Trẻ 3 tháng gắt ngủ, ngủ không sâu giấc là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Con nhỏ thường xuyên quấy khóc khiến nhiều bà mẹ cảm thấy lo lắng. Và với những người phụ nữ lần đầu làm mẹ thì lại càng khó khăn hơn nữa trong việc hiểu con đang thực sự muốn gì. Vì sao trẻ 3 tháng gắt ngủ và làm thế nào giúp trẻ có giấc ngủ ngon?
Nguyên nhân trẻ 3 tháng gắt ngủ?
Tình trạng gắt ngủ gặp nhiều nhất ở trẻ trong độ tuổi từ 0-12 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Nhiều trẻ rất buồn ngủ rồi nhưng vẫn chưa chịu ngủ, khóc cáu gắt, quấy ba mẹ rất lâu rồi mới chịu ngủ. Điều này có thể liên quan đến một số nguyên nhân sau:
- Giờ ngủ không cố định mỗi đêm.
- Do hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên giấc ngủ vẫn bị rối loạn khiến trẻ dễ bị giật mình và khóc.
- Ba mẹ bỏ qua biểu hiện buồn ngủ của con.
- Ba mẹ ẵm và đu đưa, điều này vô tình tạo cho trẻ thói quen xấu là làm nũng, nếu không được chăm kiểu đó thì bé gắt.
- Do điều kiện phòng ngủ kém thông thoáng, quá nóng hoặc quá lạnh, ánh sáng quá chói hoặc quá tối, tiếng ồn quá nhiều …
Ngoài ra, bé còn khóc quấy khi cảm thấy mệt mỏi, trong người khó chịu… Khi thấy bé khóc quấy, ba mẹ nên kiểm tra nguyên nhân bé khó chịu, ví dụ như: tã bị ướt gây ẩm thấp, tã quấn quá chặt, cơ thể bé không thoải mái do bị đầy hơi, đau bụng hoặc các vấn đề về sức khỏe khác.
Hậu quả của việc trẻ gắt ngủ kéo dài?
Tình trạng trẻ khó ngủ, gắt ngủ, ngủ không sâu giấc, giật mình, quấy khóc là khá phổ biến, nhưng nếu tình trạng này kéo dài quá lâu sẽ khiến bé bị rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển cân nặng, chiều cao và não bộ của trẻ nhỏ trong giai đoạn đầu đời.
Một số hậu quả thường thấy khi trẻ gắt ngủ liên tục kéo dài:
- Chậm tăng cân: trẻ ngủ không ngon giấc ức chế tuyến tiền yên làm giảm điều tiết hormone tăng trưởng khiến trẻ lười bú và chậm lớn.
- Giảm tăng trưởng chiều cao.
- Ảnh hưởng đến miễn dịch của trẻ: trẻ dễ bị bệnh hơn các trẻ khác.
- Giảm kích thước não bộ: những trẻ ngủ không ngon giấc, hay gắt ngủ, quấy khóc … gây ức chế sự hình thành và phát triển các nơ ron thần kinh, khả năng nhận thức và tiếp thu kém hơn các trẻ khác.
Cải thiện tình trạng trẻ 3 tháng gắt ngủ như thế nào?
Để cải thiện tình trạng trẻ 3 tháng gắt ngủ, quấy khóc trước khi ngủ, mẹ có thể áp dụng một vài cách sau đây
Tập dần cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ
Trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh, mẹ nên cho bé bú và ngủ theo nhu cầu của bé. Hầu hết các bé đều có thời gian ngủ và bú giãn cách từ 30 phút đến 1 tiếng. Vì thế, ba mẹ nên ghi lại các mốc thời gian để điều chỉnh, giãn cữ bú của con để bé ngủ được lâu hơn.
Cho bé bú no trước khi bé ngủ
Để bé có thể ngủ ngon, sâu, không bị gắt ngủ mẹ nên để bé bú no, khi bé chớm buồn ngủ sẽ đặt bé xuống giường/ nôi. Mẹ có thể vỗ về bé hoặc nhẹ nhàng xoa lưng để bé dễ ngủ. Việc nằm thẳng và chìm vào giấc ngủ sẽ tốt hơn việc để bé ngủ chập chờn trên tay mẹ.
