Cai sữa cho con là quá trình dài chứ không thể nào trong một sớm một chiều, vì vậy các cách an toàn và hiệu quả chính là giảm bớt cữ bú, cho con làm quen dần với thực phẩm thay thế, kiên nhẫn chậm rãi…Để học cách cai sữa mẹ cho bé mà vẫn đảm bảo con khỏe mẹ khỏe, mẹ hãy lưu ý các điểm sau đây:
- Xác định thời điểm cai sữa cho con đúng cách
- Chuẩn bị tâm lý cho mẹ
- Chuẩn bị về người hỗ trợ
- Giảm bớt cữ bú của bé khi bắt đầu cai sữa cho con
- Cho con làm quen với thực phẩm thay thế khi chuẩn bị cai sữa cho con
- Giữ kiên nhẫn với bé
- Chăm sóc bầu sữa mẹ
- Giữ chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lý cho mẹ
Xác định thời điểm cai sữa cho con đúng cách
Các tài liệu về nuôi con bằng sữa mẹ đều khẳng định rằng nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bú mẹ đến khi 2 tuổi. Thời điểm thực hiện các cách cai sữa cho con có thể dao động tùy thuộc đặc điểm của từng bé. Bé sẽ giúp bạn biết khi nào nên cai sữa cho bé, một trong những dấu hiệu là hào hứng với thức ăn thô và không hứng thú ti mẹ.
Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho – Bác sĩ Nhi sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc cho biết: Tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ và điều kiện của từng gia đình mà thời gian cai sữa cho trẻ sẽ khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên môn thì gia đình nên tiến hành cai sữa cho trẻ khi trẻ đã đạt từ 18 đến 24 tháng tuổi. Đặc biệt lưu ý, khi bắt đầu cai sữa thì tình trạng sức khỏe của trẻ phải hoàn toàn bình thường, không có bệnh phát sinh. Quyết định cai sữa và thời điểm thực hiện cai sữa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển sau này của trẻ.
Tuy nhiên, có những bé đến 2 tuổi, mọc răng đầy đủ và ăn thô tốt nhưng vẫn thích ti mẹ. Trong trường hợp này, mẹ thường phải ‘đấu tranh tư tưởng’ rất nhiều trong việc cai sữa cho con hiệu quả. Mặt lợi của việc cai sữa lúc này là con sẽ không bú vớ vẩn, gây ‘ngang dạ’ rồi ăn ít, dẫn đến ngủ ít, sinh hoạt không giờ giấc. Nhưng mặt khó khăn là bé đã lớn và không dễ để ‘dụ dỗ’ bé bằng ti giả, bú bình.
Mỗi bé đều có đặc điểm riêng, mỗi bà mẹ cũng rất khác biệt. Vì vậy điều quan trọng là quan sát các dấu hiệu từ con bạn khi áp dụng các cách dứt sữa cho bé. Không có kinh nghiệm của ai khác hoặc bí quyết trong sách vở nào giá trị bằng những quan sát của chính bạn.
Bạn có thể xem:
Chuẩn bị tâm lý cho mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ là giai đoạn mẹ con có sự gắn kết đặc biệt, vì vậy để kết thúc giai đoạn này là điều không dễ dàng với tất cả các bà mẹ. Mẹ sẽ phải sẵn sàng cho cả những thay đổi về tâm trạng do sự thay đổi hormone của quá trình ngưng cho con bú mẹ. Cai sữa là sự thay đổi không chỉ về sinh lý mà cả về tâm lý của người mẹ.
Hãy chuẩn bị trước để không bất ngờ khi tâm trạng của bạn trở nên đặc biệt ‘u ám’, dễ cáu giận, mau nước mắt… trong những ngày cai sữa cho con.
Chuẩn bị về người hỗ trợ
Nếu bé đã trên 1 tuổi và đã quen ‘nếp’ bú mẹ thì việc cai sữa cho con cần có người hỗ trợ, ít nhất là vào ban đêm.
Ban ngày, bạn có thể dùng đồ chơi, các trò chơi, các món ăn nhẹ lành mạnh (như hoa quả, sữa chua) để bé quên đi ‘cơn ghiền’ sữa mẹ. Nhưng ban đêm, khi bé bất chợt tỉnh ngủ và cần mẹ ôm ấp, cho bú thì rất cần bố hoặc một ai khác bế bé thay mẹ. Lúc này, tốt nhất mẹ nên ra khỏi phòng để bé không ngửi thấy mùi sữa và gào khóc dữ dội hơn.
