Trong những tuần đầu tiên của thai kỳ, chị em thường nghe bác sĩ nhắc đến khái niệm túi noãn hoàng. Túi noãn hoàng này có vai trò thế nào đối với mẹ bầu? Nguyên nhân thai không có noãn hoàng là do đâu?
Túi noãn hoàng là gì?
Túi noãn hoàng (Yolksac) là cấu trúc hình tròn gắn với phôi, được hình thành từ các tế bào nội bị bên cạnh đĩa phôi. Trước khi bánh nhau hình thành hoàn chỉnh, sự phát triển của phôi phụ thuộc vào chất dinh dưỡng và máu từ túi noãn hoàng.
Yolksac có thể được nhìn thấy qua siêu âm từ tuần thứ 5 trở đi, hoạt động trong 4 – 7 tuần để cung cấp dinh dưỡng cho phôi. Bác sĩ có thể phát hiện túi noãn hoàng nhờ siêu âm đầu dò âm đạo trước khi thấy phôi. Khi tuần hoàn nhau thai hoàn chỉnh, lượng máu qua túi noãn hoàng giảm dần và biến mất hoàn toàn.
Vai trò của túi noãn hoàng
Yolksac là bộ phận rất quan trọng đối với sự phát triển của phôi thai trong giai đoạn đầu, là nguồn dinh dưỡng nuôi thai phát triển. Nếu không có túi noãn hoàng, phôi thai không có nguồn cung cấp dinh dưỡng và có thể ngừng phát triển.
Ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển phôi thai (2 tháng đầu), túi noãn hoàng đảm nhận nhiệm vụ tạo huyết và tạo mạch. Khi thai đã lớn hơn, yolksac hoàn thành nhiệm vụ và tiêu biến.
Túi noãn hoàng có kích thước thế nào?
Trong tuần thứ 5 – 10 của thai kỳ, noãn hoàng có kích thước khoảng 5.6mm và không lớn hơn con số này. Dựa vào kích thước của yolksac thông qua đo đạc trong siêu âm, bác sĩ có thể chẩn đoán phần nào tình trạng thai kỳ và những bất thường nếu có:
- Kích thước 5.6mm: bình thường không có gì đáng lo ngại
- Túi noãn hoàng > 5.6mm: mẹ có khả năng đối mặt với 1 số nguy cơ trong thai kỳ như sảy thai
Mẹ nên trao đổi kỹ với bác sĩ xem yolksac của mình to hay dày. Nếu kích thước túi to thì mới có xác suất gây nguy hiểm cho thai phụ, còn túi dày thì gần như không ảnh hưởng.
Thai không có yolksac có sao không? Đâu là nguyên nhân thai không có túi noãn hoàng?
Từ tuần thứ 5 khi siêu âm bác sĩ đã có thể thấy túi noãn hoàng. Đến tuần thứ 6 – 7 đã có thể thấy tim thai. Nếu từ tuần thứ 6 siêu âm mà không thấy túi noãn hoàng thì chị em cần kiểm tra thật kỹ, đề phòng sảy thai, lưu thai hay thai bất thường.
Trứng trống được cho là nguyên nhân thai không có túi noãn hoàng hàng đầu. Hiện tượng trứng trống thường liên quan đến các vấn đề về nhiễm sắc thể, cấu trúc gen, chất lượng trứng/tinh trùng hoặc bất thường trong phân chia tế bào.
Dù không có phôi thai nhưng các mẹ mang thai trứng trống vẫn có thể gặp các dấu hiệu có thai như que thử dương tính, chậm kinh, buồn nôn, đau tức ngực, thay đổi khẩu vị…. Tiếp theo các biểu hiện này là dấu hiệu sảy thai như co thắt và đau vùng bụng, chảy máu âm đạo…
Xử lý thế nào khi phát hiện thai không có yolksac?
Trong thời gian mang thai, nếu các mẹ xuất hiện dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ hiện tượng không có phôi thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra, siêu âm ngay tức thời. Người mẹ cũng nên kết hợp siêu âm và xét nghiệm beta – hCG để kiểm tra chính xác thai nhi có phát triển hay không.
Sau khi được chẩn đoán là trứng trống thì các mẹ sẽ được tư vấn biện pháp giải quyết bắt buộc như bỏ thai (bằng cách tự nhiên hay can thiệp ngoại khoa).
Cơ thể chị em sau khi đình chỉ thai sẽ yếu hơn, mẹ có thể bị suy nhược về cả thể chất và tinh thần. Đây là điều khó tránh khỏi. Dẫu vậy chị em đừng để tình trạng này kéo dài quá lâu mà nên nghỉ ngơi để sức khỏe hồi phục, chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo. Lưu ý chị em không nên mang thai trong khoảng 4 – 6 tháng từ khi xử lý xong thai không có yolksac.
Lưu ý trong thời gian mang thai
Bên cạnh việc tìm hiểu về túi noãn hoàng, nguyên nhân thai không có noãn hoàng và các kiến thức sinh sản cần thiết khác, chị em cũng cần ghi nhớ 1 số lưu ý để có thai kỳ khỏe mạnh:
- Theo dõi cân nặng: Chị em nên kiểm soát cân nặng hợp lý trong suốt thai kỳ, tránh tâm lý “ăn cho 2 người”, không nên tăng cân quá nhiều
- Chế độ ăn phong phú, khoa học, giàu dinh dưỡng
- Đảm bảo bổ sung đủ nước trong thời gian mang thai
- Nên tập luyện thể thao nhẹ nhàng (yoga, hít thở…) để tăng cường sức khỏe
- Tránh xa các tác nhân ô nhiễm, độc hại, đồ uống có cồn, khói thuốc… để giảm nguy cơ dị tật thai nhi.
Hy vọng qua bài viết chị em đã nắm được những thông tin cơ bản về yolksac – thành phần không thể thiếu có nhiệm vụ nuôi dưỡng phôi thai trong những ngày đầu mới hình thành. Chúc các mẹ có 1 thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
Xem thêm
- Siêu âm thấy túi thai nhưng chưa thấy phôi thai có phải dấu hiệu sảy thai?
- Theo dõi túi thai sớm trong lòng tử cung có thực sự cần thiết?
- Thai có yolksac nhưng chưa có phôi có nguy hiểm không?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!