Bài học về hạnh phúc từ thiền sư Thích Nhất Hạnh
Chúng ta ai cũng mưu cầu hạnh phúc nhưng có mấy ai biết hạnh phúc là gì? Tại sao những ý niệm về hạnh phúc lại ngăn cản ta có được hạnh phúc đích thực? Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ cho bạn những gợi ý để khám phá một cách tường tận diện mạo đích thực của hạnh phúc và làm thế nào để có thể đạt được hạnh phúc ngay trong hiện tại.
Hạnh phúc là được an trú trong phút giây hiện tại
Thiền sư cho rằng khi có một ý niệm về hạnh phúc rồi thì ta không thể an trú trong hiện tại được, vì chúng ta cứ nghĩ rằng chừng nào chúng ta đạt được cái đó, thành tựu được cái kia, thì mới có hạnh phúc. Khi có một dục niệm như vậy làm sao mà có hạnh phúc ngay trong hiện tại được? Cho nên điều kiện tiên quyết để có hạnh phúc là phải rời bỏ cái ý niệm về hạnh phúc đi để có thể an trú trong hiện tại.
“Hiện tại ta không có an lạc, hạnh phúc, đợi đến khi nào ta mới có? Cái gì ngăn cản không cho ta có hạnh phúc ngay bây giờ?”
Cái cảm nghĩ thiên đường trong quá khứ bao giờ cũng đẹp hơn thực tế hiện tại, thường được nuôi dưỡng bằng những kỷ niệm của tuổi thơ mà ta thường nghĩ bây giờ không còn nữa. Những hạnh phúc đó còn lại trong tàng thức ta dưới dạng những hạt giống hạnh phúc, khiến ta thường có cảm tưởng thiên đường đó đã mất và thường cố gắng tìm lại.
Để tìm thấy hạnh phúc, chúng ta phải buông bỏ quá khứ và ngừng lo lắng về tương lai. Hiện tại là thứ duy nhất chúng ta có thể kiểm soát. Chúng ta cần tận hưởng trọn vẹn giây phút hiện tại. Bằng cách đó, bạn sẽ tìm thấy sự bình an trong từng khoảng khắc và trải nghiệm hạnh phúc thực sự.
An lạc và hạnh phúc
Buổi sáng thức dậy, mỗi người đều có hai mươi bốn giờ để sống. Đó là một món quà quý giá. Chúng ta sống như thế nào để có an lạc và hạnh phúc trong suốt hai mươi bốn giờ, mà người khác cũng nhờ đó mà có an lạc và hạnh phúc.
An lạc có mặt trong ta ngay tại đây trong giờ phút này, trong mỗi vật và mỗi việc ta làm hay ta thấy. Vấn đề là ta có biết tiếp xúc với nó không. Bầu trời xanh ở ngay trước mắt ta, ta đâu cần phải đi đâu xa để thưởng thức trời xanh. Không khí trong lành ta thở đã có thể cho ta biết bao hạnh phúc rồi.
Chúng ta có thể hy sinh mười năm trời để dành cho được mảnh bằng kỹ sư hay bác sĩ, ta sẵn sàng làm việc rất cực nhọc để có công ăn việc làm, để mua nhà, mua xe v.v… Nhưng lại quên rằng ta đang sống trong hiện tại và ta chỉ có thể thật sự sống trong giây phút hiện tại mà thôi.
Chỉ cần tỉnh thức thì mỗi hơi thở và mỗi bước chân là một nguồn an lạc, chúng cho ta biết bao niềm vui và biết bao sự thanh thản.
Thực hành chánh niệm để có được hạnh phúc
Thực tập chánh niệm là để khám phá ra rằng không có gì đã qua và đã mất. Cái hạt giống hạnh phúc kia của thiên đường tuổi thơ vẫn còn trong chúng ta. Nếu biết thực tập nghĩa là biết cày bừa ruộng tâm, biết tưới tẩm và vun bón hạt giống, ta có thể tiếp xúc và làm phát khởi niềm hạnh phúc đó trở lại.
Thực hành mỉm cười để hạnh phúc
Trong đời sống hàng ngày, nếu ta biết mỉm cười, nếu ta có an lạc hạnh phúc, thì không phải chỉ có ta được sung sướng mà mọi người quanh ta cũng sung sướng. Bắt đầu một ngày bằng nụ cười, điều đó không khôn ngoan hơn sao?
Ta mỉm cười chứng tỏ ta có chánh niệm, có quyết tâm sống cho an lạc, hạnh phúc. Một nụ cười có chánh niệm là một nụ cười thật sự, không giả tạo, không méo xệch.
Làm sao để nhớ mỉm cười khi thức dậy? Bạn có thể treo trên đầu giường một cành cây, một chiếc lá hay một câu thơ để nhắc nhở bạn mỉm cười khi thức dậy. Thực tập lâu ngày bạn sẽ tự nhiên mỉm cười khi nghe chim hót, khi thấy nắng ấm và bạn sống một ngày thật nhẹ nhàng.
Khi thấy một người mỉm cười, tôi biết là người đó đang sống thật tỉnh thức.
Nụ cười mầu nhiệm như vậy đó, nó nuôi dưỡng chánh niệm và sự bình thản, đem lại an lạc mà ta tưởng đã đánh mất. Khi ta mỉm cười, ta đem lại hạnh phúc cho ta và cho cả những người quanh ta. Ta tốn biết bao nhiêu tiền để mua quà cho những người thân, trong khi ta chẳng cần tốn đồng nào mà vẫn có thể tặng một món quà vô giá là nụ cười chánh niệm của ta?
