Ăn bắp cải mất sữa có phải là quan niệm đúng và đã được khoa học chứng thực? Nếu đúng thật như vậy thì mẹ có nên loại bỏ nguyên liệu này? Còn việc đắp bắp cải thì sao?
Giá trị dinh dưỡng của bắp cải
Bắp cải là nguyên liệu chế biến món ăn rất phổ biến trong các bữa ăn gia đình. Thành phần dinh dưỡng và lượng vitamin trong bắp cải nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt và 3,6 lần so với khoai tây. Ngoài ra, vitamin A và P trong cải bắp kết hợp với nhau làm cho thành mạch máu bền vững hơn. Trong cải bắp còn có các chất chống ung thư như sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và indol-33 carbinol.
Sau sinh, mẹ bỉm sữa chắc hẳn rất quan tâm đến chế độ dinh dưỡng để đảm bảo nguồn sữa dồi dào cho bé. Và một trong những thắc mắc hay gặp phải là ăn bắp cải có bị mất sữa không. Cùng tìm hiểu về vấn đề này trong phần tiếp theo nhé.
Quan niệm ăn bắp cải mất sữa mẹ có thật không?
Cho đến hiện tại, niềm tin ăn bắp cải mất sữa vẫn chỉ đang là giả thiết và được nhiều người nghe theo dựa vào kinh nghiệm người xưa. Chưa có một nghiên cứu chính thống nào được thực hiện nhằm tìm hiểu về ăn bắp cải có mất sữa không.
Tuy nhiên, bắp cải mang tính hàn, và ăn một loại thực phẩm quá nhiều cũng không phải là điều nên làm, sẽ có thể khiến cho mẹ dễ bị lạnh bụng. Còn nếu ăn uống điều độ, hợp lý và khoa học thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ và không làm mẹ mất sữa.
Nếu mẹ nhận thấy bản thân bị ít hay dần mất sữa, thì hãy quan sát và nhìn nhận ở khía cạnh rộng hơn. Ví dụ như có bị căng thẳng sau sinh không? Có đang dùng thuốc nào không? Chế độ ăn uống có thật sự đang cân bằng và hợp lý? Có rất nhiều nguyên nhân gây mất sữa, và mẹ nên tìm hiểu để xác định được chính xác lý do.
Vậy đắp bắp cải có bị mất sữa không?
Nói đến bắp cải và thai phụ thì ông bà ta có ba quan niệm sau:
- Ăn bắp cải bị mất sữa
- Xay bắp cải lấy nước uống, còn bã thì dùng đắp vào chỗ đau nhức giúp giảm đau, mẹ sau sinh dễ vận động.
- Đắp lá bắp cải có tác dụng làm giảm tình trạng căng bầu vú sau sinh.
Quan niệm thứ hai và thứ ba cũng chưa hoàn toàn được kiểm chứng bởi các nghiên cứu khoa học. Nhưng nhìn chung, phản hồi từ nhiều bà mẹ bỉm sữa là tương đối tích cực. Và tuỳ vào cơ địa của từng người, sẽ có người hợp và người khác thì lại không hoàn toàn thấy tác dụng.
Mặc dù vậy, nếu lạm dụng, tác dụng sẽ không còn tốt. Tức là nếu đắp lá bắp cải để cải thiện tình trạng căng tức ngực, thì khi đã đạt kết quả, mẹ không nên làm tiếp. Nếu tiếp tục sử dụng áp lá bắp cải lạnh trên ngực sau khi đã giảm sưng và căng tức thì có thể khiến giảm nguồn sữa mẹ. Và chắc chắn đây không phải là điều mẹ mong muốn.
Thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế khi cho con bú
- Cá: tránh cá có hàm lượng thủy ngân cao.
- Rượu: An toàn nhất vẫn là kiêng hoàn toàn. Nếu uống thì nên hỏi tư vấn bác sĩ để biết hàm lượng cho phép.
- Các loại thảo mộc: hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng.
- Caffeine và socola: tiêu thụ một lượng nhiều hơn cho phép có thể kích thích em bé.
- Sữa bò: em bé có thể không dung nạp thực phẩm với protein trong sữa bò.
- Đậu nành: cũng như trên, em bé có thể không dung nạp thực phẩm với protein trong đậu nành.
- Thực phẩm có tín hàn như khổ qua, lá dâu tằm,…
- Thức ăn nhanh với nhiều dầu mỡ vì chiên rán
Nhìn chung, có rất ít thực phẩm cần hạn chế và có rất nhiều lựa chọn trong nguyên liệu trong chế biến bữa ăn cho mẹ. Điều quan trọng là mẹ phải hiểu cơ thể mình và quan sát phản ứng của bé sau khi bú. Vì mỗi em bé là khác nhau, và một vài bé sẽ khá nhạy cảm hơn hẳn đối với một số loại thực phẩm.
Xem thêm:
- Mẹ nên ăn gì để sữa luôn đặc và mát cho bé bú mau tăng cân?
- Ăn lá lốt mất sữa – sự thật hay chỉ là lời đồn vô căn cứ?
- Bảng ml sữa chuẩn cho bé theo cân năng và độ tuổi giúp con tăng trưởng tốt mỗi ngày
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!