Thuốc làm mất sữa là gì? Mẹ bỉm có nên sử dụng loại thuốc này hay không? Thuốc mất sữa có thực sự hiệu quả và an toàn cho sức khỏe? Mời mẹ cùng theAsianparent tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Vì sao mẹ cần phải làm mất sữa?
Khi bé bước vào giai đoạn cai sữa, lượng sữa tiết ra không được tiêu thụ sẽ gây tắc tia sữa và làm căng tức vùng ngực. Đa số các mẹ khi gặp tình trạng này đều bị sốt vì cơn căng tức ngực diễn ra dai dẳng và kéo dài. Vì vậy, khi cai sữa cho con, nhiều mẹ tìm đến các loại thuốc mất sữa để giảm tình trạng căng tức khó chịu này.
Cơ chế hoạt động của thuốc làm mất sữa?
Tác dụng của loại thuốc này là ngăn chặn việc sản sinh hormone prolactin từ tuyến yên trong cơ thể mẹ bỉm, khiến quá trình điều khiển sự tiết sữa ở bà mẹ đang cho con bú bị ảnh hưởng. Từ đó, tuyến sữa sẽ giảm tiết sữa một cách nhanh chóng, giúp mẹ giảm cảm giác căng tức khó chịu.
3 loại thuốc làm mất sữa phổ biến được nhiều người sử dụng là cabergolin (dostinex), bromocriptin (parlodel) và quinagolid (norprolac). Trong đó, loại bromocriptin được dùng cho những người đang cho con bú và muốn cai sữa cho con.
Một số mẹ còn phối hợp dùng thuốc tránh thai để làm giảm hẳn lượng sữa. Thuốc tránh thai có tác dụng làm tăng hormone estrogen, khiến hàm lượng hormone prolactin giảm xuống, từ đó giúp cơ thể ngừng tiết sữa. Vitamin B6 cũng là một trong những loại thuốc có khả năng làm mất sữa.
Ưu điểm và nhược điểm của thuốc làm mất sữa
Ưu điểm
- Thuốc hiệu quả khá nhanh, mẹ có thể giảm tiết sữa và mất sữa hoàn toàn chỉ sau khoảng vài ngày
- Giúp giảm tình trạng căng tức, đau đớn ở bầu ngực
- Mẹ dễ dàng tìm mua ở các hiệu thuốc
- Chi phí khá hợp lý
Nhược điểm
- Mẹ có tiền sử bị huyết áp thấp hoặc bệnh tim mạch không nên sử dụng
- Thuốc có tác động đến hệ thần kinh trung ương nên mẹ dễ bị tác dụng phụ là hoa mắt, chóng mặt, đau đầu nhẹ
- Nhiều mẹ đã bị táo bón sau khi uống thuốc
- Dù hiếm gặp nhưng một số mẹ có thể gặp tình trạng đau bụng và nôn dữ dội
- Vì sự thay đổi hormone trong cơ thể nên cả thể chất lẫn tinh thần, tâm trạng của người mẹ cũng có những thay đổi nhất định
Những hiện tượng trên không phải ai uống thuốc này cũng gặp. Việc gặp những tác dụng phụ còn tùy theo thể chất, chế độ ăn uống và cơ địa của từng mẹ.
Cách làm mất sữa tự nhiên và an toàn
Giảm dần cữ bú
Hoạt động ngậm bắt và mút núm vú mẹ của bé sẽ kích thích lượng sữa tiết ra. Vì vậy, để làm mất sữa, mẹ hãy giảm dần cữ bú của con. Chẳng hạn một ngày bé bú 6 cữ thì trong tuần đầu tiên mẹ giảm xuống còn 5 cữ, và tiếp tục giảm dần trong những tuần tiếp theo.
Vắt sữa bằng tay
Vắt sữa bằng tay có độ kích thích tiết sữa nhẹ hơn rất nhiều so với khi con bú mẹ. Vì vậy, song song với việc giảm cữ bú, mẹ có thể vắt sữa ra cho bé bú bình hoặc đút bằng thìa thay vì tiếp tục cho con bú trực tiếp.
Ăn thực phẩm gây mất sữa
Kinh nghiệm thực tế cho thấy có một số thực phẩm có thể thực sự gây mất sữa như:
- Các loại rau quả như lá lốt, bạc hà, tỏi ớt, khổ qua, bắp cải, các loại măng
- Thực phẩm chứa cafein như socola, cà phê, trà xanh
- Thức uống có cồn, nước ngọt có gas
Mẹ muốn mất sữa có thể thử ăn các loại thực phẩm kể trên nhé. Tuy nhiên mẹ nhớ không nên sử dụng với liều lượng quá nhiều các thực phẩm chứa cafein hay cồn,… vì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Đắp bắp cải ướp lạnh lên ngực
Cách này rất đơn giản. Mẹ lấy lá bắp cải rửa sạch rồi bỏ trong ngăn mát tủ lạnh khoảng nửa tiếng, sau đó đắp lên bầu ngực đều đặn mỗi ngày, lượng sữa sẽ nhanh chóng giảm đi. Thời gian mất sữa nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cơ địa của mẹ.
Tránh kích thích núm vú
Bạn nên hạn chế hành động kích thích núm vú để tránh khiến tuyến sữa tiếp tục tiết ra. Không nên mặc áo ngực quá chật. Để tránh cho sữa bị rỉ ra dính vào áo thì mẹ có thể dùng miếng lót để thấm khô sữa, tránh lau chùi trực tiếp vào núm vú.
Uống trà từ cây xô thơm
Trong cây xô thơm có chứa estrogen tự nhiên giúp nguồn sữa mẹ tiết ra ít dần. Bạn có thể pha trà từ cây xô thơm để uống với sữa hay mật ong mỗi ngày. Vừa ngon lại vừa giúp mẹ giảm tiết sữa hiệu quả.
Vừa rồi là những thông tin về thuốc làm mất sữa cho các mẹ đang trong quá trình cai sữa cho con. Sử dụng thuốc sẽ giúp mẹ mất sữa nhanh chóng và hiệu quả nhưng cũng chứa khá nhiều nhược điểm và tác dụng phụ. Vì vậy mẹ nên chú ý cân nhắc thật kỹ và phải sử dụng đúng theo liều lượng được thầy thuốc kê toa nhé.
Xem thêm:
- Sau khi cai sữa bao lâu thì hết sữa? Đâu là cách cai sữa hữu hiệu cho con?
- Mẹ bầu cai sữa bao lâu thì hết sữa 100%?
- Cai sữa đã lâu nhưng ngực vẫn tiết sữa bất thường?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!