Bé 6 tháng tuổi cần tập trung vào kĩ năng cầm, nắm, rèn luyện hệ cơ xương vững chắc giúp bé chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn tập ngồi, trườn và bò.
Nội dung bài viết:
- Kỹ năng vận động của bé 6 tháng
- Kỹ năng giao tiếp và khả năng ngôn ngữ
- Giấc ngủ của bé
- Thời điểm bạn nên tập cho trẻ quen ăn dặm
Bé 6 tháng tuổi – nửa năm tuổi đầu tiên và bước chuyển giao các kĩ năng thể chất
Ở giai đoạn 6 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu nhận ra người thân xung quanh mình và trẻ luôn cảm thấy thoải mái với người thân hay những món đồ chơi yêu thích của mình. Bạn có thể thấy biểu hiện sợ người lạ của trẻ với nhiều tình huống khôi hài.
Một số đặc điểm về thể chất và vận động của trẻ 6 tháng tuổi
Với trẻ 6 tháng tuổi, chiều dài của bé trai từ: 64 đến 73.2 cm, trung bình khoảng: 68,6cm. Còn bé gái chiều dài từ: 62,4 đến 71,6 cm, trung bình khoảng: 67cm.
Cân nặng của bé trai 6 tháng tuổi trung bình khoảng 8,5kg, bé gái khoảng 7,8kg.
Trong giai đoạn này, thóp của trẻ vẫn chưa khép lại.
Mẹ có thể quan tâm:
Lưu ngay cách chăm sóc trẻ từ 3-4 tháng tuổi giúp con khỏe mẹ nhàn tênh!
Trẻ 6 tháng tuổi có thể phát triển khả năng vận động thô và tinh như:
- Khi nằm, bé có thể thực hiện động tác lật một cách thuần thục
- Khi nằm sấp, hai chân bé đưa thẳng lên cao, và có thể lật ở mọi hướng; có thể dùng hai tay và đầu gối để chống đỡ thân người, tứ chi duỗi thẳng để đẩy người về trước hoặc ra sau; có thể áp sát bụng xuống đất chống đỡ để bò về trước hoặc ra sau. Khi lật ở tư thế nằm sấp, bé có thể gập một bên thân người lại đến tư thế nửa ngồi
- Nếu mẹ kéo tay bé ngồi dậy, bé có thể giữ được thăng bằng, lưng và hông giữ thẳng, có thể ngẩng đầu và tự do hoạt động. Khi ngồi trên ghế, bé có thể cầm và lắc vật phẩm. Nếu bị ngã xuống, bé có thể tự mình ngồi dậy; bé có thể tự ngồi trong khoảng nửa giờ, nhưng thân người cần phải gập về trước và dùng hai tay để chống đỡ
- Khi đỡ lưng để bé đứng dậy, bé có thể nhảy lên xuống
- Những ngón tay của bé đều có thể làm động tác cầm nắm
- Khi đặt đồ chơi nhỏ bên cạnh bé, bé có thể vươn một tay đến đồ chơi và cầm gọn đồ chơi trong lòng bàn tay
- Trong lúc bú sữa, hai tay của bé đã có thể cầm bình sữa
- Khi cầm đồ chơi trong tay, bé có thể lắc lư cổ tay để vật thể di động
- Khi bị quần áo che mặt, bé sẽ tư dùng tay gạt quần áo ra
Em bé 6 tháng chưa cứng cổ có phải là bất thường?
PGS. TS. BS Huỳnh Thoại Loan – Trưởng khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park cho biết, tốc độ phát triển của từng bé là khác nhau, tuy nhiên các bé sẽ có những mốc phát triển chung, không kể các bé sinh non.
Nếu như trẻ đã được 6 tháng tuổi mà có những biểu hiện sau thì ba mẹ nên cho bé đi khám, bởi đa phần chậm phát triển không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng cũng có 1 số trường hợp con mắc phải bệnh lý nào đó nên mới có các dấu hiệu như vậy.
