Trẻ sơ sinh bị khô da từ khi mới sinh cho đến khoảng 3 tháng tuổi khiến mẹ lo lắng về tình trạng sức khỏe của con. Hiểu được nguyên nhân và cách xử lý sẽ giúp mẹ yên tâm hơn.
Tại sao trẻ sơ sinh bị khô da và bong tróc?
Vẻ ngoài của trẻ sơ sinh có thể thay đổi rất nhiều trong những tháng đầu đời. Tóc của con bạn có thể thay đổi màu sắc và nước da của chúng có thể sáng hơn hoặc sẫm hơn.
Trước khi xuất viện hoặc trong vài ngày sau khi về nhà, da bé sơ sinh bị khô và bong tróc là điều hoàn toàn bình thường. Trẻ sơ sinh bị khô da có thể xảy ra trên bất kỳ bộ phận nào của bé, chẳng hạn như mặt, bàn tay, lòng bàn chân và mắt cá chân.
Trẻ sơ sinh được sinh ra trong nhiều chất lỏng khác nhau bao gồm nước ối, máu và vernix. Vernix là một lớp phủ dày giúp bảo vệ da của em bé khỏi nước ối.
Y tá sẽ luôn vệ sinh và lau sạch cho trẻ ngay sau khi sinh. Sau khi hết lớp vernix, bé yêu sẽ bắt đầu rụng lớp da bên ngoài trong vòng một đến ba tuần. Lượng da bong tróc sẽ khác nhau ở mỗi bé, và tùy thuộc vào việc con sinh non, sinh đúng ngày hay trễ hơn so với ngày dự sinh.
Khi sinh ra, da trẻ sơ sinh càng có nhiều vernix thì sau này sẽ càng ít bong tróc. Trẻ sinh non có nhiều vernix hơn, vì vậy những đứa bé này thường ít khô da và bong tróc ít hơn trẻ sinh vào đúng hoặc sau 40 tuần. Trong cả hai trường hợp, một số vết khô và bong tróc sau khi sinh là bình thường. Hiện tượng bong tróc da sẽ tự biến mất và thường không cần chăm sóc đặc biệt.
Các nguyên nhân khác khi da trẻ sơ sinh bị khô và mẩn đỏ
Bệnh chàm khiến trẻ sơ sinh bị khô da
Trong một số trường hợp, da trẻ bị bong tróc và khô là do bệnh chàm gây nên, hoặc viêm da dị ứng. Bệnh chàm có thể gây ra các mảng khô, đỏ và ngứa trên bề mặt da của bé. Tình trạng này hiếm gặp trong giai đoạn ngay sau khi sinh, nhưng có thể phát triển muộn hơn ở giai đoạn sơ sinh.
Nguyên nhân chính xác của tình trạng da bé sơ sinh bị khô hiện chưa xác định rõ. Nhưng nhiều yếu tố khác nhau có thể gián tiếp gây nên như tiếp xúc với các chất gây kích ứng như dầu gội và chất tẩy rửa. Ngoài ra, nếu bé phải dùng sữa công thức làm từ đậu nành có thể khiến tình trạng da trẻ sơ sinh bị khô và mẩn đỏ trầm trọng thêm. Bác sĩ có thể khuyên mẹ nên chuyển sang sữa công thức khác không chứa đậu nành.
Ichthyosis
Harlequin ichthyosis là một dạng bệnh khô da như vảy cá cực kỳ hiếm và trầm trọng nhất, thuộc nhóm bệnh di truyền gen lặn với tần suất khoảng 1/600.000. Và trẻ sơ sinh cũng có khả năng mắc phải căn bệnh này.
Tình trạng bệnh này sẽ khiến da trẻ sơ sinh bị khô, có vảy, ngứa và bong tróc. Bác sĩ có thể chẩn đoán con bạn mắc chứng này dựa trên tiền sử bệnh của gia đình và khi khám sức khỏe. Xét nghiệm như lấy mẫu máu và da cũng có thể được chỉ định thực hiện.
Không có cách chữa trị bệnh này nhưng bôi kem thường xuyên (theo chỉ định của bác sĩ) có thể làm giảm khô da và cải thiện tình trạng da của bé.
Phương pháp điều trị da khô và bong tróc ở bé
Giảm thời gian tắm của con
Tắm lâu hơn so với thời gian khuyến nghị có thể loại bỏ lớp dầu tự nhiên trên da của trẻ sơ sinh. Nếu mẹ và gia đình đang tắm cho trẻ sơ sinh 20 hoặc 30 phút, hãy giảm thời gian tắm xuống 5 hoặc 10 phút.
Sử dụng nước ấm thay vì nước nóng và chỉ sử dụng chất tẩy rửa không có mùi thơm, không chứa xà phòng, phù hợp với da trẻ sơ sinh. Nếu được, hãy tham khảo tư vấn và gợi ý sản phẩm nên dùng từ bác sĩ của bé.
Bôi kem dưỡng ẩm khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh bị khô da
Thoa kem dưỡng ẩm không gây dị ứng cho trẻ sơ sinh hai lần một ngày, kể cả sau khi tắm giúp giữ ẩm cho làn da bé. Điều này có thể làm dịu tình trạng da trẻ sơ sinh bị khô da và giữ cho làn da của bé mềm mại. Nhẹ nhàng massage làn da của con khi thoa kem dưỡng ẩm có thể gíup con thư giãn và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình bong tróc.
Cho con bú đủ sữa
Giữ cho cơ thể em bé đủ nước bằng cách cho con bú đủ cũng làm giảm khô da. Trẻ sơ sinh không nên uống nước cho đến khi được khoảng 6 tháng tuổi, trừ khi bác sĩ của bé khuyến nghị nên bổ sung thêm nước cho con.
Bảo vệ trẻ sơ sinh khi ra ngoài
Đảm bảo da của con không bị lạnh hoặc gió khi cho bé ra ngoài trời. Hãy mang tất hoặc găng tay lên cho con, hay mang theo một tấm chăn để bảo vệ làn da bé khỏi thời tiết quá nóng hay quá lạnh.
Tránh hóa chất mạnh
Vì làn da của trẻ sơ sinh nhạy cảm nên hãy tránh các hóa chất mạnh có thể gây kích ứng da của trẻ. Không thoa nước hoa hoặc các sản phẩm có mùi thơm lên làn da của trẻ sơ sinh. Chỉ chọn sử dụng những sản phẩm thích hợp cho da của em bé và mua hàng tại các cửa hàng uy tín.
Thay vì giặt quần áo của trẻ sơ sinh bằng bột giặt thông thường, hãy chọn loại bột giặt được thiết kế dành riêng cho làn da nhạy cảm của trẻ.
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Nếu không khí trong nhà quá khô, hãy sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát để nâng cao độ ẩm trong nhà. Máy tạo độ ẩm giúp giảm bệnh chàm và tình trạng khô da ở bé.
Làn da của trẻ sơ sinh luôn rất mịn màng không tì vết và hầu như ai cũng ước muốn mình có làn da như trẻ. Nhưng những tháng đầu đời làm quen với môi trường mới, da con có thể hơi nhãy cảm. Do đó, mẹ hãy chăm sóc con thật tốt và đúng cách nhé.
Xem thêm:
- Bí quyết cho bố mẹ chăm sóc da bé đúng cách và an toàn trong năm đầu đời
- Chăm sóc bé theo mùa – mẹ đã làm đúng cách?
- Da trẻ sơ sinh nổi mạch máu – Nguyên nhân và cách chăm sóc da cho bé
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!