3 bệnh trẻ em mùa Tết mà bé thường gặp phải là: viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa và tai nạn sinh hoạt. Dù bận rộn nhưng phụ huynh hãy để ý con trong những ngày này nhé!
theAsianparent Việt Nam giới thiệu bài viết của Thạc sĩ – Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Chuyên gia dinh dưỡng, Giảng viên thỉnh giảng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur và Founder tại H&H Nutrition.
Tết là giai đoạn thời tiết chuyển mùa. Nhiệt độ ngoài trời cao hơn mùa đông nhưng vẫn còn se lạnh. Không khí nhộn nhịp mùa lễ hội làm thói quen sinh hoạt và ăn uống của người lớn lẫn trẻ em có sự khác biệt so với ngày thường. Vì đi du lịch và vui chơi ở nhiều nơi nên việc ăn uống không đảm bảo chất dinh dưỡng. Điều này dẫn đến trẻ thường xuyên bị bệnh, đặc biệt là bệnh lý về hệ tiêu hóa và hô hấp. Sau đây là các vấn đề sức khỏe mà con hay gặp khi Tết đến.
Viêm đường hô hấp
Thời tiết lạnh kéo dài vào dịp Tết, đặc biệt là khu vực phía Bắc có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ hô hấp của trẻ. Những bệnh lý hô hấp mà trẻ thường gặp là: viêm mũi, viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, cảm cúm, hạ thân nhiệt,… Đồng thời, thời tiết lạnh sẽ khiến các bệnh lý hô hấp sẵn có như: hen, dãn phế quản,… trở nên trầm trọng hơn.
Không khí lạnh làm cho đường thở của trẻ không được giữ ấm nên thân nhiệt thấp hơn bình thường. Điều này dẫn đến khả năng trẻ bị nhiễm lạnh cao. Không khó bắt gặp hình ảnh bố mẹ chở con ngồi phía trước xe máy đi về quê hoặc đi chơi xa trong mùa Tết. Nếu gia đình không đảm bảo kín gió, cơ thể bé dễ bị hạ thân nhiệt do lạnh.
Bên cạnh đó, thời tiết lạnh cộng với sự phát triển mạnh của các loại vi khuẩn, vi rút làm hệ miễn dịch bị suy yếu. Điều này khiến các bệnh về đường hô hấp dễ lây từ người sang người hơn. Đặc biệt là trong các dịp lễ hội thường xuyên tập trung đông người.
Những cách phòng tránh các bệnh lý về đường hô hấp trong mùa Tết là:
- Cha mẹ nên tiêm ngừa cúm và phế cầu cho trẻ
- Giữ vệ sinh đường hô hấp cho các thành viên trong nhà như: súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, rửa tay với xà phòng thường xuyên.
- Giữ ấm toàn bộ cơ thể trẻ, đặc biệt khi đi ra ngoài trời lạnh
- Tránh bật quạt máy và điều hòa
- Nên uống các loại nước ấm
- Tăng cường rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày
Rối loạn tiêu hóa
Đây là một trong những bệnh trẻ em mùa Tết mà bé thường gặp phải. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là:
- Thức ăn không đảm bảo vệ sinh
- Đồ ăn nấu lại nhiều lần
- Thức ăn bảo quản không tốt
- Ăn uống nhiều nơi có thức ăn không rõ nguồn gốc
- Thiếu rau xanh,…
Tết là thời gian bận rộn vì phải thăm hỏi nhiều họ hàng. Do đó, cha mẹ thường cho con ăn tạm các món ngày Tết vì không có nhiều thời gian chuẩn bị. Những món ăn này chứa nhiều tinh bột, đường và dầu mỡ như: bánh chưng, lạp xưởng, bánh kẹo,… khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Hậu quả là con sẽ bị tiêu chảy, nôn ói, nhiễm khuẩn đường ruột và táo bón.
Các biện pháp đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em trong mùa Tết cũng như phòng chống táo bón, rối loạn tiêu hóa là:
- Thức ăn nên có nguồn gốc rõ ràng và được chế biến an toàn
- Không nên nấu lại đồ ăn nhiều lần
- Cần ăn chín uống sôi
- Rửa tay trước khi ăn
- Kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ: Không nên cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt hoặc ăn các món có nhiều chất béo
- Bổ sung thêm trái cây và rau xanh trong khẩu phần ăn của bé
- Cho trẻ uống đủ nước lọc
Tai nạn sinh hoạt
Trong các ngày Tết, những cuộc nhậu của các bậc phụ huynh diễn ra thường xuyên dẫn đến tai nạn giao thông xảy ra nhiều hơn. Dù có chở theo trẻ nhỏ hay không thì cha mẹ không nên uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Tết đến có biết bao nhiêu việc phải làm như: dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc, nấu ăn chuẩn bị cho 3 ngày Tết âm,… khiến cha mẹ bận rộn và bất cẩn khi chăm bé. Điều này sẽ dẫn đến một số hậu quả xảy ra với con như: bỏng, đuối nước, tai nạn do té ngã,…
Hóc dị vật là một trong những tình huống thường gặp trong những ngày Tết và làm số ca nhập viện cấp cứu vì tai nạn sinh hoạt tăng cao. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ thích tò mò và khám phá thế giới. Con thường cho những vật lạ vào miệng để nếm thử nên dễ bị hóc và sặc. Các vật bé hay hóc là: vỏ của các loại hạt (hướng dương, hạt bí, hạt dưa), thạch trái cây các loại, bánh kẹo, các loại xương, đồng xu, đồ chơi,… Dị vật dù nhỏ hay to cũng có khả năng bám vào niêm mạc cổ họng hoặc lấp vào đường thở của con. Đây là một điều vô cùng nguy hiểm!
Theo Bộ Y Tế, những cách để phòng tránh tai nạn sinh hoạt xảy ra với trẻ nhỏ là:
- Luôn có người chăm sóc và bên cạnh khi trẻ ăn, ngủ, chơi
- Không để trẻ lật, bò, đi, nằm một mình mà không có sự giám sát của người lớn
- Không để trẻ em dưới 10 tuổi trông trẻ nhỏ
- Các bậc phụ huynh khi lái xe cần tỉnh táo, không nên uống rượu bia
- Các loại thức ăn cho trẻ ăn cần được lóc xương cẩn thận
- Tập cho bé ngồi đúng tư thế khi ăn
- Không đùa giỡn khi nhai nuốt thức ăn
- Các loại thạch khi cho trẻ ăn cần được đút bằng muỗng
- Không để trẻ tự bóc vỏ và nhai nuốt vì bé sẽ dễ bị nghẹn và cha mẹ khó lấy dị vật ra
Lời kết
Không khí mùa Tết náo nhiệt và bận rộn nên các bậc phụ huynh thường có ít thời gian chăm sóc cho trẻ nhỏ. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề về sinh hoạt và ăn uống để phòng tránh các bệnh trẻ em mùa Tết.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em
- Cách phòng bệnh hô hấp cho con đơn giản nhưng hiệu quả khi giao mùa
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì để hết tiêu chảy, giảm đau bụng và ngon miệng hơn?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!