Suốt thời kỳ mang thai và sau sinh, cơ thể mẹ bầu sẽ trải qua vô vàn thay đổi, không ít trong số đó đem lại phiền toái cho mẹ bầu, đơn cử như chứng táo bón. Trong bài viết dưới đây xin mời chị em tham khảo nguyên nhân và 1 số mẹo trị táo bón cho bà bầu đơn giản nhé.
Vì đâu chị em mang thai hay bị táo bón?
Có nhiều nguyên nhân làm cho mẹ bầu bị táo bón trong thai kỳ. Nếu biết được nguyên nhân thì mẹ có thể tìm cách xử lý táo bón nhanh và hiệu quả hơn.
Sự thay đổi của cơ thể khi mang thai
Những mẹ bầu bị nghén nặng, hay buồn nôn và nôn có nguy cơ bị táo bón cao hơn vì nôn nhiều làm cơ thể mất nước. Ăn uống không ngon, chán ăn, mệt mỏi cũng khiến chị em gặp khó khăn trong tiêu hóa, dẫn đến bị táo bón.
Sự thay đổi hàm lượng hormone trong cơ thể, cụ thể là progesterone khiến các mô cơ mềm hơn bình thường, trong đó có cơ dọc đường tiêu hóa làm việc tiêu hóa thức ăn khó khăn hơn gây ra táo bón.
Hoạt động của ruột non bị suy yếu. Điều này ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi thức ăn từ dạ dày, dọc theo ruột non và đi vào ruột già. Chuyển động trong ruột bị chậm lại.
Càng gần về cuối thai kỳ, tử cung càng lớn dần đè vào đường ruột, cản trở sự lưu thông của phân cũng gây nên táo bón.
Mẹ uống bổ sung sắt trong thai kỳ cũng là nguyên nhân gây ra táo bón
Thuốc bổ sung sắt và acid folic thường được kê đơn cho chị em trong thời kỳ mang thai. Sắt bổ sung theo dạng thuốc uống làm cơ thể khó hấp thu hơn. Phần lớn sắt khó có thể đi vào máu mà lưu lại ở đường ruột.
Do chế độ ăn uống
Phụ nữ mang thai có chế độ ăn uống không hợp lý, quá nhiều tinh bột và đồ ngọt, ít chất xơ… rất dễ bị táo bón.
Một số thực phẩm có xu hướng làm trầm trọng thêm táo bón như sữa, thực phẩm từ sữa, phô mai và quá nhiều thịt đỏ. Thức ăn đậm đặc protein có thể khó tiêu hóa hơn so với thức ăn thực vật giàu chất xơ và ngũ cốc.
Táo bón ở bà bầu ảnh hưởng thế nào đến mẹ và thai nhi?
Không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của chị em bầu mà bệnh táo bón còn khiến phụ nữ mang thai luôn cảm thấy đầy bụng, khó chịu, dẫn đến tâm lý chán ăn, từ đó khiến cho mẹ và bé không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
Việc các chất độc như phenol, amoniac, indol… trong chất thải bị tích tụ lâu trong ruột, rồi bị hấp thu vào máu và lan truyền khắp cơ thể, dẫn tới tình trạng nhiễm độc mãn tính, ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của thai nhi.
Mẹ phải dùng sức để rặn mỗi lần đi vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai. Về lâu dài, táo bón có thể dẫn đến trĩ, viêm đại tràng, ung thư đại tràng cùng nhiều bệnh nguy hiểm khác. Do đó, mẹ bầu chớ nên coi thường bệnh táo bón mà cần đề phòng và can thiệp từ sớm để hạn chế rủi ro cho mẹ và bé.
Làm thế nào để cải thiện tình trạng táo bón cho bà bầu?
- Uống nhiều nước: Mỗi ngày mẹ bầu nên bổ sung 2 – 2.5l nước các loại (nước lọc, nước ép hoa quả, sinh tố, chế phẩm từ sữa… Dù uống nhiều nước sẽ làm mẹ bầu thường xuyên phải đi vệ sinh hơn nhưng nước vô cùng cần thiết cho cơ thể thai phụ. Thiếu nước sẽ làm cho tình trạng táo bón thêm trầm trọng cũng như ảnh hưởng đến nước ối bao bọc thai nhi
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Chị em nên bổ sung thêm chất xơ vào thực đơn thông qua rau xanh, cây họ đậu, trái cây họ cam, chanh, chuối, đu đủ chín, khoai lang, bí đỏ, cà rốt… Tuy nhiên chị em không nên ăn nhiều chất xơ đột ngột vì sẽ dễ bị đầy hơi. Mẹ bầu cũng không nên ăn các món chiên xào, món rán quá nhiều
- Bổ sung vitamin hợp lý: Chị em chỉ nên dùng bổ sung canxi và sắt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Lượng khoáng chất dư thừa sẽ là gánh nặng cho đường ruột, làm tăng nguy cơ táo bón. Mỗi khi uống bổ sung vi chất chị em nên uống cùng nhiều nước để dễ hấp thu
- Vận động cũng giúp trị táo bón cho bà bầu: mẹ bầu tập thể dục thường xuyên bằng những bài tập đơn giản không chỉ duy trì sức khỏe thai kỳ mà cũng cải thiện tiêu hóa do máu lưu thông tốt hơn.
- Tạo thói quen đi đại tiện vào 1 giờ nhất định trong ngày.
Mách mẹ 1 số mẹo nhỏ trị táo bón cho bà bầu
- Khi mới ngủ dậy chị em nên uống 1 cốc nước ấm vắt thêm vài giọt chanh hoặc mật ong
- Trước mỗi bữa ăn hãy uống 1 thìa dầu olive hoặc dầu dừa nguyên chất. Đây là 2 loại dầu có vai trò như chất bôi trơn, giúp làm mềm chất thải trong ruột
- Trước khi đi ngủ mẹ có thể uống nước ấm hoặc trà thảo mộc có thêm 1 chút vỏ hạt mã đề. Vỏ hạt mã đề có chứa nhiều chất xơ rất tốt cho tiêu hóa
- Bổ sung sữa chua trong thực đơn hằng ngày cũng cải thiện tình trạng táo bón
- Không nên nhịn đi vệ sinh. Khi chưa đi được mẹ bầu nên ăn nhiều hoa quả tươi, các loại soup, salad, rau xanh…
Mẹ bầu bị táo bón không nên sử dụng thuốc nhuận tràng các loại vì thuốc này có thể kích thích cơn co tử cung và gây mất nước.
Khi tình trạng táo bón kéo dài mà không được cải thiện thì tốt nhất chị em nên đến thăm khám tại cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn giải pháp thích hợp.
Xem thêm
- Tổng hợp tất tần tật các cách chữa táo bón tự nhiên cho mẹ sau sinh!
- Bà bầu bị táo bón 3 tháng cuối có đáng lo? Làm sao để khắc phục tình trạng này?
- Những bí kíp giúp mẹ bầu cải thiện hiệu quả tình trạng táo bón thai kỳ
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!