Trẻ sơ sinh hay vặn mình xuất phát từ nhiều nguyên nhân sinh lý và bệnh lý, mẹ nên theo dõi kỹ tình trạng của trẻ để có hướng xử lý kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ có những phương pháp để cải thiện vặn mình sinh lý của trẻ:
- Cớ sao bé lại hay vặn mình rướn người nhiều đến vậy?
- Trẻ sơ sinh hay vặn mình cả những lúc đi tè đi ị đến đỏ mặt tía tai?
- Hiện tượng con hay vặn mình trong lúc ngủ có phải do bé thiếu canxi?
- Mẹo hay giúp bé không vặn mình và ngủ ngon hơn?
Cớ sao bé lại hay vặn mình rướn người nhiều đến vậy?
Các mẹ, nhất là với mẹ lần đầu chăm con thường cảm thấy lo lắng và khổ sở khi trẻ sơ sinh hay vặn mình. Con rướn, vặn người trong lúc ngủ, lúc ăn sữa hay thậm chí là khi thay bỉm. Liệu đây có phải là hiện tượng đáng lo ngại không?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tâm – Trưởng đơn nguyên Nhi II – Trung tâm Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City chia sẻ “Ngủ vặn mình, sâu không giấc là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân phổ biến là do trẻ chưa thích ứng với môi trường bên ngoài bụng mẹ. Bên cạnh đó, một số tác động do môi trường bên ngoài gây ra như: mẹ quấn bé nhiều lớp khiến bé quá nóng và không thể vận động tay chân khiến trẻ khó chịu hoặc bỉm của bé đã đầy tràn”.
Các bác sĩ Nhi đã giải thích về hiện tượng này rằng. Vặn hay rướn người trẻ sơ sinh đơn giản chỉ là một phản xạ của cơ thể đầu đời. Bé đang tìm cách thích nghi, học hỏi với môi trường sống bên ngoài. Vặn vẹo chân tay giúp con cảm nhận và học để điều khiến chúng.
Hơn nữa, lúc này con chưa thể di chuyển theo ý mình nên vặn, rướn người là cách tốt nhất để con kéo giãn mình, khám phá không gian xung quanh theo nhiều chiều.
Mẹ có thể quan tâm:
Trẻ sơ sinh hay vặn mình cả những lúc đi tè đi ị đến đỏ mặt tía tai?
Thêm một câu trả lời nữa rằng đây cũng là điều hoàn toàn bình thường. Trẻ sơ sinh chưa biết đến phạ xạ tè, ị. Do đó, khi có nhu cầu con sẽ vặn mình để dần thích nghi với hoạt động này.
Nếu bé đi ngoài phân mềm, tăng cân tốt thì vặn mình không phải là dấu hiệu con bị táo bón. Bé bú mẹ và bé bú bình sẽ có số lần đi ị khác nhau. Đôi khi có thể con không đi trong vài ngày hoặc đi nhiều lần trong ngày. Chỉ cần mẹ chú ý đến màu sắc phân, độ mềm của phân để đảm bảo con vẫn khỏe mạnh, bình thường.
Con hay vặn mình trong lúc ngủ có phải do thiếu canxi?
Trước tiên, mẹ cần nhận biết hiện tượng vặn mình sinh lý bình thường ở trẻ. Đây là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi bé phải chào đời và ở môi trường rộng lớn hơn bọc nước ối trong bụng mẹ. Dần dần phản xạ này sẽ hết khi trẻ nhiều tháng tuổi hơn.
Còn nếu con vặn mình nhiều, mạnh và kết hợp với các biểu hiện khác như bú ít, lượng ăn thất thường, tăng cân chậm, khóc đêm nhiều, tóc rụng nhiều hơn mức bình thường, thường xuyên trớ sữa thì lúc đó mới có thể đặt ra nghi vấn rằng con có khả năng bị thiếu canxi. Lúc này mẹ nên đưa bé đi khám để được tư vấn cách bổ sung vitamin phù hợp với lứa tuổi của bé.
Mẹo hay giúp bé không vặn mình và ngủ ngon hơn
Mẹ có thể quấn cho bé
Để con được ngon giấc, nhất là trong giai đoạn 2 tháng đầu, khi cơ thể chưa quen với môi trường rộng lớn, chếnh choáng bên ngoài, mẹ có thể quấn cho bé. Hiện nay ở Việt Nam, các mẹ hiện đại đã dần quen với phương pháp làm ổ cuốn hoặc quấn cho bé sơ sinh. Đây là cách để mô phỏng môi trường bên trong bụng mẹ, giúp con ngon giấc hơn.
Mẹ có thể thắc mắc, quấn thế con nóng bức, không phát triển được thì sao. Nhưng trên thực tế, đây là cách các mẹ phương Tây đã áp dụng qua nhiều thập kỷ và nó đã được minh chứng rằng giúp con ngủ sâu giấc. Khi giấc ngủ không bị đứt quãng, bé tỉnh dậy cũng sẽ ăn được nhiều hơn, tăng cân và phát triển tốt hơn.
Còn nếu mẹ e ngại quấn làm bé nóng thì giờ đây các loại quấn mỏng, thích hợp với thời tiết Việt Nam đang ngày càng phổ biến. Do đó, mẹ cứ yên tâm quấn cho bé ngon giấc.
Mẹ có thể quan tâm:
Mách mẹ mẹo hay chữa gắt ngủ cho trẻ sơ sinh để con có giấc ngủ ngon trọn vẹn
Giúp con bú ở tư thế đúng
Bé vặn người trong lúc ăn, mẹ cần kiên nhẫn và tạo ra tâm lý thoải mái, hướng dẫn bé cách ngậm khớp vú đúng. Dần dần, con sẽ trấn an và bình tĩnh hơn.
Đánh lạc hướng sự chú ý của bé
Với trẻ sơ sinh hay vặn người khi thay bỉm tã. Mẹ cần chuẩn bị một không gian rộng rãi thay bỉm cho con. Sử dụng đồ chơi có âm thanh để đánh lạc hướng bé. Sử dụng ti giả cũng có thể giúp con trấn tĩnh hơn.
Vỗ về con
Nếu khi thức con vặn mình nhiều, mẹ có thể bế vác bé lên, dùng tay khum lại và vỗ lên lưng con nhẹ nhàng. Tư thế bế vác giúp trẻ được nghe trái tim mẹ, nhờ đó con sẽ dễ chịu hơn.
Nguồn tham khảo: Hiện tượng vặn mình ở trẻ sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Xem thêm:
- Tắm nắng cho trẻ sơ sinh chống vàng da và giúp hấp thụ vitamin D đúng cách
- Tìm hiểu về bổ sung canxi cho trẻ
- Bé khó ngủ thiếu chất gì? Làm sao để trẻ ngủ ngon?