Tiêm chủng trước khi cưới có thật sự cần thiết cho cặp đôi? Lý do nào cả vợ và chồng cần phải tiêm ngừa vaccine? Những mũi tiêm nào nên được tiêm phòng?
Vì sao và khi nào cặp đôi nên tiêm chủng trước khi cưới?
Có khá nhiều thứ các cặp đôi phải nghĩ đến và chuẩn bị cho đám cưới và cuộc sống cùng nhau. Ngoài chuẩn bị về vật chất và tinh thần thì sự chuẩn bị về sức khoẻ cũng rất quan trọng. Một trong số đó là thăm khám sức khoẻ tiền hôn nhân và tiêm chủng trước khi cưới. Đặc biệt là khi cặp đôi quyết định sẽ sớm có em bé sau khi kết hôn.
Việc tiêm phòng vaccine là cách tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch cho bạn. Từ đó tạo tiền đề để truyền kháng thể qua nhau thai và sữa mẹ cho bé sau khi sinh, cũng giúp con có hệ miễn dịch tốt.
Phái mạnh có thể nói là khá dửng dưng và ngại trước vấn đề kiểm tra sức khoẻ và tiêm chủng trước khi cưới. Việc làm này sẽ giúp chàng kiểm tra sức khoẻ, ngăn ngừa lây bệnh (nếu có) cho vợ, đồng thời giúp con ngăn ngừa bệnh từ bố.
Thông thường, các chuyên gia khuyên nên khám tổng quát và kết hợp tiêm chủng trước khi cưới khoảng 6 tháng, nhất là nếu dự định có con ngay. Nếu có bệnh, cả hai sẽ có thời gian để trị bệnh trước khi kết hôn.
Cần chuẩn bị gì khi đi tiêm chủng trước khi cưới?
Việc chọn loại vaccine cần được tiêm phải có sự tư vấn của chuyên gia hay bác sĩ. Do đó, cặp đôi cần phải được tư vấn đầy đủ và biết được nguyên do mình nên tiêm chủng mũi vaccine đó.
Để xác định các mũi tiêm chủng trước khi cưới thì sẽ dựa vào các yếu tố sau:
- Hai bạn đã tiêm những mũi tiêm phòng nào? Hãy mang theo sổ tiêm chủng từ khi sinh để bác sĩ có thông tin đánh giá
- Kế hoạch có thai và sinh con sau cưới như thế nào?
- Có từng mắc những bệnh truyền nhiễm nào trước đây không?
Trong trường hợp bạn đã có tiêm chủng trước đó nhưng không còn giữ sổ và không nhớ thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định làm vài xét nghiệm (thường là xét nghiệm máu).
Những mũi vaccine nào thường được tiêm chủng trước khi cưới?
Vaccine phòng sởi – quai bị – rubella
Sởi, quai bị, rubella (bệnh sởi Đức) là ba bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao và có khả năng gây ra biến chứng nguy hiểm cho người mắc bệnh. Nếu mẹ tương lai chẳng may mắc một trong ba bệnh này thì nguy cơ sảy thai, thai nhi dị tật, chậm phát triển hoặc sinh non khi mang thai rất cao.
Chỉ cần tiêm 1 mũi MMR (vaccine 3 trong 1) là có thể bảo vệ mẹ và bé suốt thai kỳ. Và mụi tiêm này nên được tiêm tối thiểu 1 tháng, khuyến nghị là 3 tháng trở lại trước khi mang thai.
Vaccine ngừa thuỷ đậu
Một trong những căn bệnh dễ lây nhiễm nữa lả thuỷ đậu. Nếu chẳng may bị thuỷ đậu trong thời gian mang thai thì có thể lây cho bé và khiến con bị thuỷ đậu bầm sinh. 2% trường hợp con sẽ có khả năng bị dị tật bẩm sinh nếu mẹ bị thuỷ đậu trong 2 tháng đầu.
Vaccine tiêm chủng trước khi cưới ngừa cúm mùa
Trong 4 tháng cuối thai kỳ, nếu mẹ chẳng may bị cúm mùa thi sẽ dễ dẫn đến các biến chứng như viêm phổi. Hơn thế nữa, thai phụ còn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, đau họng và ho. Và tiêm chủng trước khi cưới để ngăn ngừa cúm mùa sẽ bảo vệ mẹ không mắc phải cúm mùa.
Vaccine ngăn ngừa viêm gan
Viêm gan B do virus Hepatitis B (HBV) gây ra. Nhiễm viêm gan B có thể gây bệnh gan mạn tính, thậm chí có thể gây xơ gan, ung thư gan. Nếu người chồng mắc viêm gan B thì cũng có khả năng lây cho người vợ. Và nếu mang thai thì con sẽ bị nhiễm bệnh và mắc viêm gan B bẩm sinh.
Do đó, hãy tiêm chủng trước khi cưới để ngăn ngừa viêm gan B. Hoặc nếu phát hiện đã mắc bệnh thì cần kiên trì theo dõi và điều trị.
Hôn nhân là một bước tiến quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Do đó, hãy chuẩn bị tốt nhất có thể về thể chất và tinh thần lẫn tâm lý để có một cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Xem thêm:
- Bí kíp tránh tranh cãi trước ngày cưới các cặp đôi không nên bỏ qua
- Làm sao để thoát khỏi khủng hoảng tiền hôn nhân?
- Bảng giá khám sức khỏe tiền hôn nhân ở bệnh viện Từ Dũ là bao nhiêu?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!