Trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi nằm, ngủ, hay còn gọi là ra mồ hôi trộm là hiện tượng khá phổ biến nhưng cũng không thể lơ là vì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, khiến con khó chịu. Việc trẻ ra nhiều mồ hôi có thể do môi trường, khí hậu hoặc các tác nhân bên trong cơ thể bé, tuỳ trường hợp mà mẹ nên có cách xử lý khác nhau.
Nguyên nhân trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng
Về mặt sinh học, cơ thể tiết ra mồ hôi để làm mát cơ thể, điều chỉnh thân nhiệt, đa số là do các yếu tố khách quan như thời tiết, môi trường… Trẻ nhỏ ra nhiều mồ hôi đặc biệt ở đầu và lưng có thể vì các nguyên nhân sau:
Môi trường nóng bức khiến trẻ ra mồ hôi ở đầu và lưng
Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn chúng ta cũng dễ bị đổ mồ hôi khi ở trong môi trường có nhiệt độ nóng ẩm hay một căn phòng bí bách, không thông thoáng. Bên cạnh đó, nhiều mẹ vì sợ con lạnh mà mặc nhiều lớp quần áo, bao bọc tay chân kỹ lưỡng hay ôm ấp, ằm bồng con khiến nhiệt độ cơ thể mẹ truyền sang nơi tiếp xúc, chủ yếu là lưng và đầu làm bé ra cực kỳ nhiều mồ hôi.
Trẻ nhỏ chưa có khả năng cân bằng nhiệt độ cơ thể
Trẻ khi nằm, đầu và lưng tiếp xúc trực tiếp với bề mặt, không có sự thông thoáng nên rất dễ sinh ra nhiệt, nhất là khi thời tiết nóng bức. Trong khi đó hệ thần kinh của con vẫn chưa phát triền toàn diện nên chưa có sự liên kết với các cơ quan khác để điều hoà nhiệt độ cho cơ thể, dẫn đến cơ thể trẻ phản ứng bằng cách tự nhiên nhất là ra mồ hôi thật nhiều.
Trẻ nhỏ chưa có nhiều tuyến mồ hôi
Ở người lớn, tuyến mồ hôi có ở khắp các bộ phận trên cơ thể, không hạn chế phần nào để có thể giải nhiệt trên diện rộng hơn. Còn với trẻ nhỏ, các bé chưa phát triển được những tuyến mồ hôi quan trọng như nách chẳng hạn, các hoạt động làm mát đều tập trung vào tuyến mồ hôi ở đầu và lưng. Do đó khi con ở trong môi trường nóng bức, bí, hầm hơi thì thường đầu và lưng là 2 nơi ướt nhanh nhất.
Ngoài một số yếu tố khách quan thì trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng nếu bất thường thì cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe của con như:
Dấu hiệu bệnh về tim khiến trẻ ra nhiều mồ hôi
Nếu nhận thấy con đổ nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ, đồng thời ra nhiều mồ hôi mỗi khi vận động hay chơi giỡn thì rất có thể là trẻ gặp vấn đề về tim. Tim không tốt, phải làm việc vất vả hơn để bơm máu khi vận động có thể gây đổ mồ hôi.
Trẻ bị tăng tiết tuyến mồ hôi
Nếu con bị ra nhiều mồ hôi liên tục dù mẹ đã cho ăn mặc thông thoáng, ở trong phòng có nhiệt độ mát mẻ thì khả năng cao là trẻ gặp vấn đề tăng tiết tuyến mồ hôi khiến mồ hôi ra nhiều hơn bình thường. Thông thường bệnh lý này sẽ hết khi con lớn lên.
Bên cạnh đó, một số lý do sau cũng có thể làm trẻ đổ mồ hôi nhiều ở đầu và lưng:
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Trẻ bị béo phì, thừa cân
- Hoặc bị thiếu canxi, vitamin D, kẽm…
- Trẻ bị ốm, cảm sốt hoặc mắc bệnh tuyến giáp, xơ nang, lao sơ nhiễm, bệnh nhiễm trùng khác
- Trẻ chơi đùa quá mức dẫn đến thần kinh không ổn định, căng thẳng
Làm gì khi trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng?
Để cải thiện tình hình này, mẹ có thể áp dụng các biện pháp thay đổi môi trường và cách thức sinh hoạt cho con như:
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Trẻ bị đổ mồ hôi có thể khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu vì thế việc bổ sung vitamin và khoáng chất là vô cùng cần thiết. Cho bé ăn nhiều trái cây, ăn đủ nguồn thực phẩm, bổ sung canxi và vitamin D.
Cân bằng chế độ dinh dưỡng cho con
Thừa cân béo phì hay suy dinh dưỡng đều có thể dẫn đến việc ra nhiều mồ hôi. Mẹ chú ý đảm bảo cân nặng ổn định cho bé, hạn chế cho con ăn thức ăn nhiều dầu mỡ hay uống nước nhiều đường, chất kích thích.
Tạo không gian mát mẻ, thông thoáng
Điều quan trọng nữa là hãy cho con ăn mặc thông thoáng, chất liệu vải thoáng khí, hút mồ hôi. Đồng thời môi trường sinh hoạt hàng ngày cũng nên mát mẻ, không bí bách.
Lau khô mồ hôi thường xuyên và trước khi tắm
Nếu trẻ bị ra nhiều mồ hôi, mẹ hãy thường xuyên lau khô để con không gặp vấn đề về da. Bên cạnh đó đừng tắm bé khi thấy con đổ mồ hôi hay nóng nực mà hãy lau khô mồ hôi, thoáng khí rồi mới cho con tắm nước.
Bổ sung nước uống cho con
Trẻ bị ra nhiều mồ hôi dễ gặp tình trạng mất nước, khô nóng cơ thể. Mẹ hãy đảm bảo con uống đủ nước sạch hàng ngày, có thể bổ sung thêm sữa, nước trái cây.
Nếu tình trạng trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng không thuyên giảm, mà còn đi kèm với các biểu hiện như khó thở, thở hổn hển, mệt mỏi, hay giật mình khi ngủ, chán ăn… thì mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Sự cần thiết của vitamin D3 và cách bổ sung vitamin D3 cho trẻ sơ sinh
- Cách rèn trẻ sơ sinh ngủ đêm thẳng giấc, không ngắt quãng mẹ cần biết
- Mẹ có biết nhiệt độ trẻ sơ sinh thế nào là bình thường và khi nào cần đưa con đến viện ngay?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!