Chú ý biểu hiện buồn ngủ của bé
Những bé khi buồn ngủ mắt thường lờ đờ, ngáp và tỏ ra chậm chạp. Vì thế, cha mẹ nên chú ý đến những biểu hiện này để cho bé bú và ngủ ngay. Nếu để bé quá giấc, cơ thể sẽ không tiết ra được chất melatonin làm dịu cơn mệt mỏi, dẫn đến việc trẻ gắt ngủ, liên tục quấy khóc, khó ngủ, ngủ không sâu…
Không tập thói quen rung lắc để ru bé ngủ
Có rất nhiều mẹ khi thấy bé gắt ngủ khóc thét sẽ bế bé trên tay vừa đi vừa rung lắc vừa hát ru bé. Đây không phải là hành vi tiêu cực nhưng lại tạo cho bé thói quen lệ thuộc vào điều này, nên khi mẹ đặt bé xuống giường/ nôi bé sẽ thức dậy và khóc lên. Vì thế, mẹ không nên tập cho bé thói quen này bởi môi trường tốt nhất cho bé ngủ là mặt phẳng, êm ái, thoáng mát và ít tiếng ồn.
Nên cho bé ngủ ở nơi quen thuộc
Dù còn rất nhỏ nhưng bé vẫn có thể cảm nhận được tất cả mọi thứ xung quanh. Nhiều bé chỉ ngủ ngon khi được đặt vào đúng nơi, đúng chỗ trên giường của mình. Đây cũng là một cách để bố mẹ tập cho bé thói quen đi ngủ đúng giờ, đúng chỗ.
Không cho bé bú trong lúc ngủ say
Có rất nhiều mẹ thường áp dụng một cách máy móc theo các tài liệu về việc nuôi và chăm sóc trẻ. Chẳng hạn, mẹ thường cứ canh đúng 30 phút – 1 tiếng sẽ cho con bú 1 lần và vì áp dụng cách này nên khi bé đang ngủ giữa đêm cũng sẽ được mẹ cho bú. Chính việc khiến bé thức giấc có thể sẽ làm bé khó chịu, quấy khóc, gắt ngủ.
Tạo cho bé không gian ngủ thoáng mát, đủ tối và không ồn
Để giấc ngủ bé được sâu và ngon hơn, mẹ nên đặt bé ngủ trong phòng tránh gió lùa, không khí thoáng mát và yên tĩnh. Khi cho bé ngủ, mẹ nên hạn chế ánh sáng và tiếng ồn. Tập cho bé ngủ ngoan từ nhỏ sẽ giúp bé hình thành thói quen tốt sau này.
Sử dụng âm thanh lặp đi lặp lại
Có những em bé chỉ ngừng khóc khi nghe thấy âm thanh đều đều như tiếng máy sấy tóc, âm nhạc êm dịu… Do đó, khi bé gắt ngủ nếu đã dùng mọi cách mà bé vẫn không nín, mẹ có thể sử dụng những loại âm thanh trên. Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng tiếng ồn trắng (white noise) để tạo cho trẻ cảm giác quen thuộc, an toàn, dễ đi vào giấc ngủ.
Như vậy, để khắc phục tình trạng trẻ gắt ngủ mẹ nên chú ý đến những biểu hiện của bé và tập cho bé những thói quen tốt ngay từ bây giờ. Khi giấc ngủ trẻ đã đi vào nề nếp thì việc trẻ gắt ngủ, quấy khóc trước khi ngủ cũng sẽ giảm dần và biến mất sau một thời gian.
Xem thêm:
- Bé gắt ngủ – 7 sai lầm khi cho con ngủ mà mẹ không ngờ tới
- Cơ cấu giấc ngủ của trẻ nhỏ
- Mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh ngủ ít khiến con hay cáu gắt, chậm phát triển
Vào ngay Fanpage của The Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác