Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là một trong số những mũi tiêm quan trọng dành cho phụ nữ mang thai. Mẹ bầu đã hiểu rõ về loại vắc xin này chưa?
Tại sao cần tiêm phòng uốn ván khi mang thai
Uốn ván là một căn bệnh nhiễm trùng cấp tính, có tỷ lệ tử vong cao. Đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Thời kỳ ủ bệnh khoảng 4 – 21 ngày. Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong rất cao 25 – 90%. Đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, với tỷ lệ tử vong trên 95%.
Đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh này là những người có vết thương hở ngoài da. Nhất là phụ nữ trong quá trình chuyển dạ sinh nở, trẻ sơ sinh qua đường cắt rốn…
Hiện nay, hầu hết phụ nữ mang thai hầu hết chưa từng được tiêm vacxin phòng uốn ván. Do đó cũng không có miễn dịch với bệnh.
Ngoài ra, điều kiện vô trùng trong đỡ đẻ tại các cơ sở y tế cũng còn yếu kém (nhiều khi dụng cụ đỡ đẻ không được luộc sôi đủ 20 phút, mầm bệnh uốn ván vẫn còn) cũng là những nguyên nhân dẫn đến bệnh uốn ván.
Vì thế, phụ nữ khi đang ở độ tuổi sinh đẻ, chưa từng được tạo miễn dịch uốn ván cần được tiêm chủng để bảo vệ chính bà bầu và cả trẻ sơ sinh. Theo đó, tổng số lần tiêm là 5 lần, sau 5 lần có tiêm nhắc lại hay không còn tùy thuộc vào thai nghén sau cách mũi cuối cùng bao lâu.
Lịch tiêm phòng uốn ván cho bà bầu
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ (có thai hoặc không có thai) đều cần được tiêm phòng uốn ván để tạo ra kháng thể giúp cả mẹ và trẻ sơ sinh được bảo vệ trong trường hợp không may bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập. Tổng số lần tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi) là 5 mũi.
Với phụ nữ mang thai lần đầu
Với phụ nữ lần đầu mang thai, trước đó chưa tiêm phòng uốn ván hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều sẽ được tiêm 2 mũi:
- Mũi 1: Được tiêm khi thai kỳ được khoảng 20 tuần trở lên, không nên tiêm quá sớm vì những tuần đầu thai nhi chưa ổn định
- Mũi 2: Được tiêm sau mũi tiêm đầu ít nhất 30 ngày và phải tiêm trước khi sinh ít nhất 30 ngày.
Với phụ nữ mang thai lần hai
- Trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai dưới 5 năm và đã tiêm đủ 2 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì tiêm 1 liều uốn ván khi thai kỳ đủ 24 tuần.
- Trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên 5 năm hoặc trước đó mới tiêm 1 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì tiêm 2 liều uốn ván như mang thai lần đầu.
Tiêm phòng uốn ván khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi?
Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu thực chất là tiêm trước phơi nhiễm, tạo kháng thể cho mẹ. Từ đó tránh được nguy cơ lây nhiễm khi chuyển dạ. Đồng thời hỗ trợ cho cơ thể bé, hạn chế tối đa nhiễm trùng uốn ván khi cắt dây rốn.
Vì vậy, tiêm uốn ván trong thai kỳ hoàn toàn không ảnh hưởng đến thai nhi. Ngược lại còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và con.
Lưu ý khi tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu
Hãy đảm bảo tiêm phòng đủ các mũi tiêm trong thời gian thai kỳ, tiêm sau ít nhất từ tuần thai 20 trở đi và cách ngày sinh ít nhất 30 ngày. Vì thế mẹ bầu tuyệt đối không tự ý đi tiêm mà cần dựa trên tính toán tuổi thai, số lần mang thai.
Việc tiêm phòng vắc xin uốn ván có thể khiến mẹ bị sưng đau tại vị trí tiêm. Tình trạng này sẽ tự động khỏi sau một thời gian (3-4 ngày), không cần sử dụng thuốc, hay chườm đắp vào vị trí tiêm, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe bản thân và thai nhi.
Nếu mẹ có phản ứng quá mức hoặc bất thường sau khi tiêm phòng, hãy thông báo cho bác sỹ để được xử lý kịp thời. Vacxin phòng uốn ván phải được bảo quản lạnh, tiêm bắp thịt mỗi liều 0,5 ml. Các mẹ bầu cần nhớ, dù đã tiêm 4-5 mũi từ trước thì lần có thai sau đã quá 1 năm vẫn cần tiêm nhắc lại.
Việc tiêm phòng uốn ván cho bà bầu được thực hiện tại các cơ sở y tế thực hiện công tác tiêm chủng như: trạm y tế phường, trung tâm y tế dự phòng hoặc các bệnh viện sản. Ngoài ra, các mẹ bầu cũng nên chọn cơ sở tiêm phòng uy tín đã được chứng nhận của Bộ y tế về tiêm chủng để đảm bảo an toàn.
Xem thêm:
- Tiêm phòng khi mang thai có thực sự rủi ro như mẹ nghĩ?
- Chích ngừa trước khi mang thai: Mẹ bầu không thể bỏ qua!
- Chích ngừa ung thư cổ tử cung – Mẹ hãy phòng còn hơn chữa bệnh!