Giảm bớt cữ bú của bé khi bắt đầu cai sữa cho con
Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch cai sữa, đây là lúc bắt đầu cắt giảm cữ bú. Nếu bé vẫn bú mẹ mỗi 3 giờ, thì vào khoảng bé 9 tháng, bạn cần giãn dần cữ bú xuống 4 – 5 giờ/lần. Sau đó, chọn cữ bú nào bé bú ít nhất trong ngày, tiếp tục cắt bỏ.
Khi đã quyết định ‘khởi động’ quá trình cai sữa, thì cứ vài ngày hoặc một tuần, bạn lại cố gắng bỏ một cữ bú của bé. Để bé không bị đói, hãy thay thế sữa mẹ bằng sữa công thức, thức ăn thô… nếu cần.
Quá trình cai sữa có thể kéo dài chỉ vài ngày, vài tuần, 3 tháng, thậm chí là đến 6 tháng, tùy thuộc độ ghiền ti mẹ của bé. Cữ bú cuối cùng mà bạn cần bỏ thường là cữ bú buổi tối, trước giờ ngủ, khi bạn cần giúp bé no bụng và ngủ ngon. Hãy lưu ý chỉ cho bú mẹ khi bé đã rất mệt và buồn ngủ, để bé có điều kiện ‘quên’ dần cữ bú này.
Mẹo nhỏ để bé cai được cữ bú này là cho bé uống sữa công thức hoặc sữa tươi (nếu bé trên 1 tuổi) trước khi đi ngủ. Bé sẽ no bụng và đỡ thèm ti mẹ hơn.
Cho con làm quen với thực phẩm thay thế khi chuẩn bị cai sữa cho con
Cai sữa cho con bằng cách nào? Nếu bé dưới 1 tuổi và bạn thấy cần cai sữa, hãy cho bé uống thêm sữa công thức. Nếu bé đã trên 1 tuổi mới cai sữa, bạn chỉ cần tăng lượng thức ăn thô và tập dần cho bé với nếp sinh hoạt không ti mẹ. Lúc này bé có thể bú thêm sữa công thức, sữa tươi hoặc sữa từ các loại hạt, tùy theo nhu cầu của bé.
Bạn có thể xem:
Giúp con làm quen với nếp sinh hoạt ‘không ti mẹ’
Điều này không hề dễ dàng nếu như bé đã trên 1 tuổi. Các mẹ cần thật kiên nhẫn và nhẹ nhàng để giúp bé thích nghi dần dần:
Mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn để âu yếm và thể hiện tình cảm với bé, như những cái ôm và nụ hôn. Điều này giúp đứa trẻ quen dần việc giảm tiếp xúc cơ thể với mẹ khi cai sữa.
Làm xao lãng con bạn như cho bé tham gia vào một trò chơi vui nhộn ở nhà hoặc đi chơi ngoài trời cũng giúp con quên dần ti mẹ. Đây là thời gian các ông bố thể hiện vai trò của mình. Việc cho con đi chơi mà không có mẹ rất hữu ích trong những ngày cai sữa cho bé.
Ngoài ra, bạn có thể làm sao lãng con bằng cách điều chỉnh một số chi tiết như: thay đổi vị trí các vật dụng trong phòng ngủ (nơi bạn hay cho con bú) để bé thay đổi các ‘phản xạ có điều kiện’, thay đổi lịch sinh hoạt.
Ví dụ, vào giờ mà thường lệ bạn hay cho con bú, hãy thay thế hoạt động đó bằng việc cho bé chơi với gấu bông, đi dạo trong xe đẩy hoặc đung đưa bé ở xích đu ngoài sân nhà… Hoặc thay vì ngồi vào một chiếc ghế bành mà bạn vẫn hay cho con bú, hãy ngồi chơi với con dưới sàn nhà.
Giữ kiên nhẫn với bé
Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi có thể trở nên cứng đầu và cáu kỉnh trong quá trình cai sữa. Đơn giản đó là cách bé phản ứng với sự thay đổi.
Thời gian này sẽ trôi qua, bạn và bé sẽ chuyển sang một chương khác trong cuộc sống. Bạn cần kiên nhẫn cho bước chuyển đổi quan trọng này.
