Vỡ ối non thường xảy ra trước tuần thai 37. Mẹ bầu cần nắm vững các dấu hiệu ối vỡ sớm, cách xử lý, phòng ngừa dưới đây để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Ối vỡ non ảnh hưởng tới thai nhi như thế nào?
Nước ối còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc hít thở, sự phát triển cân đối của tứ chi, lồng ngực và đặc biệt là phổi của thai nhi. Chính vì vậy mà vỡ ối sớm là một tai biến thai kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như tính mạng của thai nhi.
Có nhiều nguyên nhân khiến túi ối bao bọc thai nhi bị vỡ. Trường hợp túi ối bị vỡ trước khi thai nhi được 37 tuần, thường được gọi là vỡ ối non. Theo các số liệu nghiên cứu cho thấy, 50% trường hợp vỡ ối sau 37 tuần sẽ tự chuyển dạ trong vòng 5 giờ. Nếu vỡ ối ở tuần thứ 32 – 34 trung bình 4 ngày sau sẽ chuyển dạ và 93% trường hợp đẻ trong vòng 1 tuần .
Do đó mà nếu hiện tượng vỡ ối non kéo dài có thể đe dọa tới tính mạng của thai nhi như gây nhiễm khuẩn ối, nhiễm khuẩn hậu sản, suy hô hấp sơ sinh, nhiễm khuẩn sơ sinh, hoặc thai nhi bị thiểu sản phổi, biến dạng chi, chèn ép dây rốn, tăng nguy cơ sinh non, …
Làm thế nào để mẹ bầu nhận ra tình trạng vỡ ối non?
Nhiều mẹ bầu thường nhầm lẫn giữa són tiểu và rò ối. Cách nhận biết đơn giản nhất là mẹ cần kiểm tra màu sắc và mùi của dung dịch làm ướt quần lót. Cụ thể là nước tiểu sẽ có màu từ trắng đến vàng, có mùi còn nước ối thì trong và không mùi. Nếu thử bằng giấy quỳ, giấy quỳ chuyển màu xanh đen thì chính là nước ối.
Tuy nhiên nếu mẹ bị vỡ ối thì bản thân mẹ sẽ cảm nhận được rất rõ ràng. Đó là khi mẹ bầu cảm thấy túi ối bục ra, chất dịch tràn nhiều từ vùng kín có màu trắng trong, đôi khi lẫn chút dịch nâu hoặc hồng. Mẹ bầu nên nắm vững các dấu hiệu rỉ ối và vỡ ối này để có cách xử lý kịp thời, đặc biệt với các trường hợp bị vỡ ối non.
Xử lý như thế nào khi có hiện tượng này?
Ngay khi nhận thấy mình bị rỉ ối hoặc vỡ ối (thời điểm trước 37 tuần), mẹ bầu cần nhanh chóng thực hiện theo các hướng dẫn sau nhằm đảm bảo an toàn cho thai nhi:
- Đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời
- Bác sĩ kiểm tra dung dịch ối
- Mẹ bầu được theo dõi dấu hiệu chuyển dạ, cơn gò và dấu hiệu nhiễm trùng ối
Sau đó, tùy vào tình hình vỡ ối của từng thai phụ mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Trong đó phổ biến là phương pháp tiêm thuốc nhằm kéo dài thời gian trưởng thành của thai nhi, đợi đến khi thai nhi có thể chào đời được thì tiến hành chấm dứt thai kỳ bằng phương pháp sinh mổ hoặc gây chuyển dạ bằng truyền oxytocin. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào thời điểm mẹ bầu bị vỡ ối nữa.
Có thể phòng ngừa vỡ ối sớm được không?
Theo Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến – Chuyên khoa sản – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết, dự phòng là biện pháp tốt nhất giúp giảm tai biến vỡ ối cho sản phụ.
Để làm được điều này, lời khuyên tốt nhất mà các bác sĩ dành cho mẹ bầu là bạn cần có một thai kỳ khỏe mạnh, tránh xa các yếu tố có thể gây rủi ro cho thai nhi, cụ thể như sau:
- Mẹ bầu cần tuyệt đối tránh khói thuốc lá hoặc hút thuốc lá
- Tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn trong thai kỳ
- Thực hiện chế độ ăn uống và nghỉ ngơi 1 cách hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng
- Mẹ nên đi khám thai định kỳ và đầy đủ, giúp bác sĩ theo dõi mức nước ối và các biến chứng của nước ối
- Trường hợp mẹ bầu thấy có ra nước âm đạo thì nên đi khám sớm để bác sĩ chẩn đoán và có hướng can thiệp kịp thời
Cuối cùng là, mẹ bầu hãy nhớ luôn luôn giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ bởi đây là cách tốt nhất để góp phần quan trọng trong việc tránh gây ra viêm nhiễm, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào mang ối, đảo bảo an toàn cho sức khỏe của thai nhi.
Xem thêm:
- Làm sao để biết mẹ bầu bị vỡ ối hay chưa? Dấu hiệu vỡ ối như thế nào?
- Chỉ số của nước ối qua các tuần thai và những thắc mắc phổ biến của mẹ bầu về nước ối
- Phân biệt nước ối và nước tiểu, vấn đề quan trọng của mẹ ở cuối thai kỳ
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!