Tập thở để hạnh phúc
Chánh niệm rất cụ thể. Khi chú ý tới hơi thở là ta đã có chánh niệm rồi. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp dạy tập thở để có cuộc sống vui vẻ.
Bài tập thở theo hướng dẫn của thiền sư rất đơn giản. Khi thở vào, bạn tự nhủ: “Tôi biết là tôi đang thở vào. Khi thở ra, bạn tự nhủ:” tôi biết tôi đang thở ra, chỉ có thế. Thở vào hay thở ra, bạn đều ý thức rõ ràng.
Đôi khi bạn chỉ cần nói “vào” – “ra”. Phương pháp này giúp bạn định tâm vào hơi thở. Càng thực tập, bạn càng thấy hơi thở bạn trở nên êm dịu, và thân tâm bạn trở nên thanh thản nhẹ nhàng. Sự thực tập này không có gì khó khăn. Chỉ sau một vài hơi thở, bạn đã hưởng được hoa trái của thiền tập.
Thở vào, thở ra là một điều quan trọng và là một niềm vui lớn. Hơi thở như cây cầu nối liền thân và tâm. Đôi khi tâm ta nghĩ một việc mà thân thì làm một việc khác.
Để tâm vào hơi thở, khi thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra. Đưa thân tâm về một mối, gọi là thân tâm nhất như.
Đối với thiền sư, tập thở là một niềm vui không thể thiếu. Ngày nào ngài cũng tập thở. Trong thiền đường của thiền sư Thích Nhất Hạnh có treo một câu: “Thở đi, sống cho trọn vẹn”. Chỉ cần biết thở và biết mỉm cười là bạn đủ thấy hạnh phúc.
“Nhờ hơi thở ý thức, bạn khôi phục lại con người trọn vẹn của bạn và tiếp xúc được với đời sống thực tại nhiệm mầu.”
Sống giữa bận rộn hiện nay, lâu lâu chúng ta nên biết dừng lại để thở. Không phải chỉ vào thiền đường chúng mới nên tập thở. Chúng ta nên tập thở ngay trong không khí đang làm việc, đang lái xe, đang ngồi trên xe buýt. Bất cứ ở đâu, chúng ta cũng nên tập thở.
Có nhiều bài thi kệ có thể giúp ta thực tập theo dõi hơi thở rất hiệu quả.
“Thở vào, tâm tỉnh lặng”: đọc xong câu này như uống được ngụm nước chanh mát lạnh thấm dần cả cơ thể. Vừa thở vào vừa đọc thầm câu này, bạn sẽ cảm thấy cả thân tâm êm dịu lại.
“Thở ra, miệng mỉm cười”: ta biết rằng khi ta mỉm cười, ta làm thư giãn những bắp thịt trên mặt. Ta mỉm cười là ta làm chủ được thân tâm ta.
“An trú trong hiện tại”: tôi ngồi đây, tôi biết tôi đang ở đây, tôi không nghĩ đến điều gì khác.
“Giờ phút đẹp tuyệt vời”: ngồi yên tĩnh, vững vàng. Trở về với hơi thở, với nụ cười, trở về với con người chân thật, còn niềm vui nào lớn hơn?
Thực tập Từ bi quán để có hạnh phúc
Theo thiền sư, con người không có tình thương sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Những bài tập Từ Bi quán sẽ giúp chúng ta biết yêu thương và từ đó có được an lạc, hạnh phúc. Ta ngồi lại; sau khi điều phục thân thể và hơi thở, ta đọc những câu sau đây:
Bài thứ nhất
- Mong sao cho thân tâm tôi được an lạc và nhẹ nhàng
- Mong sao cho tôi được sống an toàn không vướng vào tai nạn
- Mong sao cho trong tâm tôi không có giận hờn, phiền não, sợ hãi và lo lắng
Bài này đặt trọng tâm ở Bi và Xả
Bài thứ hai
- Mong sao cho tôi biết nhìn tôi bằng con mắt hiểu biết và thương yêu
- Mong sao cho tôi nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc
- Mong sao cho tôi nhận diện và thấy được cội nguồn của những giận hờn, tham đắm và si mê trong tôi
Bài này đặt trọng tâm ở Từ, Bi và Hỷ
Bài thứ ba
- Mong sao cho tôi biết nuôi dưỡng tôi mỗi ngày bằng những niềm vui
- Mong sao cho tôi được sống mát mẻ, vững chắc, và thảnh thơi
- Mong sao cho tôi không rơi vào thái độ dửng dưng và không kẹt vào hai mặt vướng mắc và ghét bỏ
Bài này thực tập về cả Từ, Bi, Hỷ và Xả.
Khi chúng ta thực tập Từ Bi quán, thân tâm ta nhẹ nhàng, thoải mái và an lạc. Ta cũng làm cho hoàn cảnh và môi trường của ta thấm nhuần năng lượng Từ và Bi. Từ Bi quán là một bài tập hạnh phúc. Hãy cố gắng thực tập với trọn ý muốn và con tim. Như là những lời mong cầu ấy sẽ trở thành sự thật.
Hangfah (tổng hợp)
Theo:https://vn.theasianparent.com
Xem thêm các bài viết khác:
Thai giáo qua thiền và hát ru!
.Tác dụng của nhạc thiền đối với mẹ bầu và thai nhi