Cách chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà không hề khó nếu bố mẹ nắm vững những kiến thức cần thiết để giúp con hạ sốt nhanh chóng và mau bình phục. 6 bí quyết sống còn này sẽ giúp con giảm sốt tốt cũng như hiệu quả nhất.
- Trẻ bị sốt thường xuất phát từ nguyên nhân gì?
- Thân nhiệt của bé là bao nhiêu thì được coi là trẻ bị sốt?
- Mẹ cần lưu ý về cách đo nhiệt độ cho trẻ bị sốt
- Đo nhiệt độ cho bé ở vị trí nào là chính xác nhất?
- Cách chăm sóc trẻ bị sốt hiệu quả dành cho mẹ
- Khi nào thì mẹ cần đưa trẻ bị sốt đi khám?
- 5 điều mẹ cần nhớ kĩ khi trẻ bị sốt
Trẻ bị sốt thường xuất phát từ nguyên nhân gì?
Bố mẹ thường cuống lên khi thấy trẻ bị sốt và ngay lập tức đưa bé đi khám. Trong nhiều trường hợp, đơn giản là bé cần được ở nhà và chăm sóc đúng cách cũng có thể giúp con khỏi sốt nhanh chóng.
Các cơn sốt có thể hình thành do nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn với trẻ thường xuất phát từ các lý do chính gồm:
Cơ thể con bị nhiễm trùng. Lúc này cơ chế sốt sẽ xuất hiện như một cách để chống chọi với căn bệnh. Thường cơn sốt có thể kéo dài từ 3-4 ngày.
Bé sốt do tiêm vắc xin. Hiện tượng thường gặp và phổ biến bởi cơ chế phản ứng với thuốc. Những cơn sốt này không đáng lo ngại và sẽ hết sau đó khoảng 1-2 ngày.
Mọc răng cũng có thể khiến bé bị sốt. Một số dấu hiệu thường thấy khi mọc răng như bé quấy khóc, biếng ăn hay sốt nhẹ.
Các căn bệnh thường gặp trong giai đoạn sức đề kháng của trẻ còn kém như cảm cúm, viêm phổi, sốt xuất huyết, viêm tai giữa, viêm màng não, … Với các bệnh này bố mẹ cần theo dõi kĩ càng và có cách xử lý kịp thời.
Có thể bạn chưa biết
Thân nhiệt của bé là bao nhiêu thì được coi là trẻ bị sốt?
Nhiệt độ trung bình của một người khỏe mạnh thường ở khoảng 36,5-37,5 độ C. Đôi khi nhiệt độ cơ thể trẻ thay đổi còn do môi trường sống xung quanh.
Sốt chính là lúc nhiệt độ người bé cao hơn 37,5 độ C. Nếu tăng lên 38,5 độ C thì được gọi là sốt cao. Còn nếu thân nhiệt bé chỉ ở khoảng 37,6-38,4 thì đây là hiện tượng sốt nhẹ.
Một điều đáng lưu ý là đôi khi trẻ sơ sinh có thể tăng cao thân nhiệt do cách mặc quần áo chưa hợp lý. Quá nhiều lớp quần áo, quấn bé chặt, đắp nhiều chăn, … cũng có thể khiến bé “sốt” hơn bình thường. Lúc này mẹ có thể nới bớt trang phục trên người bé, lau người cho con được thoáng mát và cặp nhiệt độ lại một lần nữa. Nếu thân nhiệt bé giảm và con thấy dễ chịu hơn, không quấy khóc nữa nghĩa là bé không hề bị sốt.
Mẹ cần lưu ý về cách đo nhiệt độ cho trẻ bị sốt
Chỉ số quan trọng nhất để biết được chính xác có đúng con bị sốt hay không chính là việc xác định thân nhiệt của cơ thể trẻ. Từ đó sẽ có cách chăm sóc và xử lý sao cho phù hợp với tình trạng sốt của bé.
Cách tốt nhất là mẹ nên sử dụng cặp nhiệt độ chứ không phải đánh giá từ cảm giác hay chỉ là lấy tay sờ lên người con.
Hiện nay trên thị trường có 4 loại cặp nhiệt độ để mẹ tham khảo bao gồm:
Cặp nhiệt độ thủy ngân. Độ chính xác cao nhưng đòi hỏi phải có kĩ thuật đo nhiệt độ đúng. Ngoài ra mẹ cần lưu ý loại cặp nhiệt độ này có thể dễ vỡ, gây nguy hiểm cho bé. Với nhiệt độ thủy ngân, có thể dùng đo thân nhiệt cho bé theo đường miệng, nách và hậu môn.
Nhiệt kế điện tử vỏ bọc nhựa. Tiện lợi, chính xác, sử dụng được lâu dài và giá thành cũng không quá đắt. Mẹ có thể dùng loại này đo nhiệt độ cho bé tại vị trí miệng, nách hoặc hậu môn.
