Viêm da tiếp xúc là một dạng bệnh da liễu, gây ảnh hưởng đến tâm lý cũng như thẩm mỹ của làn da. Sớm nắm bắt rõ nguyên nhân, dấu hiệu sẽ là tiền đề quan trọng để phòng ngừa và điều trị triệt để căn bệnh này.
Viêm da tiếp xúc là bệnh gì?
Viêm da tiếp xúc hay còn gọi là viêm da là một dạng kích ứng da phổ biến. Bệnh không gây hại tới sức khỏe nhưng sẽ gây khó chịu. Bệnh gây ra do da tiếp xúc với chất gây kích ứng, thường gặp nhất là hóa mỹ phẩm hoặc các loại cây độc.
Bạn có thể yên tâm vì bệnh này không lây truyền và nguyên nhân gây kích ứng sẽ khác với từng người.
Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng thì bệnh nặng hơn. Khi bạn bóc các vảy đi hoặc gãi, chà xát thì có nguy cơ nhiễm trùng hoặc bị chàm hoá. Khi đó sẽ xuất hiện thêm các mụn nước, mụn mủ.
Các triệu chứng bệnh bao gồm khô, đỏ hoặc rộp da; ngứa và hơi khó chịu. Ngứa và rát da dữ dội từ 24 – 36 tiếng sau khi tiếp xúc. Theo sau là các nốt rộp chảy nước kèm theo da đóng vảy và sưng. Chất lỏng trong nốt rộp không lây nhiễm cho người khác. Bạn nên tránh gãi vì có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Những ai có thể bị viêm da dị ứng tiếp xúc?
Viêm da dị ứng do tiếp xúc có thể xảy ra với bất kỳ ai. Bao gồm cả nam, nữ, người lớn và trẻ nhỏ. Đặc biệt là những ai có cơ địa tương đối nhạy cảm. Một số nhóm đối tượng cụ thể dễ mắc chứng viêm da tiếp xúc dị ứng:
- Bệnh xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam trong đó dị ứng với niken, và khoảng thời gian gần đây có nhiều trường hợp được ghi nhận dị ứng với chất acrylate trong nước sơn móng.
- Những người trên 70 tuổi thì tình trạng viêm da dị ứng với thuốc kháng sinh bôi tại chỗ cũng thường xuyên xảy ra.
- Những đối tượng sau cũng dễ mắc tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng như: công nhân tiếp xúc kim loại, thợ làm tóc, thợ sơn, nhân viên vệ sinh, nhân viên chăm sóc sức khỏe…
Nguyên nhân dẫn đến chứng viêm da dị ứng
- Viêm da tiếp xúc có thể xuất hiện sau khi da tiếp xúc với một sản phẩm mới nào đó, hoặc sau khi sử dụng một sản phẩm trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
- Do đeo trang sức có bao gồm niken, sử dụng nước hoa, mỹ phẩm, sơn móng tay, mang giày dép, các sản phẩm có nguồn gốc từ cao su, mà trong đó thành phần hóa học có chất gây dị ứng.
- Do sử dụng một số thuốc gây nên. Ví dụ như thuốc bôi hydrocortisone, thuốc bôi kháng sinh, benzocaine và thimerosal.
- Một trong những nguyên nhân gây viêm da dị ứng tiếp xúc thường gặp nhất được phát hiện đó là độc tố của cây thường xuân, cây sồi và cây sơn. Do có chứa một loại dầu tên là urushiol.
Các điều trị viêm da tiếp xúc
Thông thường, bệnh thường khỏi sau khoảng 2 – 4 tuần không tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên với một số trường hợp thì thời gian bị viêm có thể kéo dài hơn.
Chăm sóc da
Cần kiêng ngâm nước, gãi, chà xát. hạn chế rửa tay. Không tiếp xúc với các chất tẩy rửa, phải đi găng tay nilon trước rồi đi găng tay cao su chồng ra ngoài khi giặt giũ hoặc rửa bát. Nếu bệnh nặng thì kể cả khi gội đầu hoặc tắm cũng phải đi găng tay.
Các loại thuốc điều trị viêm da tiếp xúc
Tại chỗ: bôi một trong các chế phẩm có chứa corticoid như: eumovate, fusidicort, lacticareHC, gentrison… Bôi ngày hai lần trong 1-2 tuần.
Quan trọng là phải bôi một trong các chế phẩm làm mềm da, dịu da như cream vitamin E, lactcare, physiogel… Ngày bôi được nhiều lần, bôi chồng lên nhau, bôi kéo dài.
Uống kháng sinh nếu viêm da đã gây ra nhiễm trùng
Nếu có nhiễm trùng thì phải uống một đợt kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Nếu ngứa nhiều thì uống một trong các thuốc kháng histamin như loratadin, chlopheniramin, phenergan… trong 5-10 ngày.
Bệnh viêm da do tiếp xúc tuy không quá nguy hiểm, nhưng một số trường hợp viêm da có thể càng nặng hơn nếu không chữa trị kịp thời.
Xem thêm
- Bé bị viêm da dị ứng thời tiết – Cách phòng ngừa và điều trị
- Bối rối ngại ngùng vì ngứa vùng kín? Nguyên nhân do đâu và cách khắc phục như thế nào?
- 9 cách để duy trì năng lượng tích cực, giúp bạn lạc quan mùa dịch bệnh Covid-19
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!