Tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm và rất thường gặp ở mẹ bầu. Nếu để chỉ số đường huyết tăng quá cao trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu và thai nhi có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm. Vậy chỉ số tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là nguy hiểm cho mẹ và bé?
Hãy cùng theAsianparent tìm hiểu qua bài viết dưới đây để có biện pháp phòng tránh và điều trị thích hợp.
Tìm hiểu về bệnh tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường. Khác với tiểu đường típ 2, tiểu đường thai kỳ chỉ xảy ra trong quá trình mang thai, cụ thể là ở tuần thai 24 – 28 do tình trạng rối loạn dung nạp glucose trong cơ thể người mẹ.
Tỷ lệ mẹ bầu có khả năng bị tiểu đường thai kỳ là khá cao: Cứ 5 người mang bầu sẽ có 1 người bị bệnh tiểu đường. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ gây nhiều biến chứng bất lợi cho mẹ và bé.
Biểu hiện
Đây là căn bệnh khá nguy hiểm vì nó không biểu hiện nhiều ra bên ngoài mà âm thầm tàn phá cơ thể. Mẹ bầu nên để ý một số triệu chứng dưới đây và nên đi khám bác sĩ ngay nếu gặp phải tình trạng:
- Luôn trong tình trạng khát nước và đi tiểu nhiều, nước tiểu có nhiều kiến bâu
- Vùng kín bị nấm men, ngứa ngáy, khó chịu…
- Khó lành các vết trầy xước, vết thương
- Sụt cân không rõ nguyên nhân, cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng
Những biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ
Đối với thai nhi
- Đa ối
- Tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, thai chết lưu
- Vàng da sơ sinh, hạ canxi máu, nhiễm trùng đường huyết
- Con to, có nguy cơ dị tật bẩm sinh
- Tăng nguy cơ béo phì và tiểu đường khi trưởng thành (típ 1)
Đối với mẹ bầu
- Tiền sản giật – sản giật (tăng huyết áp sau tuần 20 của thai kỳ kèm tiểu đạm)
- Do thai to nên có nguy cơ sang chấn đường sinh dục khi sinh (tổn thương trực tràng, sa sàn chậu, sa bàng quang), hoặc phải mổ lấy thai.
- Băng huyết sau sinh
- Thuyên tắc ối
- Nguy cơ bị chuyển biến thành tiểu đường típ 2 sau sinh.
- Bị phù
Chỉ số tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là nguy hiểm?
Tìm hiểu về chỉ số tiểu đường
Chỉ số tiểu đường hay còn gọi là chỉ số đường huyết – Glycemic Index (GI) là chỉ số phản ánh tốc độ tăng nồng độ đường trong máu. Chỉ số này khác nhau ở từng thời điểm trong ngày. Vì vậy, phải tiến hành đo đường huyết nhiều lần ở các thời điểm khác nhau trong một ngày:
- Lúc đói
- Trước khi ăn
- Sau khi ăn
Đơn vị tính là mg/dl hoặc mmol/L.
Chỉ số tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là nguy hiểm
Mẹ mang thai bình thường có mức chỉ số tiểu đường như sau:
- Lúc đói: 70,9 mg/dL ± 7,8 (3,94 mmol/L ± 0,43)
- Một giờ sau ăn: 108.9 mg/dL ± 12.9 (6.05mmol/L ± 0.72)
- Hai giờ sau ăn: 99.3 mg/dL ± 10.2 (5.52mmol/L ± .57)
Nếu kết quả xét nghiệm có ít nhất 2 lần vượt qua chỉ số trên thì người mẹ có khả năng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Máy đo chỉ số tiểu đường thai kỳ tại nhà
Trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu cần phải theo dõi đường huyết thường xuyên hơn bình thường. Vì vậy, máy đo đường huyết ra đời để đáp ứng nhu cầu này. Đây là sản phẩm tiện lợi cho việc theo dõi chỉ số đường trong máu. Thay vì thường xuyên đến các cơ sở y tế để đo đường huyết, sở hữu một máy đo đường huyết tại nhà, bạn sẽ có nhiều lợi ích hơn:
- Tiết kiệm thời gian và chi phí đo khám, di chuyển, chờ đợi,…
- Có thể đo cho nhiều người trên một máy
- Cách sử dụng đơn giản, dễ dàng
- Kết quả chính xác
- Sản phẩm gọn nhẹ, dễ mang theo bên người
Hãy nắm được các chỉ số tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là nguy hiểm để đưa ra những kết luận chính xác về tình trạng sức khỏe của bạn. Hoặc bạn có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ sau khi đã có kết quả đo.
Cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Nhiều người cho rằng khi mang bầu, các mẹ phải ăn nhiều cơm, nhiều tinh bột thì thai nhi mới mau lớn. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Điều này chỉ khiến các mẹ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn mà thôi.
Theo các chuyên gia, mẹ bầu nên ăn đầy đủ 4 nhóm chất: Bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó, hãy cố gắng cân bằng lượng bột đường và các nhóm chất còn lại để chỉ số đường huyết không tăng quá cao sau khi ăn.
Bên cạnh đó, tuyệt đốt không uống nước ngọt, soda, nước tăng lực,… Vì trong nước ngọt có chứa rất nhiều đường, gây nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cực kì cao cho mẹ bầu. Ngoài ra, các loại nước này chứa nhiều thành phần hóa học, phẩm màu độc hại gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Vận động là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa tiểu đường thai kỳ, tăng cường sự dẻo dai, sức chịu đựng của cơ thể và hoạt động của hệ tim mạch. Ngoài ra, trong lúc tập thể dục, cơ thể sẽ tiết ra các nội tiết tố giúp bạn cảm thấy thoải mái, lạc quan và phòng tránh stress hiệu quả
Hãy dành 30 phút mỗi ngày cho các bài tập thể dục phù hợp như đi bộ hoặc bơi lội, tham gia các lớp yoga cho phụ nữ mang thai. Nếu không thể tập liên tục 30 phút, mẹ bầu cũng có thể chia nhỏ thời gian tập mỗi lần khoảng 10 phút. Bên cạnh đó, các loại hình vận động khác như làm việc nhà, đi thang bộ, nấu ăn,… cũng được xem là hiệu quả tương đương tập thể dục.
Khám thai định kỳ
Khám thai định kỳ đầy đủ để phát hiện kịp thời những thay đổi trong cơ thể là một trong những biện pháp phòng tránh đái tháo đường thai kỳ cùng nhiều bệnh lý khác trong suốt thời kỳ mang thai.
Ngoài ra, sau khi sinh, các mẹ bị tiểu đường thai kỳ cũng cần được kiểm tra đường huyết sau sinh 6 – 12 tuần để tránh nguy cơ bị tiểu đường lâm sàng.
Mẹ bầu cũng đừng quá lo lắng về việc mình có thể sẽ mắc phải tiểu đường thai kỳ. Trang bị cho mình những kiến thức về căn bệnh này cũng như biết được chỉ số tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là nguy hiểm sẽ giúp mẹ chú ý đến chế độ ăn uống và vận động khoa học hơn. Từ đó có thể bảo vệ được sức khỏe cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
Xem thêm:
- Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé
- Mẹ bị tiểu đường thai kỳ ăn khoai môn được không?
- Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có uống được nước dừa không?