Nhiều mẹ thắc mắc không biết tần suất siêu âm như thế nào là hợp lý và 1 tuần siêu âm 2 lần có sao không. Tất cả sẽ có trong bài viết sau đây, mời mẹ cùng theAsianparent tìm hiểu nhé!
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Câu hỏi: Thời điểm siêu âm lần đầu tốt nhất là khi nào? Sự cần thiết của việc siêu âm thai đúng lịch hẹn. Siêu âm nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi hay không?
Trả lời:
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh, TP.HCM:
Siêu âm thai là một trong những kỹ thuật cận lâm sàng rất quan trọng và cần thiết đối với mẹ bầu trong suốt quá trình mang thai. Thời điểm siêu âm thai lần đầu tốt nhất là khi thai được 6 tuần. Tuổi thai được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng. Vì vậy, đối với phụ nữ kinh nguyệt đều 28 ngày thì sau khi trễ kinh 2 tuần, dùng que thử thai cho kết quả 2 vạch thì có thể siêu âm thai lần đầu. Sau đó bác sĩ sẽ hẹn lịch khám thai và siêu âm cho những lần tiếp theo.
Vào mỗi thời điểm khác nhau, bác sĩ sẽ có những chẩn đoán quan trọng mà nếu bỏ qua thì những đánh giá sau khoảng thời gian đó sẽ không còn chính xác. Vì vậy, việc siêu âm thai đúng lịch hẹn rất quan trọng. Nó giúp ích rất nhiều trong việc đánh giá sự phát triển của thai và sự an toàn của cả mẹ bầu và thai.
Trên thực tế chưa có cơ sở chứng minh rằng siêu âm có hại cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, việc lạm dụng siêu âm nhiều lần là không nên. Nó có thể gây hại cho tâm lý của mẹ vì phải căng thẳng với việc kiểm tra sức khoẻ quá nhiều lần, những rủi ro khi đi lại và lãng phí cả về thời gian lẫn tiền bạc của ba mẹ. Nếu thực hiện siêu âm ở mức độ vừa phải trong các giai đoạn thai kỳ quan trọng, sóng siêu âm hoàn toàn không có hại cho mẹ và bé.
Sơ lược về siêu âm thai
Siêu âm thai là phương pháp chẩn đoán y khoa không xâm lấn bằng cách sử dụng những sóng âm tần số cao để thu và phát lại hình ảnh em bé cũng như những cơ quan ở bên trong bụng mẹ. Quy trình siêu âm cơ bản thông thường mất khoảng 15 – 20 phút và bao gồm các bước:
- Bà bầu nằm trên giường, kéo áo lên để lộ bụng
- Sau đó, bà bầu sẽ được thoa một loại gel dẫn sóng lên vùng bụng bầu để sóng siêu âm được truyền tốt hơn
- Bác sĩ đưa đầu dò lên trên lớp gel ở bụng mẹ và hình ảnh bé yêu sẽ ngay lập tức hiện trên màn hình
- Bác sĩ đưa ra kết quả chẩn đoán từ hình ảnh thu được
Lợi ích của siêu âm thai
Siêu âm thai là phát minh vĩ đại của khoa học bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích, giúp mẹ bầu theo dõi thai kỳ một cách chi tiết và chính xác hơn:
- Xác nhận chính xác mẹ có mang thai thực sự hay không
- Kiểm tra vị trí của thai, phát hiện trường hợp thai ngoài tử cung để có hướng xử lý kịp thời
- Xác định tuổi thai để theo dõi các mốc phát triển quan trọng trong thai kỳ và dự kiến ngày sinh
- Phát hiện trường hợp đa thai
- Theo dõi sự chuyển động, nhịp thở, nhịp tim và sự phát triển của thai nhi
- Đánh giá nhau thai và nước ối
- Xác định dị tật bẩm sinh
- Tìm hiểu nguyên nhân của các triệu chứng bất thường mẹ gặp phải trong thai kỳ
- Thực hiện các xét nghiệm tiền sản như chọc ối hoặc lấy mẫu lông nhung màng đệm,…
- Xác định vị trí của thai trước khi sinh
- Nhiều thai phụ muốn siêu âm chỉ đơn giản là để gặp con
1 tuần siêu âm 2 lần có sao không?