Nhiệt kế đo tai điện tử. Độ chính xác cao, thời gian đo chỉ trong vòng 1 giây nhưng giá thành khá cao. Được sử dụng rộng rãi tại cách bệnh viện và phòng khám.
Nhiệt kế điện tử đo tai và trán 6 in 1. Đây là loại nhiệt kế kết hợp đo được cả tai (1 giây) và trán (5 giây) với nhiều chức năng tiện lợi. Tuy vậy sản phẩm này phần lớn là nhập ngoại nên giá thành hơi đắt.
Đo nhiệt độ cho bé ở vị trí nào là chính xác nhất?
Có nhiều cách để biết được thân nhiệt của bé nhưng 4 cách tiêu chuẩn và thường được áp dụng nhất như:
Đo bằng đường miệng. Cho bé ngậm chặt nhiệt kế dưới lưỡi, không mở miệng trọng vòng 3 phút. Tuy nhiên, nhược điểm của cách này là có thể bé sẽ giãy giụa, không hợp tác hay thậm chí là cắn nhiệt kế. Nếu con ăn đồ nóng hoặc lạnh trước khi cặp nhiệt độ thì thường kết quả sẽ không chính xác.
Kiểm tra thân nhiệt cho bé tại nách. Trước khi đo mẹ nên lấy khăn lau sạch mồ hôi tại vùng này để có được kết quả chính xác nhất. Kẹp chặt nhiệt kế tại khe trên nách và giữ nguyên cho đến khi nhiệt kế báo tín hiệu.
Đo nhiệt độ cho bé tại vùng hậu môn. Theo các bác sĩ, đây là vị trí cung cấp chỉ số nhiệt độ cơ thể chính xác nhất, đặc biệt là với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Cách này khó thực hiện khi bé đã lớn và thường chỉ áp dụng với các bé mới sinh khi ở bệnh viện do các y tá lành nghề đảm nhiệm.
Cách đo thân nhiệt tại tai. Đây là cách tiện lợi đối với loại nhiệt kế điện tử. Thao tác nhanh, tiện lợi nhưng lại có độ chính xác không cao bằng các vị trí khác.
Do đó, ngoài việc kiểm tra thân nhiệt của bé, cách chăm sóc trẻ bị sốt là mẹ cần quan sát các dấu hiệu khác để chắc chắn rằng bé đang có một cơn sốt khó chịu như:
- Nhiệt độ người con cao hơn 37,5 độ C.
- Người bé ra nhiều mồ hôi.
- Mặt đỏ
- Ngủ nhiều hoặc li bì.
- Bé có thể quấy khóc, khó chịu một cách bất thường.
Cách chăm sóc trẻ bị sốt hiệu quả dành cho mẹ
Trước tiên mẹ cần tạo môi trường rộng rãi, thoáng mát cho bé
Nới lỏng quần áo, thay bằng những bộ đồ thấm hút mồ hôi tốt. Mở cửa sổ cho thông thoáng. Sau đó đợi khoảng 15-20 phút rồi cặp nhiệt độ lại để xem có phải bé sốt và quấn quá nhiều lớp quần áo hay không.
Lau người cho bé bằng nước ở nhiệt độ bình thường hoặc nước ấm vừa phải
Một trong những cách hữu hiệu để giúp bé hạ sốt chính là lau người đúng chỗ và đúng cách. Nếu được lau người thường xuyên, các cơn sốt sẽ nhanh chóng hạ, giúp phòng tránh các biến chứng nguy hiểm như hiện tượng co giật.
Mẹ cần thực hiện các bước như sau:
– Chuẩn bị một chậu nước ở nhiệt độ phòng hoặc hơi ấm một chút. Tuyệt đối không sử dụng nước lạnh vì có thể làm co mạch máu, bề ngoài da có thể giảm nhiệt độ nhưng bên trong cơ thể thì vẫn sốt cao.
– Cởi bỏ các lớp quần áo của trẻ.
– Dùng 2-4 chiếc khăn bông nhỏ. Nhúng vào nước và vắt hơi ráo. Lau từ bàn tay, bàn chân theo hướng đi về tim (hướng ngược với lỗ chân lông). Lau xong thì gấp khăn và kẹp khăn vào vùng nách, cổ, nếp gấp cánh tay, chân, …
– Tiếp tục thực hiện lại thao tác này khi khăn bắt đầu ấm lên. Đừng quên thay nước ngay khi thấy nhiệt độ nước bắt đầu lạnh. Lau liên tục khắp người rồi lau khô người bé bằng một chiếc khăn bông to.
Sau khi lau người để giúp con hạ sốt xong thì cần cặp nhiệt độ thêm một lần nữa nhằm kiểm tra xem bé đã đỡ hơn chưa.
