Túi thai nằm thấp có nguy hiểm không là thắc mắc của một số mẹ sau khi được bác sĩ chẩn đoán. Tại sao có hiện tượng túi thai thấp?
- Túi thai nằm thấp có nguy hiểm không?
- 5 lưu ý vàng giúp mẹ bầu bảo đảm an toàn khi túi thai nằm thấp
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến – Chuyên khoa sản – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết “Nhau bám thấp có thể dẫn đến nguy cơ băng huyết trong thai kỳ và khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và thai nhi. Đối với bà mẹ: do tình trạng chảy máu lặp đi lặp lại trong suốt quá trình mang thai nên sản phụ thường bị thiếu máu, dễ bị sinh non. Đối với thai nhi: do người mẹ bị thiếu máu vì ra huyết nhiều nên thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, suy thai”.
Túi thai nằm ở vị trí nào thì được coi là thấp?
Trứng sau khi thụ tinh sẽ phân chia thành nhiều tế bào và di chuyển theo vòi trứng đến làm tổ trong buồng tử cung. Hình ảnh đầu tiên thấy được trên siêu âm khi có thai là túi thai.
Trong trường hợp túi thai nằm thấp, túi thai sẽ làm tổ tại đoạn eo cổ tử cung thay vì thân hoặc đáy tử cung như bình thường. Chính vì vậy sẽ có nhiều nguy cơ dọa sảy hoặc dễ sảy thai hơn bình thường.
Mẹ có thể quan tâm:
Siêu âm có túi thai nhưng chưa thấy phôi thai có phải dấu hiệu sảy thai?
Túi thai nằm thấp có nguy hiểm không?
Khi túi thai nằm thấp ngoài nguy cơ dọa sảy, sảy thai hoặc sinh non thì khi chuyển dạ có thể gây nên tình trạng khó sinh hoặc khả năng điều chỉnh ngôi thai không tốt làm ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và bé.
Nếu trong thời gian mang thai, người mẹ xảy ra tình trạng xuất huyết âm đạo trầm trọng, bác sỹ có thể phải quyết định cho sản phụ sinh sớm để cứu mẹ mặc dù có thể không giữ được con. Vì vậy, túi thai nằm thấp là một tình trạng gây ra nhiều nguy hiểm cho cả thai nhi và mẹ, nên chị em cần hết sức chú ý.
Khi thai đã làm tổ trong tử cung thì không có cách nào có thể can thiệp để thay đổi vị trí của túi thai. Tuy nhiên, việc thai bám thấp cũng có nhiều mức độ, nếu ở mức độ nhẹ cộng với kết hợp kiêng cữ tốt thì vẫn có khả năng giữ thai phát triển bình thường nên những chị em được chẩn đoán túi thai nằm thấp cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng về sức khỏe và tâm lý.
5 lưu ý vàng giúp mẹ bầu bảo đảm an toàn khi túi thai nằm thấp
Khi được chẩn đoán túi thai nằm thấp, mẹ bầu cần lưu ý những tới những điều sau đây để đảm bảo an toàn cho thai nhi và mẹ:
Giữ tâm lý thoải mái
Chắc hẳn khi nghe bác sỹ thông báo và giải thích về hiện tượng túi thai nằm thấp, mẹ bầu sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng và bất an về quá trình mang thai sắp tới. Tuy nhiên, hãy giữ bình tĩnh và hỏi kỹ lại bác sỹ về vị trí túi thai và nhờ bác sỹ tư vấn về cách chăm sóc cho mẹ và thai nhi.
Bạn hãy chủ động tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ hay lo lắng của mình với ông xã, với người thân, bạn bè để giải tỏa áp lực tâm lý cũng như có thể nhận được sự giúp đỡ thích hợp.
Túi thai nằm thấp có nguy hiểm không? Mẹ hãy nhớ khám thai đúng lịch
Khi được chẩn đoán túi thai bám thấp, mẹ cần đi khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sỹ. Qua mỗi lần thăm khám, bác sỹ sẽ xem xét, đánh giá lại mức độ túi thai nằm thấp, từ đó tư vấn cho mẹ bầu có một chế độ chăm sóc hợp lý.
Chị em cũng cần theo dõi thường xuyên tình trạng của mình. Nếu có hiện tượng đau bụng, ra máu bất thường thì chị em cần tới ngay bệnh viện để khám và kiểm tra tình hình một cách nhanh nhất.
Chế độ sinh hoạt khoa học
Tùy vào tình trạng túi thai nằm thấp của mẹ bầu mà bác sỹ sẽ yêu cầu mẹ nghỉ ngơi hoàn toàn ở nhà hay vẫn có thể đi làm.
Trong trường hợp nặng, mẹ được chỉ định nghỉ ngơi ở nhà thì mẹ cần nằm yên trên giường, tránh đi lại nhiều hay làm việc nhà.
Nếu mẹ vẫn có thể đi làm thì hãy chỉ làm những công việc nhẹ nhàng, không được làm các động tác mạnh như với tay lên cao, cúi gập người xuống và hạn chế leo cầu thang, không để stress và áp lực công việc ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tuyệt đối không quan hệ trong thời gian này
Đối với hiện tượng túi thai nằm thấp, mẹ bầu nên tuyệt đối không quan hệ trong suốt thời gian mang thai vì khi quan hệ sẽ làm tăng co bóp tử cung, có thể gây ra tình trạng sinh non.
Mẹ có thể quan tâm:
Cẩn trọng khi túi thai méo – Nguyên nhân tiềm ẩn khiến thai nhi ngừng phát triển
Chú ý vào chế độ dinh dưỡng khi túi thai nằm thấp
Trong suốt thai kỳ, điều quan trọng nhất là chị em cần có chế độ ăn uống đa dạng và cân đối giữa các nhóm thực phẩm. Bạn nên ăn đủ bữa và lựa chọn các thực phẩm tươi sống, dễ hấp thụ và cung cấp được vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi, các loại thịt màu đỏ, giảm thức ăn ngọt có nhiều đường, thức ăn mặn nhiều muối hoặc đồ ăn đông lạnh, đã qua chế biến. Mẹ cũng nên bổ sung vào bữa phụ các loại sữa hạt, sữa chua, phô mai… để bổ sung canxi, protein và cho ra khỏi thực đơn rượu, cafe và các chất kích thích khác.
Trong trường hợp bác sỹ chẩn đoán túi thai nằm thấp, mẹ đừng quá lo lắng để ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Thay vào đó, mẹ hãy thực hiện đúng các hướng dẫn của bác sỹ và lựa chọn chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý để tăng cường sức khỏe. Bằng tình yêu của mẹ, thai nhi sẽ phát triển an toàn, khỏe mạnh nên mẹ hãy luôn lạc quan nhé.
Nguồn tham khảo: Thế nào là hiện tượng nhau bám thấp? – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Xem thêm
- Thai thấp nên nằm ngủ như thế nào để tránh nguy hiểm?
- Nhau thai bám thấp có nguy hiểm không? Mẹ bầu cần lưu ý những gì?
- Nhau thai bám thấp – mẹ bầu có nguy cơ dọa sinh non, không thể đẻ thường?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!