Những lưu ý quan trọng khi vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Chăm sóc trẻ nhỏ đã khó, chăm sóc các bé gái còn khó hơn. Ngoài việc cho bé bú đều, ngủ tốt, những phụ nữ lần đầu làm mẹ với tâm lý sợ con đau và chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh hẳn còn nhiều bỡ ngỡ và lúng túng. Hơn nữa, do đặc thù về cấu tạo bộ phận sinh dục của các bé gái khá đặc biệt nên nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ khiến con dễ bị viêm nhiễm, hăm, ngứa … ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ.

Tại sao cần vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh hàng ngày?

Hầu hết các bà mẹ ngày nay đều sử dụng bỉm tã như một công cụ hỗ trợ quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Khi bé thường xuyên mặc bỉm, chất thải sẽ tích tụ tại vùng kín. Nếu không vệ sinh bộ phận sinh dục hàng ngày, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào bên trong gây viêm nhiễm.

Mẹ cũng cần lưu ý thêm rằng cơ quan sinh dục của bé gái sơ sinh chưa thực sự hoàn thiện lại có cấu tạo phức tạp hơn bé trai nên rất cần được chăm sóc và vệ sinh đúng cách. Không những vậy, bộ phận sinh dục của bé gái cũng đặc biệt nhạy cảm vì:

  • Biểu mô âm đạo mỏng, pH âm đạo trung tính
  • Vùng sinh dục, hậu môn nằm sát cạnh nhau, trong khi việc ị, tè của trẻ nhỏ dưới 2 tuổi là không tự chủ nên mẹ cần phải chú ý vệ sinh thường xuyên để tránh phân hoặc nước tiểu dính lẫn nhau ở cả 2 khu vực này
  • Lớp da ở vùng kín của bé rất mỏng manh, nhạy cảm, hệ thống mạch máu thưa thớt nên chưa có khả năng tự bảo vệ trước sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn, chất cặn bẩn tích tụ lại

Mách mẹ những kỹ năng cần thiết khi vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh

Cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh đòi hỏi sự hiểu biết và khéo léo của các mẹ. Đặc biệt mẹ cần lưu ý những điều sau:

Chuẩn bị những gì khi vệ sinh vùng kín cho con?

  • Phòng kín gió, nhiệt độ ổn định, có đầy đủ vật dụng cần thiết bên cạnh, tránh để con 1 mình
  • Mẹ rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi tắm và vệ sinh cho trẻ
  • Chuẩn bị 1 chậu nước ấm khoảng 30 – 38 độ, có thể sử dụng nhiệt kế để kiểm tra
  • Mẹ cần 2 khăn xô sạch, 1 khăn nhúng nước và 1 khăn để lau khô
  • Quần áo, bỉm sạch, kem hăm và có thể dùng xà phòng chuyên biệt có hoạt tính dịu nhẹ dành cho trẻ sơ sinh

4 bước quan trọng khi vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh

  • Trong khi tắm, sau khi đã vệ sinh sạch sẽ các bộ phận khác, mẹ đỡ bé nằm trong chậu, sử dụng khăn mềm đã thấm nước ấm quấn vào ngón tay, lau chùi vùng kín cho trẻ theo hướng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, chỉ lau bên ngoài môi lớn không đụng chạm vào bên trong. Mẹ chuyển bé sang chậu nước sạch khác đã được chuẩn bị sẵn và thực hiện nhanh thao tác như trên
  • Khi thay tã, mẹ để trẻ nằm ngửa trên 1 lớp vải khô và sạch, giữ cho 2 chân bé dang rộng. Dùng miếng khăn mềm hoặc giấy ướt không mùi làm sạch nước tiểu hoặc phân cho bé. Sau đó dùng 1 chiếc khăn khác nhúng nước ấm lau từ trước ra sau. Mẹ chú ý khi lau cần tránh xa âm đạo và niệu đạo để ngăn chặn vi khuẩn lây từ hậu môn sang vùng kín
  • Vệ sinh xong vùng âm đạo và hậu môn, mẹ tiếp tục lau sạch vùng xương mu, mông, 2 bên bẹn, mặt trong đùi và vùng bụng dưới rốn
  • Sau khi vùng kín của bé gái sơ sinh đã hoàn toàn sạch sẽ, mẹ dùng khăn mềm lau khô toàn bộ khu vực này sau đó đóng bỉm và mặc quần áo cho trẻ. Trước đó, mẹ có thể thoa 1 lớp mỏng kem chống hăm ở 2 bên bẹn và vùng mông để bảo vệ làn da của trẻ không bị kích ứng

