Chế độ dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng, giúp thai nhi phát triển và mẹ bầu có sức khỏe tốt nhất trong suốt hành trình thai nghén. Ở những tuần đầu mang thai, mẹ bầu nên bổ sung dinh dưỡng thế nào để thai nhi có sự phát triển toàn diện? Mẹ đã biết bầu 6 tuần nên ăn uống gì chưa?
Sự phát triển của thai nhi 6 tuần tuổi và những thay đổi của cơ thể mẹ
Thai 6 tuần mới đi vào làm tổ trong buồng tử cung của người mẹ. Cơ thể bé có kích thước bằng 1 hạt đậu và uốn cong hình chữ C. Tim thai đã bắt đầu hoạt động với tốc độ khoảng 150 nhịp/phút. Các chi tiết trên khuôn mặt bé đang dần hình thành, với các điểm tối sẫm chính là nơi sẽ trở thành đôi mắt, các hốc sau này là lỗ mũi và các chỗ lõm đánh dấu vị trí tai của bé. Đầu chi nhú ra, chính là các phần sẽ trở thành tay và chân giờ lại càng rõ ràng hơn. Các mô xương và cơ cũng đang phát triển. Thêm vào đó, tuyến yên, là bộ phận có chức năng giải phóng các hormone, đang hình thành, cùng với phần còn lại của não bộ.
Ở tuần thứ 6 của thai kỳ, mẹ có thể nhận thấy bản thân cũng có 1 vài thay đổi bên cạnh 2 vạch kẻ trên que thử thai. Tâm trạng mẹ dễ biến động hơn do sự lên xuống thất thường của hormone. 1 số loại thức ăn trước đây mẹ vẫn ăn hoàn toàn bình thường nay trở nên khó ngửi, làm mẹ khó chịu. Đây là phản ứng của cơ thể nhằm bảo vệ thai nhi trước các tác nhân gây hại nên mẹ không có gì phải quá lo lắng nhé.
Mẹ bầu 6 tuần nên ăn uống gì?
3 tháng đầu là giai đoạn phát triển quan trọng của thai nhi, do đó chị em cần chuẩn bị cho mình 1 chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh ngay từ trước khi mang thai. Tuần thứ 6 là thời điểm khá sớm nên mẹ chưa cần ăn nhiều hơn như trong 2 tam cá nguyệt tiếp theo với lượng khoảng 2.000kcal/ngày. Đồng thời mẹ nên chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng sau:
Thực phẩm giàu folic acid/folate
Folic acid/folate là chất không thể thiếu trong suốt hành trình mang thai của bất cứ phụ nữ nào. Acid này có vai trò quan trọng giúp thai nhi hình thành và phát triển tốt, hạn chế nguy cơ dị tật ống thần kinh, nhất là trong giai đoạn sớm của thai kỳ.
Phụ nữ mang thai được khuyến cáo bổ sung 400mg folic acid/ngày trong 12 tuần đầu mang thai. Thực phẩm dồi dào acid folic cho mẹ là:
- Rau màu xanh
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Các loại đậu
- Cam, bưởi
- Sữa chua…
Thực phẩm chứa nhiều sắt
Phụ nữ mang thai cần lượng sắt nhiều gấp đôi bình thường. Mẹ bầu bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, có nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân… Sắt có nhiều trong:
- Thịt bò
- Hoa quả sấy khô
- Ngũ cốc
- Bánh mì
- Các loại hạt…
Bầu 6 tuần nên ăn uống gì để thai nhi có hệ xương vững chắc – Thực phẩm giàu canxi
Canxi góp phần không nhỏ cho sự phát triển của thai nhi, hỗ trợ sự phát triển hệ xương và răng của trẻ. Mẹ bầu cũng có nguy cơ loãng xương và các bệnh răng miệng cao hơn nếu không bổ sung đủ canxi khi mang thai.
1 số loại thực phẩm giàu canxi cho mẹ bầu 6 tuần là:
- Đậu nành
- Sữa và chế phẩm từ sữa
- Cải xoong, bông cải xanh…
Thực phẩm nhiều protein
Nhiều mẹ cho rằng thời gian đầu thai kỳ không cần bổ sung nhiều chất đạm, tuy nhiên trên thực tế protein là không thể thiếu. Nếu cơ thể tiêu thụ đủ protein thì cơ bắp mới phát triển bình thường, đảm bảo nguồn cung cấp máu đến thai nhi. Theo các chuyên gia, mẹ bầu nên cung cấp khoảng 100g protein mỗi ngày.
Các thực phẩm giàu protein gồm:
- Trứng
- Sữa các loại
- Hải sản
- Thịt các loại
- Quả chà là, quả chuối…
Mẹ bầu 6 tuần nên ăn thêm thực phẩm nhiều chất xơ, uống đủ nước
Hoa quả, trái cây cung cấp lượng chất xơ dồi dào cho cơ thể, giúp tăng cường nhu động ruột, tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ bầu. Trong thời gian đầu mang thai, mẹ cũng nên lưu ý uống đủ nước (nước lọc, nước ép hoa quả, sữa…).
Uống đủ nước khi mang thai mang lại nhiều lợi ích bất ngờ hơn mẹ nghĩ. Nước là thành phần không thể thiếu cho các hoạt động của cơ thể. Thay vì uống quá nhiều nước 1 lúc, chị em nên uống đủ nước và bổ sung đúng cách để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi và ổn định sức khoẻ của mẹ bầu.
Nguyên tắc dinh dưỡng mẹ nên tuân thủ khi mang thai 6 tuần
Không chỉ lựa chọn thực phẩm để thai nhi có tiền đề phát triển, chị em mang thai cũng cần nhớ 1 số lưu ý sau:
- Ăn uống chất lượng không có nghĩa là ăn nhiều, không nên có tâm lý “ăn cho 2 người”, nhất là trong 3 tháng đầu
- Đảm bảo thực đơn hằng ngày có đủ các nhóm chất dinh dưỡng như đạm, canxi, chất béo, chất xơ…
- Tránh ăn các thực phẩm có hại cho sức khỏe như hàu sống, sushi, thực phẩm tái/sống, sữa chưa tiệt trùng, cá nhiều thủy ngân (cá ngừ, cá kiếm)… vì những loại thức ăn này có chứa nhiều vi khuẩn gây hại, không tốt cho sự phát triển, nhất là trí não của thai nhi
- Không nên ăn kiêng khi mang thai: Giảm cân không đơn giản là giảm cân nặng của cơ thể mà còn ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi. Ngược lại, tăng cân đều đặn là dấu hiệu cho thấy thai nhi trong bụng khỏe mạnh. Mẹ bầu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ giúp thai nhi ra đời khỏe mạnh.
- Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ: Thay vì ăn 3 bữa chính, mẹ có thể chia thành các bữa ăn nhỏ để hạn chế cảm giác khó chịu, buồn nôn, chán ăn, ợ nóng khi mang thai…; tránh ăn nhiều đồ ăn vặt vì chứa lượng calo lớn nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!