phát triển của thai nhi. Những giấy tờ này sẽ giúp bác sĩ đánh giá đúng hơn tuổi cũng như các tình trạng khác của thai, bệnh lý của mẹ.
- Các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, bảo hiểm y tế. Nên photocopy sẵn hai bản và mang theo cả bản gốc đề phòng trường hợp bệnh viện yêu cầu.
Chi phí khi sinh
Chi phí sinh thường, sinh mổ
Trước thời gian dự kiến sinh nở tầm 2 tháng, các cặp vợ chồng nên thống nhất sẽ sinh ở viện nào để dự trù kinh phí và chuẩn bị tài chính trước khi sinh con. Kinh phí cho mỗi ca sinh nở cũng khác nhau vì có mẹ sinh thường, có mẹ sinh mổ. Nếu sinh thường, các mẹ nên chuẩn bị từ 3-5 triệu đồng, sinh mổ từ 5-10 triệu đồng (chi phí này bao gồm tiền sinh nở và các khoản phụ phí khác như chuẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, thuốc…).
Mức lệ phí khác nhau còn phụ thuộc vào việc mẹ nằm phòng thường hay phòng dịch vụ và sinh ở bệnh viện nào. Như một số mẹ trong suốt thai kỳ sức khỏe tốt và dự định sẽ sinh thường thế nhưng đến đúng ngày dự sinh, bị vỡ ối mà không có cơn đau nên đã phải mổ lấy thai. Và chi phí cho một ca mổ đẻ cao gấp nhiều lần so với sinh thường. Thông thường thì các mẹ vẫn nên chuẩn bị số tiền khoảng 10 triệu đồng.
*Theo những tham khảo thì chi phí ở các bệnh viện rơi vào khoảng 3-5 triệu đồng. Trong đó:
- Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện: sinh thường: 1-2 triệu đồng; sinh mổ: 3-4 triệu đồng.
- Bệnh viện Từ Dũ: khoảng 3 triệu. Sinh mổ sẽ cao hơn một chút.
- Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn: 30-40 triệu đồng
- Bệnh viện Việt Pháp: 30-50 triệu đồng
- Bệnh viện Việt Nhật: 4-6 triệu đồng
- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Sinh thường: 1-3 triệu; sinh mổ: 4-5 triệu.
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Sinh thường: 1-3 triệu; sinh mổ: 4-5 triệu.
- Bệnh viện Đại học Y: 5 triệu đồng
Trên đây là những chi phí cho một ca sinh nở tuy nhiên các mẹ không nên quá lo lắng nếu kinh phí nhà mình quá eo hẹp vì theo kinh nghiệm của các mẹ trước thì mức chi phí không vượt quá số tiền kể trên vì đó chỉ là lệ phí đóng ban đầu. Sau khi thanh toán không hết, bệnh viện sẽ trả lại. Thông thường, nếu mẹ nào có sức khỏe bình thường và thai kỳ khỏe mạnh thì chỉ nên sinh thường và nằm phòng thường. Mức chi phí cho một ca sinh thường chỉ khoảng 2-3 triệu đồng thôi. Trong trường hợp mẹ nào có sổ bảo hiểm thì tiền viện phí sẽ được giảm đi nữa (đưa sổ bảo hiểm khi nộp tiền tạm ứng). Nhưng tùy từng bệnh viện có áp dụng thẻ BHYT hay không.
Chi phí nằm viện
Thông thường, nếu các mẹ đẻ thường sẽ nằm lại bệnh viện khoảng 2-3 ngày, còn nếu đẻ mổ thời gian sẽ dài hơn 5-7 ngày. Chi phí nằm viện phụ thuộc vào việc chọn phòng thường hay phòng dịch vụ. Chi phí nằm phòng thường khoảng 100 -200 nghìn đồng/giường. Nếu mẹ chọn phòng dịch vụ 2-3 người khoảng 300-500 nghìn đồng/giường. Nếu có điều kiện hơn, các mẹ có thể chọn phòng vip với giá 700 nghìn -1triệu đồng/giường.
Các chi phí khác
Ngoài ra, các mẹ cũng sẽ chi một khoản kinh phí khá khá cho việc mua sữa cho mẹ và bé, mua cơm, cháo, nước sôi… Trong những ngày này, các ông bố nên chuẩn bị một số tiền lẻ để dễ dàng mua bán những thứ nhỏ nhặt khi cần. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng nên nhờ người thân tham gia giúp đỡ và tốt hơn hết là nấu cơm ở nhà mang đến để đỡ tốn chi phí và hợp khẩu vị.
Mẹ bầu cần mua những gì trước khi sinh?