- Con không thể lật người từ bên này sang bên khác
- Con chưa thể ngồi kể cả có sự giúp đỡ của người khác
- Bé vẫn còn phản xạ cổ tonic…
Ở giai đoạn này, cần tập cho trẻ các bài tập vận động nhằm giúp hệ cơ xương của con cứng cáp, chuẩn bị cho kĩ năng tự ngồi, trườn và tiến tới là bò
1. Tập cho bé vận động chân tay trong nước
Bé 5-6 tháng tuổi đã nghịch ngợm hơn rất nhiều. Con tỏ ra quan tâm tới mọi đồ vật có màu sắc hấp dẫn xung quanh. Khi đi tắm, mẹ hãy đặt một quả bóng trong chậu, giữ cho bé lấy chân đạp bóng, để con nằm ngửa đạp chân, nằm sấp vận động. Các bài tập này sẽ giúp chân tay con linh hoạt, nhờ đó con lẫy được dễ dàng và nhanh hơn.
2. Động tác gập bụng cho bé ngồi
Giống như ở tháng thứ 4, bài tập này giúp con sớm biết ngồi hơn. Để bé nằm ngửa, mẹ dùng tay đỡ đầu và lưng bé, kéo con sát về phía người mẹ. Tập đi tập lại nhiều lần trong ngày.
3. Tập ngồi với đồ
Tiếp tục bài tập để bé ngồi trên lòng mẹ, thân cách mẹ một chút, một tay giữ bé, một tay cầm đồ chơi và di chuyển theo các hướng để con với lấy.
4. Cho con tập trườn
Đặt con nằm sấp. Mẹ cầm 2 bàn chân bé, để 2 gót chân sát vào lòng bàn tay mẹ và đẩy đùi bé tiến lên phía trước. Con sẽ nhích dần lên trước. Động tác này giúp con hình thành cảm giác trườn là như thế nào.
Khả năng ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ 6 tháng tuổi
- Bắt đầu kết hợp nguyên âm với khá nhiều phụ âm (thường có f, v, s, sh, z, k, m…), độ to nhỏ, cao thấp, nhanh chậm của âm thanh cũng có thay đổi.
- Khi học nói, phấn khích, động tác của bé cũng nhiều hơn, và thường có phản ứng với giọng nói của phụ nữ.
- Bé có thể biểu đạt sự vui buồn của mình qua âm thanh, có những phản ứng khác nhau đối với ngữ điệu khác nhau.
- Khi nghe người gọi tên mình bé biết xoay đầu lại.
Sự phát triển vượt bậc của trẻ trong khả năng vận động và ngôn ngữ sẽ khiến mẹ vô cùng ngạc nhiên, tuy nhiên, lịch sinh hoạt của trẻ ở thời điểm này cũng sẽ thay đổi so với khoảng thời gian trước đó.
Giấc Ngủ
Vào thời điểm 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh khó có giấc ngủ dài vào ban đêm, điều này trở nên khó khăn hơn cho các bậc làm cha mẹ do trẻ ngủ không sâu và hay giật mình thức dậy vào lúc nửa đêm.
Có nhiều chuyên gia dinh dưỡng từng khuyên rằng các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng khi thấy trẻ giật mình tỉnh giấc rồi hay khóc. Một lời khuyên là cha mẹ không nên đến cạnh trẻ dỗ dành liền khi nghe trẻ khóc mà nên để khoảng 1 thời gian trôi qua, bạn hãy xuất hiện và dỗ dành trẻ.
Nếu bạn xuất hiện kịp thời khi trẻ giật mình và bắt đầu khóc, chắc chắn bạn sẽ dỗ được trẻ nín khóc và có thể đi vào giấc ngủ sau đó nhưng vô tình bạn đã tạo nên thói quen ỷ lại cho trẻ. Còn nếu bạn để một thời gian trôi qua, có thể trẻ sẽ tự dỗ mình bằng cách tự nín khóc và tự đi vào giấc ngủ.
Mẹ có thể quan tâm:
Vì vậy, cha mẹ nên cân nhắc trong việc thiết lập lịch sinh hoạt của trẻ:
- Nếu con đã ngủ ngon giấc theo 3 bước hướng dẫn như trong bài Làm thế nào để trẻ sơ sinh ngủ ngon thì mẹ không cần thiết phải thực hiện theo lịch sinh hoạt này.