Khi bé khóc lóc, thay vì có thể dùng ti mẹ để dễ dàng xoa dịu như trước đây, bạn cần chuẩn bị các phương án khác. Lúc này tốt nhất hãy để bố hoặc người trông trẻ chăm sóc bé, bế và ru bé để xoa dịu. Nếu là ban ngày, hãy cho bé đi chơi bằng xe đẩy để bé thấy thoải mái hơn.
Chăm sóc bầu sữa mẹ
Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy bị cương sữa và đau khi bắt đầu cai sữa cho con. Đây chính là lý do cần cai sữa dần dần. Nếu dừng ngay lập tức việc cho con bú, cơ thể mẹ sẽ không kịp chuyển đổi, sữa tích tụ trong bầu ngực sẽ khiến bạn bị đau, thậm chí bị viêm tuyến sữa, áp – xe…
Có nhiều mẹo để giảm đau cho mẹ trong quá trình cai sữa. Sau đây là một vài cách đơn giản nhất:
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh: dùng một chiếc khăn mỏng áp vào ngực, thấm nước đá hoặc nước ấm, đặt vào giữa áo ngực và ngực mẹ. Thay thế khăn thường xuyên, vì nhiệt độ của cơ thể có thể làm khăn ấm lên nhanh chóng.
- Tắm nước ấm dưới vòi hoa sen cũng là cách tốt để giảm đau, tuy nhiên bạn không nên áp dụng thường xuyên, vì cách này cũng làm tăng tiết sữa.
- Vắt bớt sữa: Nếu bạn thực sự cảm thấy đau, có thể dùng tay hoặc dùng máy hút sữa để hút bớt sữa trong bầu ngực. Cần lưu ý là chỉ hút một lượng nhỏ vừa đủ để hết đau, không hút nhiều gây trống bầu ngực, sữa sẽ tiếp tục sản sinh.
- Sử dụng lá bắp cải: Lá bắp cải có các enzyme giúp thúc đẩy quá trình giảm bớt sữa. Hãy dùng một cái cán (dụng cụ thường dùng cán bột mỳ) lăn qua lăn lại trên bề mặt để lá bắp cải thực sự phẳng. Lót lá bắp cải vào áo ngực trước khi đi ngủ. Thay thế bằng lá bắp cải khác trong 24 – 48 giờ.
- Massage: Mẹ hãy massage ngay khi sờ vào ngực và thấy hai bầu vú nổi cục, đó là dấu hiệu cho biết tuyến sữa bị tắc. Massage sẽ giúp làm tan sự tắc nghẽn bằng cục sữa tắc.
- Ăn thực phẩm làm tiêu và mất sữa: Các thực phẩm được dân gian tin rằng có tác dụng làm mất sữa là lá lốt, măng tươi, lá dâu. Mẹ muốn hết căng sữa thì có thể bổ sung những loại này vào thực đơn hàng ngày để giúp làm tiêu sữa nhanh, giảm tình trạng căng sữa.
Cân nhắc việc sử dụng thuốc giảm đau
Nếu sau một vài ngày kể từ khi bắt đầu cai sữa mà bạn vẫn thấy đau, hãy tìm gặp các bác sĩ sản phụ khoa để có lời khuyên. Bác sĩ có thể kê thuốc paracetamol, hay còn được biết đến với tên gọi acetaminophen để giúp bạn giảm đau.
Giữ chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lý cho mẹ
Đây là giai đoạn cơ thể mẹ có nhiều thay đổi, mẹ có thể căng thẳng vì con quấy khóc nhiều hơn thường lệ, vì vậy chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất cần thiết.
Hãy duy trì chế độ ăn cân bằng, nhiều vitamin, bổ sung chất dinh dưỡng để cơ thể có thể thích nghi với những thay đổi tâm sinh lý. Mẹ cần đặc biệt chú ý đến giấc ngủ. Ngủ đủ giấc mỗi đêm là cách tốt nhất để cơ thể chống lại những cơn đau, tự phục hồi và chữa lành.
Nguồn tham khảo: Thời điểm nào nên cai sữa cho bé? – Vinmec
Xem thêm
- Cai sữa cho con, ngực mẹ thành quả mướp. Làm cách nào để cải thiện ngực xệ?
- Sau khi cai sữa bao lâu thì hết sữa? Đâu là cách cai sữa hữu hiệu cho con?
- Phương pháp điều trị áp xe vú ở phụ nữ cho con bú