Cho em bé
Đến ngày dự kiến sinh con, các mẹ cần chuẩn bị ít nhất những vật dụng sau, để khi vào viện sinh, em bé sẽ có những đồ cần thiết để dùng:
- Mũ thóp: 2 cái
- Mũ mềm: 2 cái
- Bao tay, bao chân: 5 bộ
- Gối vỏ đỗ: 1 bộ, gồm 1 cái gối đầu và 2 cái gối chặn
- Khăn mặt xô: 10 cái
- Khăn mặt bong: 10 cái
- Chăn mỏng đắp cho bé hoặc ủ bé lúc mang bé về nhà: 1 cái
- Tã giấy sơ sinh: 1 gói
- Giấy lót phân su: 1 hộp
- Khăn giấy ướt: 1 hộp
- Sữa cho trẻ sơ sinh (cho bé dùng khi mẹ chưa có sữa): 1 hộp 400g
- Bình sữa 60ml: 1 bình
- Cốc, thìa nhỏ: 1 bộ
- Bình cách nhiệt to (dùng để tiệt trùng sữa): 1 cái
- Kem chống hăm cho bé: 1 hộp
- Thuốc nhỏ mắt, mũi sơ sinh: 1 lọ (Natri Clorid 0,9%)
- Băng rốn: 1 túi
- Rà lưỡi: 1 túi
- Áo sơ sinh để mặc lúc mang bé về nhà: 1 cái
- Áo len mỏng cài khuy, mặc cho bé nếu trời gió lạnh: 1 cái
- Tã chéo: 2 cái.
Cho sản phụ
Giống như em bé, khi mẹ sinh ở bệnh viện cũng cần chuẩn bị cho mình những vật dụng sau:
- Áo quần mặc sau sinh, các mẹ nên lựa chọn những bộ áo quần thoải mái và có thể tiện lợi khi cho con bú nhé: 3 bộ, và phải có 1 bộ đồ dài tay để mặc lúc về.
- Băng vệ sinh thường (dùng khi chuyển dạ): 1 gói
- Bỉm cho mẹ (dùng sau khi sinh): 5 cái
- Băng vệ sinh dày (dùng cho những ngày tiếp theo): 1 gói
- Quần lót giấy: 2 túi
- Khăn mặt: 1 cái
- Muối tinh (dùng để vệ sinh răng miệng cho mẹ những ngày đầu): 1 gói để vào lọ cho tiện sử dụng
- Giấy cuộn mềm: 2 cuộn
- Chai uống nước to: 1 chai
- Tất chân: 3 đôi
- Mũ hoặc khăn choàng đầu: 1 cái
- Dây hoặc kẹp tóc: 1 cái
- Lược: 1 cái
- Áo lót cho con bú: 3-5 cái
Những đồ dùng cần thiết cho người chăm sóc sản phụ
Khi bà bầu đi sinh con thường có người nhà đi cùng để chăm sóc. Do đó mà người nhà cũng cần chuẩn bị những đồ dùng cần thiết để lưu lại bệnh viện, đặc biệt là nếu phải chăm sản phụ sinh mổ. Dưới đây là một số vật dụng nên mang theo:
- 1 – 2 bộ quần áo để thay đổi. Nên mang những bộ đồ thoải mái để thuận tiện đi lại và chăm sóc sản phụ.
- Đồ dùng cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt.
- Dép đi trong nhà.
- Thức ăn nhẹ phòng khi đói bụng giữa đêm khi chăm sóc 2 mẹ con.
- Máy ảnh, máy quay phim, điện thoại di động… để lưu lại những khoảnh khắc quý giá, như việc cắt rốn cho bé hay tiếng khóc đầu tiên. Đây có lẽ sẽ là những khoảnh khắc không thể quên trong cuộc đời của mỗi người.
Trả lời cho câu hỏi cần mua những gì trước khi sinh trên đây sẽ giúp mẹ bầu và gia đình có được sự chủ động cần thiết trong kỳ sinh nở và đảm bảo thuận lợi cho “chuyến vượt cạn” diễn ra thành công cũng như sức khỏe và tinh thần của mẹ bầu trong những ngày kế tiếp. Chính vì vậy, mẹ bầu hãy nhanh tay chuẩn bị cho mình những vật dụng quan trọng này ngay từ 2 tháng trước ngày dự sinh và đảm bảo sao cho đầy đủ nhé. Chúc mẹ bầu có một kỳ sinh nở thuận lợi và an toàn!
Xem thêm
- Mang thai tháng cuối thì ngứa ‘phát điên’, mẹ bầu phải làm sao?
- Bà bầu bị ngứa vùng kín phải làm sao? Có gây ảnh hưởng đến thai nhi hay không?
- Bà bầu bị ngứa nổi mụn nước có nguy hiểm không?