Ngày Tết, không ai muốn sự bất hòa xảy ra cả. Vậy nên có nhiều quan điểm cho rằng, vợ chồng không cãi nhau ngày Tết, cả năm sẽ thuận hòa.
Dịp Tết được xem là cơ hội để các gia đình đoàn tụ, vui chơi và thể hiện tình cảm với nhau trong khoảnh khắc đất trời giao hòa, lòng người cảm động. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian các cuộc chiến giữa vợ chồng hay bùng nổ nhất. Thực ra thì không ai mong muốn đâu. Nhưng vấn đề là chúng ta không thể lo hết đươc. Nguyên nhân thường rơi vào những vấn đề sau.
Biếu quà Tết
Tết là khoảng thời gian tốn kém nhất cho khoản quà cáp. Trong đó khó xử lý nhất là quà tết cho gia đình hai bên. Làm sao để không bội chi mà vẫn có những món quà ý nghĩa cho nội ngoại? Quan trọng là công bằng nữa. Vì người phụ trách phần việc này thường chỉ là người vợ nên đôi khi xảy ra chệch choạc, không như ý, mất lòng và nảy sinh mâu thuẫn ngoài ý muốn.
Chồng muốn biếu bố mẹ vợ những thứ đắt tiền. Trong khi, vơ lại tiết kiệm. Đến khi mang quà sang, quà không đến đâu, nhếch nhác. Chồng lại cáu giận với vợ. Hoặc ngược lại, vợ quên không mua quà Tết cho nhà chồng. Lại cãi nhau…
Khắc phục
Tốt nhất là thống nhất ngân sách đồng đều hai bên. Hãy hỏi ý kiến chồng về ý thích, nhu cầu của cha mẹ chồng và mua đúng như vậy. Đồng thời, thống nhất xem có bao nhiêu tiền để biếu Tết. Chưa kể, còn tiền quà cho sếp. Quà cho nhân viên, biếu xén các thứ… Tết ơi là Tết!
Về quê ăn Tết
Phải ăn tết hai quê là hoàn cảnh chung của rất nhiều gia đình. Khi điều kiện kinh tế không cho phép thì chỉ được chọn một nơi. Hai vợ chồng dù ngày thường luôn nêu cao tinh thần một nhà nhưng khi Tết về, ai cũng thích ăn tết ở nhà mình hơn. Thống nhất năm nay về quê nội hay ngoại luôn là nỗi ám ảnh với nhiều cặp đôi. Việc cãi cọ là tất yếu. Dù kết quả cuối cùng như thế nào thì cũng sẽ có một chút ấm ức.
Khắc phục
Đơn giản nhất là năm chẵn về quê nội. Năm lẻ về quê ngoại. Ngoài ra, nếu gia đình đã có con cái, hãy để con lựa chọn. Khi đó, dù về đâu thì trẻ con cũng vui.
Mẹ chồng
Ngày thường cơm nước, cư xử ra sao cũng được. Nhưng xuân về, nhà cửa phải dọn dẹp. Cơm canh phải ngon lành, đặc sắc. Chưa kể hoạt động giao thiệp nhiều do đón tiếp khách khứa họ hàng. Đây là lúc các cô con dâu dễ lộ khuyết điểm nhất và có lý do để mẹ chồng chê trách. Nếu thỉnh thoảng mới về quê làm dâu, không ít chị em rơi vào tâm trạng… hoảng hốt vì lo sợ.
Còn đối với các gia đình ở thành phố, ngày Tết thường là dịp để các bà mẹ chồng soi xét con dâu. Việc nhà cửa, thăm viếng, chuẩn bị quà cáp… Ngoài ra, ăn uống ra sao, cư xử với chồng con như thế nào cũng là tiêu chí để mẹ chồng xét nét.
Khắc phục
Một năm chỉ có mấy ngày, các nàng dâu hãy cố gắng hết sức, học hỏi, lắng nghe và chăm chỉ. Dù có thể chưa đảm đang như phụ huynh muốn nhưng thiện chí của bạn sẽ được ghi nhận. Hơn nữa, trước Tết, bạn nên tìm hiểu để chuẩn bị một số điều cơ bản. Ví dụ như mua quà, rồi ông Công ông Táo… Hãy nhờ chồng giúp nếu một mình không thể đảm đương được hết.