- Cần thực hiện theo lịch sinh hoạt tham khảo ít nhất từ 1 tuần trở lên. Do đó, trong thời gian này, mẹ hãy sắp xếp để không có các hoạt động đặc biệt khiến lịch sinh hoạt của bé sơ sinh bị xáo trộn như đi du lịch, thăm viếng họ hàng, v.v.
- Áp dụng lịch sinh hoạt này cho con khi bé đang trong trạng thái sức khỏe tốt, không ốm đau bệnh tật.
- Nên áp dụng lịch sinh hoạt theo đúng tháng tuổi của con.
- Đừng quên rằng lịch sinh hoạt này chỉ là phương hướng tham khảo để tạo ra một lịch sinh hoạt phù hợp nhất với bé của mẹ.
5 điều cần lưu ý về lịch sinh hoạt của bé 5-6 tháng tuổi mà mẹ nên biết là:
- Từ 5 tháng tuổi trở đi, mẹ nên từ từ giảm số giờ ngủ vào buổi chiều để khi tròn 6 tháng bé chỉ còn ngủ 2 giấc/ngày là “giấc ngủ sáng” và “giấc ngủ trưa”.
- Không cần thiết phải vội vã cho bé ăn dặm. Hãy để con được tập từ ít đến nhiều. Nếu mẹ lo lắng vấn đề dị ứng thức ăn thì có thể dời thời điểm ăn dặm muộn hơn 2-3 tháng sau đó.
- Nếu giảm bữa sữa và sữa mẹ cũng ít đi thì nên tăng lượng và bữa sữa vào ban ngày cho con, không tăng bữa đêm.
- Một số trẻ thức giấc sớm từ lúc 5 giờ sáng. Nếu mẹ không thấy quá mệt thì có thể bắt đầu lịch sinh hoạt của một ngày mới luôn cho con khi đó (có thể điều chỉnh giờ ngủ buổi sáng kéo dài ra).
- Bé khóc vào ban đêm không phải lúc nào cũng có nghĩa là con đói. Bé sơ sinh thường mơ ngủ và khóc 1 tiếng 1 lần. Do đó, nếu bé khóc, hãy đợi từ 2-3 phút rồi mới can thiệp.
Thời điểm bạn nên tập cho trẻ quen ăn dặm
Nếu bạn vẫn chưa cho bé ăn dặm thì khi đến ngày đi khám định kỳ của trẻ sơ sinh 3 tháng một lần, chắc chắn bác sĩ cũng khuyên và hướng dẫn bạn cho trẻ ăn dặm.
Hãy bắt đầu những muỗng ăn dặm đầu đời cho trẻ với chất sắt có trong ngũ cốc đầy dinh dưỡng hoặc mẹ có thể pha sữa bột. Đến khi bé có thể tiếp xúc hay ăn dặm với những thành phần ăn dặm thô hơn cháo 1 chút bạn có thể chọn trái cây và rau quả cho trẻ ăn dặm.
Nếu trẻ có vẻ không thích thức ăn mới, bạn đừng vội nản chí. Hãy ngưng lại và để sau vài ngày rồi tiếp tục thử lại cho trẻ, bạn sẽ nhận được hiệu quả bất ngờ. Trẻ sơ sinh thường hay thay đổi về sở thích và thị hiếu, do đó hôm trước nếu trẻ không thích món ăn dặm này thì vài hôm sau, có thể trẻ sẽ chấp nhận ăn món mới này.
Mỗi khi bạn thay đổi hay chọn thực đơn ăn dặm mới cho trẻ, đừng quên theo dõi xem phản ứng của cơ thể trẻ nhé, có thể trẻ sẽ bị phát ban, tiêu chảy, ói mửa…do dị ứng với thức ăn mà bạn không hay biết.
Nguồn tham khảo: Trẻ 6 tháng biết làm gì? Nếu chưa cứng cổ có là bất thường? – Vinmec
Xem thêm:
- 6 điều mẹ không nên làm với trẻ sơ sinh!
- Các bài tập thể chất giúp phát triển hệ cơ xương của trẻ sơ sinh 7-9 tháng tuổi
- Để giấc ngủ con nhẹ nhàng, không nước mắt với 8 mẹo hay từ mẹ Nhật
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!