Những nguyên tắc chung khi vệ sinh vùng kín cho bé gái

  • “Khô và sạch”; “từ trước ra sau” là 2 nguyên tắc đầu tiên các mẹ cần chú ý khi vệ sinh vùng kín cho bé gái
  • Luôn đảm bảo tay mẹ sạch và khăn lau vệ sinh đã được khử trùng. Không dùng khăn lau lẫn lộn mà phải có khăn dành riêng khi thay rửa cho bé
  • Nên dùng nước đun sôi để nguội thay vì dùng nước giếng hay nước máy để đảm bảo loại bỏ được vi khuẩn có trong nguồn nước chưa được tiệt trùng
  • Trẻ sơ sinh cần được tắm rửa, vệ sinh 1 lần/ ngày và có thể sử dụng dung dịch chuyên biệt dành cho bé vào thời điểm này. Ngoài ra, cứ mỗi 2–3 tiếng mẹ nên thay bỉm cho bé 1 lần khi bé đã tè nhiều và vệ sinh ngay bằng nước ấm cho con khi bé vừa đại tiện. Đóng bỉm cho con quá lâu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vùng kín

Một vài lưu ý nhỏ khi chăm sóc vùng kín của bé gái

  • Sau khi rửa sạch cho bé, mẹ đừng vội đóng bỉm mà hãy để mông con khô thoáng trong khoảng 20 phút
  • Do cấu trúc da vùng kín của bé vô cùng nhạy cảm nên khi chùi rửa, động tác của mẹ cần hết sức nhẹ nhàng, không kỳ cọ, chà xát, thụt rửa quá sâu vào bên trong gây tổn thương vùng kín và tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi
  • Không cần thiết phải dùng các loại khăn ướt có hương thơm hay sữa dưỡng da cho trẻ sơ sinh. Mẹ chỉ cần dùng khăn xô sạch và nước ấm là đủ. Các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh bằng các loại nước lá, nước muối đậm đặc hay dung dịch vệ sinh người lớn. Đó là 1 sai lầm có thể gây ra hậu quả khôn lường
  • Bỉm cho bé cần đáp ứng các tiêu chí mỏng, mềm mại, thấm hút tốt để bé không bị bí hơi, cọ xát hay nước tiểu ngấm vào làm vùng kín dễ bị viêm nhiễm, hăm đỏ
  • Vùng kín của bé gái sau sinh có thể trông hơi kỳ lạ vì môi bên ngoài của âm đạo trông như sưng tấy, phồng lên và có thể sẽ tiết ra 1 chút máu hoặc dịch trắng do ảnh hưởng từ nội tiết tố từ mẹ. Tuy nhiên sau vài ngày bộ phận này sẽ trở lại bình thường nên mẹ không cần quá lo lắng

Tạm kết

Cách vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh có thể làm khó mẹ trong vài ngày đầu chăm con. Tuy nhiên chỉ cần thực hiện đúng thao tác và đảm bảo những nguyên tắc quan trọng đã được lưu ý thì vùng kín của con lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho. Mẹ cũng đừng quên hướng dẫn bé tự chăm sóc và vệ sinh bản thân từ khi con 2 -3 tuổi để tạo lập được thói quen tốt sau này nhé!

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Xem thêm:

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

ZinVi