Đừng kiêng tắm cho trẻ bị sốt
Theo Giáo sư Tiến sĩ Phạm Nhật An – Giám đốc Trung tâm Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, nhiều mẹ kiêng tắm khi con bị số vì sợ bé sẽ sốt nặng hơn và lâu khỏi nhưng việc này không đúng. Trẻ bị sốt sẽ xuất nhiều mồ hôi và nếu không tắm thì bé sẽ bị ngứa ngáy khó chịu, dễ hình thành các bệnh da liễu như viêm da, mẩn đỏ.
Hơn nữa, tắm cho bé sẽ giúp cơ thể con hạ nhiệt nhanh chóng. Trẻ khi được tắm mát sẽ thấy sạch sẽ thoải mái và mau khỏi hơn.
Cho bé ăn/uống nhiều nước trong thời gian bị sốt
Nước và các loại chất lỏng có công dụng hiệu nghiệm để cơ thể thải nhiệt ra ngoài. Nếu bé đang trong thời kỳ bú sữa, mẹ hãy tích cực cho bé bú hoặc ăn sữa công thức. Với các bé từ độ tuổi ăn dặm trở lên, uống nước trắng, nước hoa quả, canh, các loại súp sẽ có lợi cho việc hạ sốt của trẻ hơn.
Sử dụng thuốc hạ sốt khi cần thiết
Trong trường hợp trẻ bị sốt ở nhiệt độ 39 độ C trở lên, quấy khóc, khó chịu nhiều thì mẹ nên cho bé uống thuốc hạ sốt. Phổ biến nhất là Paracetamol. Liều lượng thuốc sẽ phụ thuộc vào cân nặng và độ tuổi của trẻ.
Cách tính lượng thuốc bé cần được uống như sau:
Bé có thể uống tối thiểu … cân nặng x10mg= lượng thuốc
Và được uống tối đa … cân nặng x 15mg = lượng thuốc
Ví dụ bé nặng 10kg. Vậy con được uống tối thiểu 10kgx10ml=100mg và tối đa là 10kgx15mg=150mg
Như vậy trẻ có thể uống liều lượng thuốc giảm sốt từ 100mg-150mg/lần.
Điều quan trọng trong cách chăm sóc trẻ bị sốt là thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng giảm sốt chứ không thể chữa khỏi bệnh cho bé. Nghĩa là thuốc chỉ có tác dụng giúp thân nhiệt của trẻ hạ trong vòng 4-6 tiếng. Hết thời gian này nếu nguyên nhân gây ra cơn sốt của trẻ vẫn còn thì con sẽ lại tiếp tục bị sốt.
Có thể bạn chưa biết
Khi nào thì mẹ cần đưa trẻ bị sốt đi khám?
– Trẻ sơ sinh dưới 5 tháng tuổi sốt cao trên 38 độ C, quấy khóc liên tục, lờ đờ, bỏ ăn và thở mệt nhọc.
– Bé trên 6 tháng tuổi sốt cao hơn 39 độ C.
– Nếu cơn sốt không hạ sau 3 ngày thì cần đưa trẻ đi khám để sớm tìm ra nguyên nhân.
5 điều mẹ cần nhớ kĩ khi trẻ bị sốt
Những cơn sốt có thể trở nên nguy hiểm với trẻ nếu mẹ vô tình không biết đến các quy tắc tối thiểu khi chăm sóc con. Bác sĩ nhi khuyên rằng mẹ cần tuyệt đối tránh những điều sau đây khi con lên cơn sốt:
– Không tự tiện cho bé dưới 2 tháng tuổi uống thuốc hạ sốt mà chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.
– Tránh dùng nước lạnh hoặc đá để chườm cho bé với mục đích hạ sốt.
– Đừng cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay khi bé mới đi tiêm vắc xin về chỉ nhằm mục đích phòng còn hơn phải chữa. Tốt nhất là mẹ cần theo dõi các biểu hiện của bé và đưa ra xử lý kịp thời sẽ hiệu quả hơn.
– Không cho bé uống thuốc hạ sốt ngay khi vừa có cơn sốt. Lý do là rất có thể bé chỉ bị một cơn sốt siêu vi hoặc sốt nhẹ dưới 38,5 độ C. Lúc này hãy để cơ thể con được chống chọi với siêu vi, hình thành khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước bệnh tật.
– Dù bận rộn, xin bố mẹ hãy chăm sóc con khi bị sốt tại nhà. Không nên cố cho bé đi nhà trẻ chỉ vì với lý do sốt nhẹ, hoàn toàn có thể uống thuốc tại lớp. Đây là điều nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ tại thời điểm này.
Theo theAsianparent Singapore, Hướng dẫn cách tắm cho trẻ khi sốt cao tại nhà – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm:
- Trẻ sơ sinh bị sốt – Mẹ hãy áp dụng ngay những cách hạ sốt đơn giản tại nhà
- Làm gì khi trẻ sơ sinh bị sốt – Mẹ hãy đặc biệt chú ý đến con nhé!
- Lau người bằng nước ấm vắt chanh- Hạ sốt nhanh
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!