Mời khách tới nhà
Việc này rất cần thiết. Dù là dịp vui nhưng không ít các cặp vợ chồng đã mất cả Tết chỉ vì mời khách. Khách khứa càng đông thì càng chứng tỏ gia đình được quý mến. Nhưng đồng nghĩa gánh nặng nấu ăn, dọn dẹp sẽ đổ hết lên vai người vợ.
Nếu người chồng không biết chia sẻ và cứ say xỉn từ mùng này sang mùng khác thì không ổn chút nào. Đây cũng là vấn đề gây bất hòa rất nhiều. Không phải cặp vợ chồng nào cũng điều tiết được. Và nhất là Tết nhất rồi, ai lại cầm chừng.
Khắc phục
Chỉ tổ chức những buổi gặp gỡ cần thiết và có khoảng cách giữa các bữa tiệc để có thời gian nghỉ ngơi sau cuộc vui. Hơn nữa, trong mỗi bữa nhậu, hãy biết cữ của mình. Bởi lẽ, Nghị định 100 ra đời khiến cho mức phạt sử dụng rượu bia tăng lên kinh khủng. Vậy nên, có lẽ đánh vào túi tiền là cách sửa nhanh nhất.
Địa điểm đi chơi
Chọn được nơi đi chơi vui vẻ cho cả nhà, an toàn cho bọn trẻ không hề đơn giản. Hơn nữa, do là ngày tết nên mọi điểm du lịch đều rất đông. Dù vui nhưng chắc chắn kèm theo mệt mỏi. Đó là chưa kể vợ thích biển xanh nắng vàng. Chồng lại thích lên núi ngắm thông. Con lại thích ra công viên. Không ai nhường ai cả. Chưa kể, một số trung tâm thương mại lại đóng cửa dịp Tết. Khó nghĩ quá…
Khắc phục
Phụ nữ cần được ưu tiên! Vợ vất vả cả năm chưa đủ hay sao? Nếu không thể thương lượng thì có thể áp dụng hình thức bốc thăm. Khi đi chơi chuẩn bị tâm lý cho những sơ xuất có thể xảy ra, những điều không như ý và bỏ qua tất cả vì mục tiêu chung là vui cả nhà. Tết mà! Đừng quá câu nệ.
Chuyện ấy
Lý do để chuyện ấy trở thành nguyên nhân buồn giận trong ngày xuân là do cả hai quá bận rộn và mệt mỏi. Đến nỗi dù rất mong chờ nhưng hoặc chàng hoặc nàng vì chuyện này, chuyện khác mà phải gác chuyện yêu lại. Chàng có thể quá chén, nàng bận dọn dẹp bãi chiến trường của buổi tất niên…. 1001 lý do để chuyện yêu không như ý muốn, gây thất vọng cho cả hai.
Nhiều lần như vậy khiến cả hai hụt hẫng. Từ đó, việc vợ chồng không cãi nhau ngày Tết trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Khắc phục
Đây là việc cần ưu tiên và hợp tác cao độ. Do đó, cả hai hãy có ý thức dành thời gian, không gian cho việc ấy. Ngoài ra, không hạn chế các động thái khiêu khích và nhắc nhở nếu xét thấy cần thiết. Chuyện yêu không hề là việc cần kiêng cữ như nhiều người tưởng. Ngược lại, càng thể hiện, tận hưởng tình yêu và hạnh phúc đôi lứa ngày đầu xuân, bạn càng nhận được nguồn sinh lực dồi dào, tinh thần sảng khoái và nhiều may mắn ngày đầu năm.
Lời kết
Vợ chồng không cãi nhau ngày Tết, chắc chắn cả năm sẽ thuận hòa. Quan niệm này nên được giữ vững. Bởi lẽ, bất hòa không bao giờ kéo chúng ta lại gần với nhau cả. Chồng giận thì vợ kiệm lời. Hãy nhớ để có một ngày Tết vui vẻ.
Xem thêm:
Tết Nguyên Đán là gì? Những phong tục ngày Tết Nguyên Đán
Cách sắp xếp đồ trong tủ lạnh ngăn nắp, khoa học cho những ngày lễ Tết
Đã có lịch nghỉ tết Nguyên đán 2020: người dân được nghỉ 7 ngày!