Mẹ đã biết gì về tứ chứng Fallot - bệnh lý tim bẩm sinh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Tứ chứng fallot là căn bệnh tưởng chừng như còn rất mới mẻ nhưng thực tế là 1 dạng bệnh lý tim bẩm sinh đã được phát hiện từ nhiều năm nay. Vậy mẹ đã biết gì về tứ chứng fallot? Bệnh này gây nguy hiểm thế nào ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ? Phương pháp điều trị và phòng tránh bệnh này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Tứ chứng fallot là bệnh gì?

Bệnh được đặt theo tên người đầu tiên mô tả đầy đủ triệu chứng. Tứ chứng Fallot là một tình trạng hiếm gặp do sự kết hợp của 4 khuyết tật ở tim xuất hiện ngay khi trẻ được sinh ra. Những khiếm khuyết này ảnh hưởng đến cấu trúc của tim, khiến máu nghèo oxy được tim co bóp đi đến khắp mọi cơ quan của cơ thể.

Tứ chứng Fallot thường được chẩn đoán trong giai đoạn bào thai hoặc ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh không được phát hiện cho đến tuổi trưởng thành, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các khiếm khuyết.

Đây là 1 bệnh tim bẩm sinh tương đối nặng và có tỉ lệ tử vong cao trong thời gian ngắn sau khi trẻ vừa sinh ra. Nếu được chẩn đoán sớm người bệnh sẽ được chỉ định điều trị phẫu thuật thích hợp, hầu hết trẻ em và người lớn bị tứ chứng Fallot có cuộc sống tương đối bình thường, mặc dù vẫn phải được chăm sóc y tế thường xuyên trong suốt cuộc đời và hạn chế các công việc nặng.

4 bất thường tạo nên tứ chứng Fallot

Sở dĩ được gọi là tứ chứng Fallot là do bệnh bao gồm 4 thương tổn sau:

  • Thông liên thất: có lỗ thông giữa hai tâm thất trái và tâm thất phải. Lỗ này làm máu nghèo oxy ở tâm thất phải quay trở lại phổi để bổ sung lượng oxy cung cấp, đồng thời chảy vào tâm thất trái và trộn với máu giàu oxy. Máu từ tâm thất trái cũng chảy ngược về tâm thất phải khiến giảm khả năng cung cấp máu giàu oxy cho cơ thể và cuối cùng có thể làm suy tim.
  • Động mạch chủ lệch phải (cưỡi ngựa lên vách liên thất): Động mạch chủ bị lệch phải nhiều và thường nằm ngay trên lỗ thông liên thất. Bình thường động mạch chủ chỉ hứng máu ở thất trái, khi lệch phải thì hứng máu cả thất trái và thất phải.
  • Hẹp phổi: bao gồm hẹp đường ra thất phải (phễu động mạch phổi), hẹp vòng van/lỗ van động mạch phổi, hẹp thân hoặc nhánh động mạch phổi làm giảm lưu lượng máu đến phổi.
  • Phì đại của thất phải: hoạt động bơm của tim bị làm việc quá sức làm thành cơ của tâm thất phải dày lên. Theo thời gian điều này có thể khiến tim cứng lại, yếu đi và cuối cùng suy tim.

1 số trẻ em hoặc người lớn mắc tứ chứng Fallot có thể bị dị tật tim khác như lỗ thủng giữa các buồng nhĩ (khiếm khuyết vách liên nhĩ), vòm động mạch chủ phải hoặc bất thường của động mạch vành.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Nguyên nhân gây ra tứ chứng Fallot

Tứ chứng Fallot xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi. Đến nay nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẫn chưa được xác định, mặc dù vậy một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này bao gồm:

  • Người mẹ mắc virus khi mang thai (rubella)
  • Mẹ nghiện rượu trong quá trình mang bầu
  • Thai phụ có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn
  • Phụ nữ mang thai khi lớn hơn 40 tuổi
  • Tiền sử bố và/hoặc mẹ mắc tứ chứng Fallot
  • Trẻ mắc hội chứng Down hoặc hội chứng DiGeorge

Biểu hiện của bệnh

Triệu chứng của tứ chứng Fallot khác nhau ở mỗi trẻ tùy thuộc mức độ tắc nghẽn của dòng máu chảy vào phổi. Các dấu hiệu có thể kể đến là:

  • Da có màu xanh tím
  • Khó thở và thở nhanh, đặc biệt là khi cho trẻ ăn hoặc tập thể dục
  • Đột nhiên mất ý thức, ngất xỉu
  • Ngón tay hoặc ngón chân hình dùi trống
  • Tăng cân chậm
  • Mệt mỏi nhanh trong khi chơi hoặc tập thể dục
  • Cáu gắt
  • Khóc kéo dài
  • Cơn tím thiếu oxy (thường gặp ở trẻ 2 – 4 tháng tuổi) do sự sụt giảm nhanh chóng lượng oxy trong máu: trẻ đột nhiên có triệu chứng tím tái ở da, móng tay và môi sau khi khóc, cho ăn hoặc khi bị kích động
  • Trẻ mới biết đi hoặc trẻ lớn hơn có thể ngồi xổm theo bản năng khi bị hụt hơi. Ngồi xổm sẽ làm tăng lưu lượng máu đến phổi