Do siêu âm không gây ra khó chịu gì cho cơ thể nên nhiều mẹ muốn thực hiện thường xuyên chỉ để ngắm con, xem con phát triển như thế nào,… Thế nhưng, siêu âm nhiều có tốt không và 1 tuần siêu âm 2 lần có sao không?
Một vài nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng sóng âm có thể làm giảm thính lực của thai nhi. Tuy nhiên, các nhà khoa học và bác sĩ cam đoan rằng, sóng âm có cường độ quá thấp để có thể ảnh hưởng đến thai nhi hoặc người mẹ.
Ngoài ra, phương pháp này cũng không khiến em bé bị chói mắt hay đau đớn gì khi thực hiện cả. Vì vậy, có thể nói, 1 tuần siêu âm 2 lần là không sao cả do siêu âm là phương pháp có độ an toàn cao, không gây ảnh hưởng tới thai nhi.
Tuy không gây hại gì đến em bé, nhưng các chuyên gia cho rằng, việc siêu âm quá nhiều lần có thể khiến bà bầu cảm thấy căng thẳng hơn về các chỉ số phát triển của thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu không nên quá lạm dụng phương pháp siêu âm, vừa tốn thời gian, tiền bạc mà lại không cần thiết.
Khoảng cách giữa 2 lần siêu âm như thế nào là hợp lý?
Nếu thai kỳ không có gì bất thường, mẹ bầu chỉ cần siêu âm 3 – 5 lần là đủ.
Lần 1: Kiểm tra xem mình đã thực sự cấn bầu hay chưa
Sau khi thấy mình có các dấu hiệu thụ thai và que thử thai đã có kết quả 2 vạch, các mẹ sẽ tiến hành đi siêu âm để kiểm tra xem chính xác mình đã mang bầu hay chưa. Ngoài ra, siêu âm giai đoạn này còn giúp bác sĩ chẩn đoán xem vị trí thai nằm ở đâu, số lượng thai là bao nhiêu, thai có bình thường không, ngày dự sinh là khi nào,…
Lần 2 (15 – 20 tuần) xác định chính xác tuổi thai
Đây là giai đoạn giúp mẹ một lần nữa xác định chính xác tuổi thai nhi cũng như ngày dự sinh. Ngoài ra, bác sĩ siêu âm lúc này cũng sẽ tiến hành đo độ mờ da gáy của thai nhi để sàng lọc dị tật ống thần kinh và xem bé có nguy cơ mắc hội chứng Down trong thai kỳ hay không.
Lần 3 (21 – 25 tuần) theo dõi thai
Giai đoạn này, mẹ cần siêu âm để tiếp tục theo dõi sự phát triển của thai thông qua các chỉ số như chiều dài tay chân, đường kính sọ não, các cơ quan nội tạng,… Ngoài ra bác sĩ cũng sẽ khảo sát hình thể của thai nhi xem bé có mắc các dị tật như sứt môi, hở hàm ếch,… hay không.
Lần 4 (32 -36 tuần) khảo sát môi trường bên trong bụng mẹ
Ở lần siêu âm này, bác sĩ sẽ đánh giá sự phù hợp giữa độ tuổi với sự phát triển của thai nhi, đồng thời khảo sát bánh nhau, ngôi thai, khối lượng nước ối,… để xem môi trường có thuận lợi cho thai phát triển bình thường hay không.
Lần 5 (Sau 39 tuần)
Đây là thời điểm mẹ sắp sinh, siêu âm lúc này giúp bác sĩ kiểm tra lượng nước ối và tình trạng sức khỏe của thai nhi, đồng thời xác định vị trí thai trước khi sinh.
Vừa rồi là những thông tin để trả lời cho câu hỏi 1 tuần siêu âm 2 lần có sao không. Dù không gây hại gì nhưng mẹ cũng không cần thiết phải siêu âm thường xuyên để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc mẹ nhé.
Xem thêm:
- Siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ làm tăng nguy cơ tự kỷ ở trẻ
- Trước khi siêu âm thai có được ăn gì không và những lưu ý mẹ tuyệt đối phải nhớ!
- Siêu âm thai kỳ và 5 lưu ý quan trọng mẹ bầu cần chuẩn bị khi đi siêu âm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!