Biểu hiện tiểu đường thai kỳ là gì? Mẹ bầu cần làm gì để điều trị?

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Theo thống kê, cứ 7 phụ nữ mang thai lại có 1 người gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ. Để phát hiện bệnh, các bác sĩ thực hiện phương pháp xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để có kết luận chính xác. Thế nhưng, từ trước đó mẹ bầu đã có những biểu hiện tiểu đường thai kỳ mà chưa nhận ra. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm thông tin bổ ích về bệnh tiểu đường thai kỳ đấy.

Biểu hiện của tiểu đường thai kỳ

Triệu chứng bệnh tiểu đường thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng mẹ bầu sẽ gặp một số biểu hiện giống những người mắc bệnh đái tháo đường:

  • Thường xuyên cảm thấy khát nước
  • Đi tiểu nhiều
  • Nước tiểu có kiến bâu
  • Vùng kín bị nấm men, ngứa ngáy, khó chịu…
  • Khó lành các vết trầy xước, vết thương
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức

Thời điểm lý tưởng để xét nghiệm tiểu đường thai kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Mẹ bầu nên làm xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường thai kỳ để biết chính xác tình trạng của mình. Đối với người không bị bệnh này trước đó, thời điểm thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường thai kỳ lần đầu là ở giai đoạn tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ gồm những gì?

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có thể thực hiện một trong hai phương pháp sau:

Phương pháp 1 bước (one-step strategy):

Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: uống 75g (75-g OGTT): đo nồng độ glucose huyết tương lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ sau uống đường, ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những thai phụ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện vào buổi sáng sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ. Chẩn đoán tiểu đường thai kỳ khi bất kỳ giá trị glucose huyết có giá trị sau đây:

  • Lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
  • Ở thời điểm 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
  • Ở thời điểm 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)

Phương pháp 2 bước (two-step strategy):

Bước 1: Thực hiện nghiệm pháp uống glucose 50g hoặc uống glucose 50 gam (glucose loading test: GLT): Uống 50 gam glucose (trước đó không nhịn đói), đo glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ, ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những thai phụ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Nếu mức glucose huyết tương được đo lường tại thời điểm 1 giờ sau uống là 130 mg/dL, 135 mg/dL, hoặc 140 mg/dL (7,2 mmol/L, 7,5 mmol/L, 7,8 mmol/L) tiếp tục với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g.

Bước 2: Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g (100-g OGTT): Nghiệm pháp phải được thực hiện khi bệnh nhân đang đói: Bệnh nhân nhịn đói, uống 100 gam glucose pha trong 250-300 ml nước, đo glucose huyết lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, sau khi uống glucose.

Chẩn đoán tiểu đường thai kỳ khi ít nhất có 2 trong 4 giá trị mức glucose huyết tương bằng hoặc vượt quá các ngưỡng sau đây:

Bảng: Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ đối với phương pháp 2 bước.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo
Tiêu chí chẩn đoán của Carpenter/ Coustan Tiêu chí chẩn đoán theo National Diabetes Data Group
Lúc đói 95 mg/dL (5,3 mmol/L) 105 mg/dL (5,8 mmol/L)
Ở thời điểm 1 giờ 180 mg/dL (10,0 mmol/L) 190 mg/dL (10,6 mmol/L)
Ở thời điểm 2 giờ 155 mg/dL (8,6 mmol/L) 165 mg/dL (9,2 mmol/L)
Ở thời điểm 3 giờ 140 mg /dL (7,8 mmol/L) 145 mg/dL (8,0 mmol/L)

Nguy cơ dễ mắc bệnh đái tháo đường khi mang thai

  • Chỉ số cơ thể (BMI) trên 30: thừa cân, béo phì.
  • Trên 25 tuổi, đặc biệt từ 35 tuổi trở lên là yếu tố nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ.
  • Mẹ bầu mắc Hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Tiền sử bản thân có đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
  • Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường, đặc biệt là người đái tháo đường thế hệ thứ nhất.
  • Trước đó đã sinh một bé nặng trên 4,1 kg hoặc một thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sinh non, thai dị tật.
  • Chủng tộc: châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao

Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm đối với cả mẹ và con

Khi người mẹ bị tiểu đường thai kỳ, lượng insulin sản sinh không đủ sẽ dẫn đến đường trong máu tăng cao. Điều này sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi từ lúc mẹ mang thai cho tới lúc sinh bé.