Khi thấy trẻ có 1 trong các dấu hiệu trên, phụ huynh cần cho trẻ đi thăm khám trong thời gian sớm nhất có thể. Nếu trẻ có dấu hiệu xanh tím tái, hãy đặt trẻ nằm nghiêng và cho trẻ ôm gối, điều này sẽ giúp tăng lưu lượng máu đến phổi và giảm khó thở, sau đó gọi cấp cứu để nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Biện pháp chuẩn đoán bệnh

Khi nghi ngờ trẻ mắc tứ chứng Fallot, trẻ sẽ được khám thực thể để nghe tiếng tim phổi và chỉ định 1 hoặc nhiều trong các xét nghiệm sau:

  • Siêu âm tim: giúp bác sĩ xác định khiếm khuyết thông liên thất (nếu có) và vị trí khiếm khuyết, cấu trúc của van phổi và động mạch phổi, hoạt động của tâm thất phải, vị trí đặt động mạch chủ cũng như các khiếm khuyết khác của tim.
  • Điện tâm đồ: phương pháp này ghi lại hoạt động điện trong tim mỗi khi co bóp, có thể phát hiện tâm thất phải có bị phì đại hay không, tâm nhĩ phải có bị dày không và nhịp tim có đều không.
  • Chụp X-quang ngực để xem cấu trúc của tim phổi. Một trong những triệu chứng điển hình của tứ chứng Fallot trên X-quang là tim hình chiếc giày do tâm thất phải bị phì đại.
  • Đo mức độ bão hòa oxy: trẻ được đeo 1 cảm biến nhỏ trên ngón tay hoặc ngón chân để đo lượng oxy trong máu.

Tứ chứng Fallot được điều trị như thế nào?

Phẫu thuật đóng lỗ thông liên thất bằng miếng vá và làm thông mạch máu bị tắc nghẽn từ tâm thất phải đến phổi là phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất đối với bệnh này. Tùy theo tình trạng bệnh lý, khả năng phẫu thuật và gây mê hồi sức mà chuyên gia y tế sẽ xác định thời điểm cũng như phương pháp phẫu thuật phù hợp (phẫu thuật sửa chữa tạm thời dùng cầu nối hay phẫu thuật sửa toàn bộ) cho trẻ.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Phẫu thuật tạm thời

Phương pháp này làm tăng lượng máu lên phổi, thường được chỉ định trong trường hợp trẻ sinh non hoặc thiểu sản động mạch phổi. Cách thực hiện là làm cầu nối trực tiếp bằng đoạn mạch nhân tạo giữa động mạch chủ lên và thân động mạch phổi, luồng thông này làm tăng lưu lượng máu phổi. Khi hệ thống động mạch phổi phát triển cho phép sửa toàn bộ, cầu nối sẽ được gỡ bỏ.

Phẫu thuật toàn bộ

Đặt 1 miếng vá nhân tạo hoặc màng tim đã được xử lý lên lỗ thông liên thất để đóng lỗ thông giữa 2 tâm thất. Bác sĩ cũng sửa hẹp van động mạch phổi đồng thời nong rộng động mạch phổi để tăng lưu lượng máu lên phổi. Sau phẫu thuật, nồng độ oxy trong máu tăng và triệu chứng bệnh giảm xuống.

Trong khi có tỉ lệ thành công cao, các biến chứng sau phẫu thuật tứ chứng fallot được ghi nhận sẽ có thể gồm có:

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo
  • Hồi quy phổi mãn tính: có tình trạng máu rò rỉ qua van phổi trở lại tâm thất phải
  • Các vấn đề về van tim như máu chảy ngược qua van ba lá
  • Các lỗ trên vách giữa tâm thất có thể tiếp tục rò rỉ sau khi phẫu thuật hoặc có thể cần phẫu thuật lại
  • Tâm thất phải phì đại hoặc tâm thất trái hoạt động không bình thường
  • Rối loạn nhịp tim
  • Bệnh động mạch vành
  • Đột tử do tim

Biến chứng có thể theo trẻ suốt đời. Sau phẫu thuật phải thường xuyên theo dõi tình trạng với bác sĩ tim mạch để được can thiệp kịp thời. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu bất thường sau phẫu thuật.

Người bệnh cũng có thể được khuyến cáo hạn chế hoạt động thể lực nặng, đặc biệt trong trường hợp có bất kỳ rò rỉ/tắc nghẽn van phổi hay rối loạn nhịp tim.

Lời kết

Tất cả các trẻ bị tứ chứng Fallot đều cần phẫu thuật chỉnh sửa sớm, không được điều trị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sau này, thậm chí trẻ không phát triển và tăng trưởng như trẻ bình thường.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Bài viết trên đã cung cấp cho cha mẹ những thông tin tổng quát về tứ chứng Fallot. Trong trường hợp chẳng may có con bị mắc bệnh, cha mẹ đừng vội bi quan vì với tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay, tỉ lệ thành công của phẫu thuật tứ chứng Fallot rất cao, chiếm đến hơn 95%.

Xem thêm

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Bài viết của

ZinVi