Có nhiều nguyên nhân khiến vết khâu tầng sinh môn bị lồi. Vậy hiện tượng này có nguy hiểm không và phải làm sao để khắc phục? Mời bạn đọc cùng theAsianparent tìm hiểu những thông tin về cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn để vết khâu được nhanh lành và không để lại biến chứng nhé.
Vì sao phải rạch tầng sinh môn khi sinh con?
Tầng sinh môn là bộ phận nằm giữa âm đạo và hậu môn của phụ nữ, giúp bảo vệ và nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu. Nếu mẹ gặp khó khăn trong quá trình sinh thường do em bé quá to, tầng sinh môn có thể bị rách và làm tổn thương đến bộ phận sinh dục. Trong trường hợp này, để an toàn, bác sĩ sẽ phải tiến hành rạch tầng sinh môn trước để giúp bé được sinh ra dễ dàng và đảm bảo an toàn hơn.
Nguyên nhân khiến vết khâu tầng sinh môn bị lồi
Thông thường, vết khâu tầng sinh môn sẽ nhanh chóng lành và trở lại bình thường mà không gây biến chứng hay ảnh hưởng gì đến sức khỏe mẹ. Tuy nhiên, một số mẹ lại gặp phải tình trạng vết khâu tầng sinh môn bị lồi gây mất thẩm mỹ. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu? Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến vết khâu của mẹ bị lồi:
- Mẹ bị dị ứng với chỉ khâu
- Do mẹ vô tình ăn các loại thực phẩm khiến vết khâu bị lồi
- Nhiều mẹ kiêng ăn quá mức do sợ sẹo lồi thành ra lại bị thiếu chất và máu không thể đẩy kháng sinh xuống vết thương nên vết thương trở nên lâu lành
- Mẹ vệ sinh không đúng cách sẽ làm vết khâu bị nhiễm trùng, thậm chí dẫn đến hoại tử da
- Sau khi sinh, nếu mẹ vận động mạnh, đi lại quá nhiều hoặc ngồi không đúng tư thế cũng khiến tầng sinh môn bị lồi hoặc vết khâu bị hở miệng
Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn bị lồi như thế nào?
Chú ý vệ sinh sạch sẽ vết khâu
Vệ sinh đúng cách sẽ giúp mẹ giảm nguy cơ nhiễm trùng và giúp vết khâu mau lành hơn. Hãy tắm và vệ sinh vùng kín bằng nước ấm ít nhất hai lần mỗi ngày để vùng da được nhanh hồi phục. Khi đi vệ sinh thì mẹ dùng miếng gạc hoặc khăn giấy mềm để thấm khô nhẹ nhàng vùng kín.
Sau khi sinh xong thì tầng sinh môn sẽ thường đau nhức và ra nhiều sản dịch nên mẹ hãy dùng băng vệ sinh được bệnh viện khuyên dùng để vết thương được thông thoáng tốt, tránh bị nhiễm khuẩn. Mẹ tuyệt đối không nên sử dụng tampon trong vòng 6 tháng sau khi sinh nhé.
Lựa chọn đồ lót phù hợp
Đồ lót mẹ nên chọn chất liệu cotton, chọn quần không quá chật và eo cao để tránh chà xát vào vết khâu nhé. Quần lót mẹ giặt sạch bằng xà phòng và phơi dưới ánh sáng mặt trời để diệt sạch vi khuẩn. Ngoài ra mẹ chú ý không mặc quần lót khi chúng còn ẩm ướt.
Không chạm tay vào vết khâu
Nhiều mẹ có thói quen chạm tay vào vết khâu liên tục để kiểm tra xem chúng có bất thường gì không, tuy nhiên, việc này lại khiến vết thương lâu lành và gây nhiễm trùng rất nguy hiểm. Mẹ cứ vệ sinh sạch sẽ và để chúng được bình thường là bảo đảm an toàn rồi, đừng chạm vào làm gì nhé.
Chú ý đến chế độ ăn uống
Táo bón không may đến khi vết mổ còn chưa lành hẳn là điều kinh khủng vì chúng có thể tác động mạnh vào vết thương, thậm chí gây bục chỉ. Vậy nên chị em hãy chú ý vào chế độ dinh dưỡng để ngăn ngừa táo bón nhé. Uống thật nhiều nước và ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ như đu đủ, khoai lang, ngó sen, rau má, rau ngót,…
Vận động nhẹ nhàng
Muốn vết thương nhanh lành, mẹ tuyệt đối phải tránh vận động mạnh trong 1 – 2 tuần đầu sau sinh để vết thương không bị tác động quá nhiều. Đặc biệt mẹ không nên ngồi xổm, hạn chế leo cầu thang, và không tập thể dục trong giai đoạn này cho đến khi vết khâu lành lặn hoàn toàn.
Chườm nước đá
Cũng như các vết thương khác, đá lạnh giúp giảm sưng, giảm đau và làm dịu vết thương rất tốt. Cách làm cũng rất đơn giản, mẹ chỉ cần dùng một miếng bông ướp lạnh đặt vào băng vệ sinh chườm trong khoảng 15-20 phút là được.
Tránh quan hệ vợ chồng
Mẹ nên tránh quan hệ vợ chồng trong giai đoạn này cho đến khi vết khâu lành hẳn nhé.
Dùng thuốc xịt gây tê
Nếu mẹ quá đau thì có thể tham khảo một số loại thuốc xịt gây tê hoặc kem dược liệu dành riêng cho vùng tầng sinh môn để giảm đau và làm vết thương nhanh lành hơn. Chú ý cắt móng tay ngắn trước khi thoa để tránh gây ảnh hưởng đến vết thương bạn nhé.
Vết khâu tầng sinh môn bị lồi cũng như sẹo lồi, thực chất không gây nguy hiểm gì. Nếu muốn khắc phục tình trạng này bạn có thể tham khảo các dịch vụ phẫu thuật làm lại tầng sinh môn tại các cơ sở thẩm mỹ nhé.
Xem thêm:
- Khi nào cần rạch tầng sinh môn khi sanh thường?
- Rặn nhiều khi sinh khiến mẹ bầu có nguy cơ bị rách tầng sinh môn cao hơn đến 700%
- Sắp đến ngày vượt cạn, mẹ sinh thường đã biết những điều này về rạch tầng sinh môn?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!