Ảnh hưởng đối với người mẹ

Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường. Các tai biến thường gặp là:

  • Tăng huyết áp

Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng: tiền sản giật, sản giật, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non…

  • Nhiễm khuẩn niệu

Thai phụ mắc tiểu đường trong thai kỳ nếu kiểm soát glucose huyết tương (đường trong máu) không tốt dễ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu (tiết niệu). Nếu không được điều trị sẽ dễ dàng dẫn tới viêm đài bể thận (nhiễm trùng thận) cấp, từ đó gây ra rất nhiều các tai biến khác như nhiễm ceton, sinh non, nhiễm trùng ối.

  • Đa ối

Dịch ối nhiều thường bắt đầu thấy từ tuần thứ 26 – 32 của thai kỳ. Dịch ối nhiều cũng làm tăng nguy cơ sinh non ở thai phụ.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo
  • Sinh non

Thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non. Các nguyên nhân dẫn đến sinh non là do kiểm soát glucose huyết muộn, nhiễm trùng tiết niệu, v.v…

  • Sẩy thai và thai lưu

Phụ nữ mắc đái tháo đường trong thai kỳ tăng dễ có nguy cơ sảy thai tự nhiên.

  • Ảnh hưởng về lâu dài tới sức khoẻ người mẹ

Qua nhiều nghiên cứu, các phụ nữ có tiền sử tiểu đường thai kỳ rất dễ diễn tiến thành đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai. Ngoài ra, họ sẽ có nguy cơ bị đái tháo đường trong những lần mang thai tiếp theo. Họ cũng dễ bị béo phì, tăng cân quá mức sau sinh nếu không có chế độ ăn và luyện tập thích hợp.

Ảnh hưởng đối với thai nhi

Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ.

  • 3 tháng đầu thai kỳ

Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sẩy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh. Những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 7 của thai kỳ.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo
  • 3 tháng cuối thai kỳ

Vào 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi có thể tăng tiết insulin, tăng trưởng quá mức và thai to.

  • Sau sinh

Sau khi được sinh ra, em bé dễ bị hạ glucose huyết tương và gặp các bệnh lý chuyển hoá khác. Tỷ lệ này chiếm khoảng từ 15% – 25% các trường hợp. Trẻ sơ sinh còn dễ bị hội chứng nguy kịch hô hấp (tỷ lệ khoảng 10% các ca). Tỷ lệ hồng cầu của các bé cũng tăng do mẹ mắc bệnh khi mang thai. Ngoài ra, bé dễ bị vàng da sơ sinh, xảy ra khoảng 25% ở các trường hợp.

Nguy hiểm nhất là khả năng tử vong sau sinh của các em bé này sẽ cao hơn các em bé khác.

  • Ảnh hưởng về lâu dài tới con trẻ

Gia tăng tần suất trẻ béo phì và rối loạn tâm thần – vận động. Trẻ có nguy cơ mắc bệnh này gấp 8 lần khi đến 19 đến 27 tuổi.

Chế độ ăn uống khi bị đái tháo đường thai kỳ

  • Ăn sáng đầy đủ: Bữa sáng có thể là ngũ cốc nguyên hạt, một quả trứng luộc và một hộp sữa chua.
  • Uống từ 6~8 ly nước trong ngày.
  • Ăn ít tinh bột, đường.
  • Có thể ăn thoải mái các loại rau củ không tinh bột. Đó có thể là rau diếp, rau cải, cần tây, súp lơ xanh, cà rốt…
  • Thực phẩm giàu protein như thịt lợn, gà, bò.., trứng, đậu và các sản phẩm được chế biến từ sữa.
  • Ăn thực phẩm có nhiều chất xơ: như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, đậu bắp…
  • Sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật. Ví dụ: dầu oliu, dầu hướng dương, các loại hạt…
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều carbonhydrat đơn. Ví dụ như bánh mì, bánh ngọt, cơm trắng, xôi, nước ngọt, kẹo…
  • Tránh ăn loại có chứa nhiều chất béo bão hòa như: xúc xích, thịt xông khói…

Tiểu đường là điều không mẹ bầu nào mong muốn mắc phải khi mang thai. Các chị em cần chuẩn bị cho mình một lối sống khoẻ mạnh để phòng tránh căn bệnh này. Cách nhận biết sớm các biểu hiện tiểu đường thai kỳ cũng rất quan trọng. Đồng thời, mẹ bầu hãy kiểm tra thai định kỳ để kiểm soát tiểu đường thai kỳ và các biến chứng nhé.

Xem thêm:

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Thanh Hằng