Bệnh trầm cảm không giới hạn trong một độ tuổi, giới tính hay nhóm người nhất định nào bởi tất cả mọi người ở đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết 5 cách hạn chế bệnh trầm cảm giúp bạn sống hạnh phúc hơn.
Bệnh trầm cảm liên tục gia tăng
Trầm cảm trở thành căn bệnh thế kỷ gia tăng ở nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là giới văn phòng. Tuy nhiên, nếu được chú ý phòng ngừa và phát hiện để điều trị sớm, căn bệnh hoàn toàn có thể được khống chế.
Được xếp hạng là loại bệnh phổ biến đứng thứ tư trên thế giới về việc gây ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của người bệnh, đối với các giai đoạn của chứng bệnh trầm cảm, nếu không được điều trị đúng cách và dứt diểm, sẽ có khuynh hướng tái phát và tái diễn với tỷ lệ tự sát cao.
Bệnh trầm cảm không giới hạn trong một độ tuổi, giới tính hay nhóm người nhất định nào bởi tất cả mọi người ở đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau.
Theo y văn hiện nay (đăng trên website của Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM), 27% người trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm rối loạn về khí sắc và/hoặc lo âu, cũng như rối loạn nhân cách và lạm dụng các chất gây nghiện. Tỉ lệ của rối loạn trầm cảm nặng được ước lượng là 2% ở trẻ em và 4% tới 8% ở thiếu niên.
Trầm cảm có thể xuất hiện ở tất cả mọi người
Ở phụ nữ, trong nhiều giai đoạn của cuộc đời có thể xuất hiện bệnh trầm cảm cần chú ý như: hậu sản, tiền kinh nguyệt, mãn kinh. Ước lượng 20-70% phụ nữ bị hội chứng trầm cảm tiền kinh nguyệt và khoảng 80% phụ nữ bị triệu chứng trầm cảm trước hoặc sau khi sinh.
Đối với đàn ông, bệnh trầm cảm thường có liên quan đến rượu. Tuy phụ nữ hay bị trầm cảm hơn đàn ông, nhưng điều nghịch lý được ghi nhận rằng trầm cảm khiến đàn ông tự tử nhiều gấp 5 lần phụ nữ. Ngay cả ở nhóm người cao tuổi hay những bệnh nhân đang mắc các chứng bệnh nặng cũng là các đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm.
Ngày nay, những áp lực về tài chính, công việc, cộng với chất lượng của điều kiện sống, nhiều bạn trẻ, đặc biệt là giới văn phòng, dễ trở thành “con bệnh” mà không hay biết.
Các dấu hiệu của bệnh thường xuất hiện như cơ thể mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, giảm cân, bất lực, chán hoặc thèm ăn; nhưng cũng có khi những triệu chứng trầm cảm có thể không xuất hiện hoặc xuất hiện không nổi bật. Không ít bệnh nhân từ chối điều trị chứng trầm cảm vì cho rằng bản thân mình không mắc bệnh. Điều này hoàn toàn không tốt mà ngược lại còn gây ảnh hưởng đến kết quả và quá trình điều trị sau này, khi bệnh đã chuyển biến phức tạp hơn.
5 cách hạn chế bệnh trầm cảm
Xây dựng sinh hoạt biểu khoa học
Trầm cảm khiến cuộc sống trở nên đảo lộn, đồng thời khiến con người cảm thấy bản thân vô dụng vì không thể hoàn thành bất cứ điều gì. Vì vậy việc xây dựng một lịch trình sinh hoạt chi tiết và khoa học, ngủ đủ giấc, thức dậy đúng giờ, đặt mục tiêu cá nhân cụ thể… sẽ giúp ích rất nhiều khi rơi vào cảm giác rối rắm và mất phương hướng.
Tập thể dục hoặc làm những việc yêu thích
Người mắc bệnh trầm cảm có đặc điểm chung là ít vận động, thiếu linh hoạt và thiếu sự giao lưu. Các hoạt động thể chất, dù là nhẹ nhàng, đều giúp thúc đẩy cơ thể sản xuất endorphin, chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng cải thiện tâm trạng và giảm đau, từ đó hỗ trợ bộ não tự điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Đây được xem là cách hiệu quả hơn việc uống thuốc.
Cố gắng vui chơi, dành thời gian thư giãn đúng nghĩa
Cũng giống việc làm những điều yêu thích, dành thời gian cho những thứ khiến bản thân vui vẻ như xem phim, gặp gỡ, trò chuyện với mọi người, du lịch… cũng là cách tận hưởng cuộc sống để bạn cảm thấy vui vẻ và thư thái hơn.
Ăn uống lành mạnh
Không chỉ đối với người mắc bệnh trầm cảm chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp cải thiện cả thể chất lẫn tinh thần của tất cả mọi người. Riêng với chứng bệnh trầm cảm, thường khiến người bệnh ăn uống vô độ nên kiểm soát số lượng và chủng loại thực phẩm nạp vào cơ thể sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy khá hơn.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chỉ ra thức ăn chứa omega 3 (như cá ngừ, cá hồi) và axit folic (như rau bina, quả bơ) giúp giảm nhẹ triệu chứng trầm cảm.
Tập thở thư giãn
Tập thở là một trong những phương pháp điều trị các bệnh liên quan đến tâm trạng, tim mạch, thần kinh. Chất lượng hơi thở quyết định chất lượng cuộc sống. Về mặt tâm lý, tập trung vào các bài tập thở là một trong những cách kết nối cơ thể và tâm trí, xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực, giúp bạn trở về với con người thật của mình để lắng nghe bản thân mong muốn điều gì.
Theo Vietnamnet
Xem thêm
- Những biểu hiện thú vị của các anh chồng khi ốm nghén thay vợ
- Bí quyết hâm nóng tình yêu sau sinh chị em cần nắm rõ
- Sau sinh bao lâu được ăn chua? Ăn đồ chua gây mất sữa ở phụ nữ sau sinh đúng hay sai?