Triệu chứng tiểu đường thai kỳ là gì? Những ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe sản phụ và thai nhi như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này mẹ nhé.
Bệnh tiểu đường thai kỳ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe của chính mẹ bầu và con nhỏ. Phần lớn những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao chính là những bà mẹ trên 35 tuổi, đã mang thai nhiều lần, có lượng đường trong máu cao, xuất hiện tình trạng béo phì trước và trong thời gian mang bầu.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là bệnh tiểu đường phát triển trong quá trình mang thai ở khoảng tuần thứ 24. Bệnh ảnh hưởng đến khả năng sử dụng đường (glucose) của các tế bào trong cơ thể và là nguyên nhân gây ra lượng đường cao trong máu, điều này không tốt cho cả mẹ bầu và thai nhi. Lượng đường máu sẽ trở lại bình thường sau khi sinh.
Tuy nhiên, nếu đã bị bệnh tiểu đường thai kỳ, bạn sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Vì vậy, bạn cần phải tiếp tục điều trị với bác sĩ để theo dõi và quản lí lượng đường trong máu. Nếu bạn không điều trị hay kiểm soát bệnh tiểu đường sẽ gây nguy hại đến thai nhi.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ
- Phụ nữ từ 35 tuổi
- Mẹ bị thừa cân, béo phì.
- Gia đình có người mắc bệnh tiểu đường
- Mẹ từng sinh con có cân nặng trên 4kg
- Có tiền sử bất thường về dung nạp glucose như đái tháo đường thai kỳ trước, glucose niệu dương tính
- Phụ nữ có tiền sử sản khoa bất thường như thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sanh non, thai dị tật
- Người bị buồng trứng đa nang
Những triệu chứng tiểu đường thai kỳ
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) thai kỳ là một bệnh rất thường gặp ở mẹ bầu, là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và xảy ra trong quá trình mang thai từ tuần thai 24 – 28. Bệnh đái tháo đường thai kỳ không có biểu hiện rõ ràng, thường phát hiện chủ yếu khi làm nghiệm pháp 3 mẫu glucose lúc thai 28 tuần. Mẹ bầu thường sẽ có những triệu chứng giống với những người mắc bệnh đái tháo đường như khát nhiều, đi tiểu nhiều, sụt cân nhiều không rõ nguyên nhân, khó lành các vết trầy xước, vết thương, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức, nước tiểu có nhiều kiến bu,…
Trong giai đoạn thai nghén, mẹ bầu thường khó phát hiện các triệu chứng tiểu đường thai kỳ. Chỉ khi đi khám thai định kỳ, các bác sĩ mới phát hiện bệnh bằng nghiệm pháp tăng đường huyết và kiểm tra nước tiểu. Tuy nhiên, nếu để ý bạn có thể phát hiện triệu chứng tiểu đường thai kỳ để thăm khám và điều trị kịp thời.
1. Đi tiểu nhiều hơn
Lượng glucose quá cao, vượt ngưỡng cần thiết khiến cho glucose bị tồn đọng trong máu, không chuyển hóa hết, bắt buộc thận phải hoạt động hết công suất để xả ra ngoài bằng nước tiểu.
2. Luôn cảm thấy khát nước
Tình trạng khát nước giữa đêm có thể là một trong những triệu chứng tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng đường trong máu tăng cao, khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn, nên phải uống nhiều nước để bổ sung nước cho cơ thể.
3. Vùng kín bị nấm
Các mẹ bầu có thể dễ dàng bị nhiễm nấm vùng kín, nhưng lại không thể vệ sinh bằng các loại thuốc, kem chống khuẩn thông thường, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm men sinh sôi nảy nở, tình trạng này cũng được xem là một triệu chứng bệnh tiểu đường thai kỳ
4. Cân nặng giảm nhanh, luôn cảm thấy mệt mỏi
Bởi vì insulin không được sản xuất đủ và kịp thời nên đường không thể chuyển hóa thành năng lượng, hay gây cảm giác chóng mặt. Bên cạnh đó còn làm sụt cân nặng không rõ nguyên nhân, thường xuyên mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức.
5. Ăn uống mất kiểm soát
Phụ nữ mang thai ăn nhiều hơn thông thường nhưng nếu lúc nào cũng cảm thấy đói, ngay cả khi vừa ăn lượng lớn thức ăn xong thì rất có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
6. Hay bị mờ mắt trong thời gian ngắn
Đây là triệu chứng tiểu đường thai kỳ ít gặp, nhưng cần lưu ý, xuất hiện khi cơ thể mẹ bầu chưa kịp thích nghi với hiện tượng lượng glucose trong máu gia tăng một cách đột ngột.
Một số biến chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ
- Thai nhi có trọng lượng lớn hơn bình thường, có thể phải sinh mổ.
- Trẻ bị hạ đường huyết ngay sau khi sinh (có thể điều trị bằng cách cho trẻ bú và tiêm truyền glucose để ổn định đường huyết của trẻ).
- Khi lớn lên trẻ có nguy cơ bị béo phì, tiểu đường loại 2.
- Tăng nguy cơ sảy thai hoặc thai chết lưu.
- Dễ dẫn đến tiền sản giật gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.
- Mẹ dễ mắc bệnh tiểu đường loại 2 sau khi sinh và khi về già.
Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi thì mẹ bầu nên lưu ý những triệu chứng tiểu đường thai kỳ trên để thăm khám, chữa trị kịp thời.
Theo bác sĩ Nam, khi bị đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để duy trì lượng đường huyết hấp thụ vào cơ thể. Mẹ bầu cần ăn ít tinh bột, carbonhydrat, thức ăn ngọt, ăn nhiều các loại rau củ không tinh bột, thực phẩm có nhiều chất xơ, hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa. Mẹ bầu cũng cần chế độ tập luyện phù hợp, khám thai đúng lịch hẹn và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
Xem thêm
- Biểu hiện tiểu đường thai kỳ là gì? Mẹ bầu cần làm gì để điều trị?
- Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không đối với mẹ bầu và thai nhi?
- Đối phó với tiểu đường thai kỳ, 5 việc mẹ bầu cần làm ngay lập tức