Táo bón là hiện tượng thường gặp ở trẻ em, xảy ra ở nhiều độ tuổi. Trong đó, bé 5 tuổi bị táo bón là trường hợp xảy ra phổ biến hơn cả. Vậy, bố mẹ nên làm thế nào để giúp bé tránh xa tình trạng này?
Táo bón – “người bạn” không mời mà đến
Tất nhiên, từ già đến trẻ, không ai muốn “kết thân” với “người bạn” này cả! Nhưng sự thật là bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị bệnh táo bón.
Táo bón không phải hoàn toàn là bệnh. Đây là tình trạng bé đi đại tiện không thường xuyên mà phân rất ít, rắn và khô. Một nghiên cứu cho thấy: hiện nay, hơn 30% trẻ em bị táo bón.
Bé 5 tuổi bị táo bón thường có biểu hiện gì?
Tần suất đại tiện không thường xuyên
Mỗi độ tuổi sẽ có tần suất đại tiện khác nhau. Trong một tuần, nếu trẻ dưới 1 tuổi đi đại tiện ít hơn 2 lần, khả năng bị táo bón là rất lớn. Bé 5 tuổi bị táo bón khi tần suất đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần.
Nếu không kịp thời phát hiện, bé bị táo bón lâu ngày sẽ dẫn đến hiện tượng đi ngoài ra máu. Thậm chí, bé không thể đi đại tiện được nếu không có công cụ trợ giúp.
Tình trạng phân bất thường
Bị táo bón, phân bé thường có màu thẫm, khô cứng, vón cục to hơn bình thường. Phân có dạng xúc xích với nhiều đường rạn trên bề mặt, hoặc lổn nhổn như hạt. Vì thế, bé thường có các dấu hiệu chướng bụng, cứng bụng và khó khăn trong việc đi ngoài. Điển hình là bé sẽ cần rặn mạnh trong khi đi đại tiện hay có cảm giác đi hoài không hết.
Tâm trạng không ổn định quanh thời gian đi đại tiện
Quấy khóc, căng thẳng và thậm chí sợ hãi là tâm lí thường thấy ở bé khi bố mẹ cho đi đại tiện. Hoặc bé có luôn cảm giác tắc nghẽn hậu môn, trực tràng. Bé bị táo bón cũng hay đau bụng quanh rốn, tái đi tái lại nhiều lần.
Bé 5 tuổi bị táo bón xuất phát từ nguyên nhân gì?
Táo bón được chia thành 2 loại: táo bón bệnh lý và táo bón chức năng. Hơn 90% táo bón ở bé là táo bón chức năng.
Do cơ thể tự nhiên của bé
Một số bé nhu động ruột chậm gây nên táo bón.
Hành vi nín giữ phân
Có nhiều lí do khiến trẻ “bỏ qua” việc đi đại tiện này. Đó có thể là do đang mải chơi say sưa, đang thích thú với một món đồ hoặc thậm chí đơn giản là lười đi. Việc nín giữ phân khiến phân tích tụ lại, to hơn, cứng hơn. Khi đi đại tiện, bé sẽ rất đau. Đi lần sau đau hơn lần trước nên bé càng không muốn đi.
Chế độ ăn uống
Chất xơ rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh táo bón. Bé 5 tuổi thường ít có hứng thú với thực phẩm giàu chất xơ. Bé chỉ có hứng thú với thức ăn nhanh, món chiên rán. Đây là những thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo và rất it chất xơ. Ăn những thực phẩm này nhiều sẽ làm phân bé bị khô, khó khăn khi đi đại tiện. Do đó, tỉ lệ bị táo bón càng cao hơn
Chế độ sinh hoạt
Bé 5 tuổi là độ tuổi đang học mẫu giáo. Chưa thích nghi kịp với môi trường mới, bé cảm thấy ngại ngùng nhiều thứ. Ngại đi vệ sinh ở trường học cũng là một ví dụ thường gặp.
Việc bé ngồi lâu một chỗ cũng khiến khả năng táo bón tăng lên. Khi đã say sưa với một phim hoạt hình hay chú ý vào nhân vật trong trò chơi, bé sẽ không muốn làm bất cứ điều gì khác.
Tác nhân khác
Khi bị bệnh, bé thường phải bổ sung nhiều loại vitamin, khoáng chất, kháng sinh. Bên cạnh tác dụng chính là hỗ trợ phục hồi cơ thể và kháng bệnh, những sản phẩm này thường kèm theo nhiều tác dụng phụ. Và gây táo bón cho bé là tác dụng phụ dễ nhận biết nhất.
Các bệnh về đường tiêu hóa như sa trực tràng, trực tràng bẩm sinh, bệnh lý xung quanh hậu môn, … cũng là nguyên nhân khiến bé bị táo bón.
Gợi ý 3 cách bố mẹ nên làm khi có bé 5 tuổi bị táo bón
Thay đổi chế độ ăn lành mạnh
500ml sữa, uống đủ 1200ml nước mỗi ngày rất cần thiết với bé 5 tuổi. Song song đó, mẹ cũng nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày các loại trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên cám. Đu đủ, cam, quýt, bưởi, chuối, bơ, súp lơ, mồng tơi, rau dền, … và các loại đậu đỗ hỗ trợ chống táo bón rất tốt.
Tập thói quen đi đại tiện
Táo bón là do bé ngại đi đại tiện. Chính vì thế, bố mẹ nên giúp bé vượt qua nỗi e ngại này. Kiên nhẫn tập cho bé thói quen đi đại tiện hàng ngày, bố mẹ sẽ thấy bé thay đổi tốt hơn rất nhiều. Thời gian đầu bé sẽ có phản ứng nhăn nhó, khó chịu, không hợp tác. Bố mẹ đừng la mắng khiến bé thêm áp lực nhé! Cứ 3-5 phút mỗi ngày, bé sẽ “tạm biệt” bệnh táo bón nhanh thôi.
Tăng cường vận động
Bố mẹ nên tạo điều kiện để bé được vận động nhiều hơn, tránh ngồi lâu một chỗ. Các hoạt động vui chơi, khám phá sẽ kích thích tuần hoàn, tăng cường nhu động đại tràng.
Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu bị táo bón, bé nên được đưa đi gặp bác sĩ để có định hướng giải quyết kịp thời, tránh hậu quả về sau nhé!
Xem thêm:
- Cẩm nang phát triển bé 5 tuổi giúp cha mẹ nuôi dạy con hiệu quả
- Bệnh táo bón ở trẻ em: trị dứt điểm để bé ăn ngoan chóng lớn
- Trẻ bị táo bón – Khi nào mới cần thụt hậu môn?