Bệnh vàng da là trường hợp phổ biến thường xuất hiện ở trẻ mới sinh. Thông thường, tình trạng này sẽ tự biến mất từ 1 đến 2 tuần sau sinh. Tuy nhiên, nếu ba mẹ thấy trẻ sơ sinh bị vàng da vẫn chưa thuyên giản dù đã lâu, bạn nên đưa bé đến các bệnh viện uy tín để kiểm tra và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân vàng da ở trẻ mới sinh
Bilirubin là một loại sắc tố tồn tại trong máu của con người. Đây là loại sắc tố vàng da cam, là chất thải từ việc hồng cầu bị vỡ tự nhiên trong máu. Bilirubin đi qua gan rồi đi ra ngoài cơ thể bằng đường bài tiết như phân hay nước tiểu. Điều này cũng lý giải vì sao phân chúng ta thường có màu vàng (do vi khuẩn oxy hóa bilirubin).
Trong thai kỳ, loại sắc tố này của trẻ sẽ được loại bỏ bởi hoạt động gan của người mẹ. Sau khi chào đời, gan của các thiên thần nhỏ phải mất một thời gian để bắt đầu “làm việc”. Điều này vô tình làm bilirubin tích tụ trong máu quá nhiều và lâu, từ đó dẫn đến tình trạng vàng da ở trẻ mới sinh.
Nói rõ hơn về tình trạng này, đây được gọi là vàng da sinh lý sau sinh ở trẻ nhỏ. Làn da và mắt của các bé sẽ tự chuyển thành màu vàng. Thông thường, vàng da sinh lý sẽ xuất hiện từ 2 đến 3 ngày sau khi các em chào đời và tự biến mất trong vòng 2 tuần.
Với những bé sinh thiếu tháng, tình trạng này có thể xuất hiện ở ngày 5 đến ngày thứ 7 sau sinh. Thời gian tự khỏi cũng sẽ lâu hơn, có khả năng lên đến 2 tháng. Thêm vào đó, tình trạng bé sau sinh bị vàng da có thể đến từ một số yếu tố sau đây:
- Bất đồng nhóm máu mẹ và con
- Chậm đi phân su
- Tình trạng xuất huyết dưới da
- Bào thai bị nhiễm virus
- Mắc các bệnh liên quan đến gan bẩm sinh
Trẻ sơ sinh bị vàng da: Khi nào là nguy hiểm?
Thông thường, bệnh vàng da sẽ tự biến mất khoảng 2 tuần sau sinh. Tuy nhiên, nếu trẻ có một số dấu hiệu sau đây, ba mẹ nên đưa bé đến các bệnh viện uy tín để làm kiểm tra:
- Tình trạng vàng da xuất hiện trước 24 – 36 giờ sau sinh
- Toàn thân, kể cả lòng bàn tay và bàn chân đều bị vàng
- Tình trạng này kéo dài hơn 1 tuần đối với trẻ sinh đủ tháng và hơn 2 tuần với trẻ sinh non
- Vàng da kèm theo các dấu hiệu bất thường ở trẻ như ít bú, nhịp thở nhanh, nhịp tim chậm, sốt, co giật, phân màu bạc, hạ thân nhiệt, ngủ li bì và rất khó đánh thức…
Sau khi buông ra, nếu bị vàng da, nơi ấn ngón tay trên cơ thể con sẽ xuất hiện màu vàng rõ rệt. Khi trẻ có dấu hiệu vàng da nguy hiểm như đã đề cập ở trên, ba mẹ nên gấp rút đưa con đến bệnh viện kiểm tra kịp thời. Vì nếu để lâu dài, con có khả năng bị điếc, chậm phát triển hay thậm chí là bại liệt.
Phòng ngừa vàng da ở trẻ mới sinh
Để tránh vàng da sau sinh gây ra những biến chứng nặng nề, ngoài việc đưa con đến bác sĩ kiểm tra, mẹ có thể áp dụng một số cách phòng ngừa hữu ích dưới đây:
- Trong giai đoạn mang thai, mẹ nên khám thai đúng theo lịch hẹn của bác sĩ, đồng thời hợp tác nhiệt tình trong việc siêu âm. Điều này không chỉ giúp giảm nguy cơ vàng da mà còn phát hiện sớm dấu hiệu dị tật thai nhi, hội chứng down, thai nhẹ cân hay quá cân, nhiễm trùng từ mẹ sang con…
- Trẻ sau khi sinh cần được bú sữa non càng sớm càng tốt, song song đó là giữ ấm cho trẻ để tránh hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và đi phân su sớm.
- Phòng nghỉ của mẹ và bé tại bệnh viện nên có đầy đủ ánh sáng để thuận tiện kiểm tra tình trạng sắc tố da của con.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị vàng da là từ 80% – 85%. Do đó, nếu muốn chăm sóc con một cách tốt nhất, ba mẹ nên trang bị cho mình đầy đủ kiến thức để chuẩn bị chào đón một thiên thần khỏe mạnh đến với thế giới này.
Xem thêm:
- 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh mẹ không được phép lơ là
- 10 điều cha mẹ tuyệt đối tránh khi chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ!
- Mẹ có biết bé yêu sẽ được kiểm tra sức khỏe ngay khi vừa chào đời